Lúc bắt đầu hành trình xuất Ai Cập, A-rôn là người giúp đỡ và phát ngôn viên cho Môi-se (tham chiếu phần 1). Tuy nhiên, tại núi Si-nai, A-rôn nhận lãnh vai trò là thầy tế lễ của Y-sơ-ra-ên (tham chiếu Xuất Ê-díp-tô Ký 19:16-25). Từ thời điểm nầy trở đi, A-rôn thực hiện chức vụ thầy tế lễ của ông. Hơn nữa, vì A-rôn được sinh ra thuộc chi phái Lê-vi, điều nầy có nghĩa ông là thầy tế lễ về dòng Lê-vi đầu tiên.
(b) A-rôn được chọn là thầy tế lễ thượng phẩm đầu tiên trong dân Y-sơ-ra-ên (tham chiếu Xuất Ê-díp-tô Ký 29:7; 30:23; Lê-vi Ký 8:12)
Chức tế lễ trước tiên được lập trong gia đình của A-rôn, và tất cả con cái A-rôn đều làm thầy tế lễ. Chỉ A-rôn được xức dầu làm thầy tế lễ thượng phẩm (Lê-vi Ký 8:12; 21:10; Dân số Ký 35:25), tức là chỉ thầy tế lễ thượng phẩm mới được phép vào Nơi Chí Thánh. Hơn nữa, Kinh Thánh ghi rõ Đức Chúa Trời khẳng định chức tễ lễ của A-rôn và các con trai của ông bằng cụm từ “làm chức tế lễ trước mặt Ta.” Cụm từ nầy xuất hiện nhiều lần trong những câu Kinh Thánh (Xuất Ê-díp-tô Ký 28, 29, 30, 40, và Lê-vi Ký 7:35). Vì vậy, các thầy tế lễ thi hành chức vụ trước dân sự, nhưng bổn phận trước tiên của họ là phải thi hành chức vụ trước mặt Chúa, và làm đẹp lòng Ngài.
Cây gậy A-rôn đâm chồi, trổ hoa và trái hạnh nhân chính là bằng chứng cho thấy ông là thầy tế lễ được Đức Chúa Trời chọn. Cây gậy trổ bông của A-rôn được đặt trong Hòm Giao Ước cùng với bình bánh ma-na và hai bảng điều răn (Hê-bơ-rơ 9:4).
§ 1. Lễ phục của thầy tế lễ thượng phẩm
A-rôn và các con trai của ông nhận những lễ phục đặc biệt, nhưng lễ phục của A-rôn khác biệt hơn.
– Bộ áo của thầy tế lễ thượng phẩm gồm 7 phần như được mô tả trong Xuất Ê-díp-tô Ký 28: bảng đeo ngực, Ê-phót, một áo dài màu xanh, mũ, áo dài bên trong, dây thắt lưng, và một cái mũ vải gai.
– A-rôn phải mặc lễ phục có khắc tên của các con trai Y-sơ-ra-ên, nghĩa là “A-rôn sẽ mang tên của họ trên hai vai mình trước mặt Đức Giê-hô-va như một kỷ niệm” (xem Xuất Ê-díp-tô Ký 28:12). Đây là hình ảnh rất sâu sắc của vai trò thầy tế lễ trong cộng đồng đức tin. Đặc biệt trên mũ hoặc khăn trùm đầu của A-rôn ghi hàng chữ “Thánh cho Đức Giê-hô-va” (Xuất Ê-díp-tô Ký 28:36). Bộ ê-phót của ông có một bảng đeo ngực gắn mười hai viên ngọc, mỗi viên tượng trưng cho một chi phái Y-sơ-ra-ên và để chứa đựng U-rim và Thu-mim, là những vật thiêng liêng dùng để cầu hỏi ý Đức Giê-hô-va và xác định ý muốn của Chúa cho dân sự (tham chiếu Xuất Ê-díp-tô Ký 28:30 và tt.; Dân số Ký 27:21).
** Một trong những bài học từ bộ lễ phục dành cho thầy tế tễ, đó là ngày nay Cơ Đốc nhân không có và cũng không dùng những vật thiêng liêng như là U-rim và Thu-mim để cầu hỏi và muốn biết ý muốn Chúa. Thật vậy, Đức Chúa Trời ban Lời Ngài, chính là Kinh Thánh cho tín hữu chúng ta. Chỉ khi tín hữu thành tâm đọc, học, suy gẫm Lời Chúa trong sự cầu nguyện tìm biết ý muốn Ngài, thì Ngài sẽ hướng dẫn và bày tỏ điều chúng ta cầu xin, vì “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường lối tôi” (Thi thiên 119:105).
§ 2. Những bổn phận của A-rôn trong vai trò thầy tế lễ thượng phẩm
– Vai trò của thầy tế lễ thượng phẩm là phục vụ như người đại diện làm những việc cho dân sự, mà những việc đó liên hệ với Đức Chúa Trời. Như vậy, thầy tế lễ thượng phẩm được xem như người lãnh đạo thuộc linh ở hàng ngũ cao nhất giữa vòng dân Y-sơ-ra-ên.
– Thầy tế lễ thượng phẩm phải dâng của lễ chuộc tội không những vì tội lỗi của cả hội chúng, mà còn vì bản thân thầy tế lễ (tham chiếu Lê-vi Ký 4:3-21)
– Bổn phận quan trọng nhất của thầy tế lễ thượng phẩm là tiến hành nghi lễ vào ngày Đại Lễ Chuộc Tội (יוֹם כִּפּוּר), nhằm ngày 10 tháng 7 mỗi năm theo lịch Do Thái (tham chiếu (Lê-vi Ký 16:29; 23:26-32; 25:9; & Dân số Ký 29:7-11). Chỉ một mình thầy tế lễ thượng phẩm được phép vào phía trong bức màn đến Nơi Chí Thánh để đứng trước mặt Đức Chúa Trời và dâng huyết sinh tế chuộc tội cho dân sự (Lê-vi Ký 16:1-19). Những của lễ được dâng lên vào ngày Đại Lễ Chuộc Tội đem đến một sự tẩy sạch 3 mặt: đối với thầy tế lễ cả và gia đình ông, đối với dân Y-sơ-ra-ên, và đối với đền tạm (xem Lê-vi Ký 16:6,16-17, 20, 33).
3. Những thành tựu và thất bại của A-rôn
(a) Những thành tựu
-Trong vai trò giúp đỡ cho Môi-se, A-rôn truyền cảm hứng cho dân Y-sơ-ra-ên từ đầu cho đến cuối cuộc xuất Ai Cập. A-rôn cũng là người vào trong sự hiện diện thánh của Đức Chúa Trời trên núi Si-nai với Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:24).
– A-rôn cùng với Hu-rơ nâng đỡ cánh tay cầu nguyện của Môi-se suốt cuộc chiến chống lại quân A-ma-léc (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:8-16).
– A-rôn đóng vai trò như cánh tay phải của Môi-se. Nếu một ai đó có thể đáng tin đảm đương nhiệm vụ khi Môi-se vắng mặt, thì đó chính là A-rôn (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:13-14).
– Di sản lớn nhất trong cuộc đời và chức vụ của A-rôn gắn liền tên ông là cách chúc phước cho dân sự (Dân số Ký 6:22-26).
(b) Những khiếm khuyết và thất bại
Mặc dù A-rôn là người có tài ăn nói, và là người lãnh đạo có ảnh hưởng trong Y-sơ-ra-ên, nhưng ông cũng là một con người có những khiếm khuyết và thất bại.
– Bi kịch con bò vàng: Chính tài ăn nói giỏi của A-rôn cám dỗ ông muốn nói điều dân sự muốn nghe. Đáng lý ra A-rôn sử dụng khả năng Đức Chúa Trời ban cho để thuyết phục dân sự đừng phạm tội, nhưng thay vì ngăn cản dân sự, A-rôn lại đồng tình với họ và làm thỏa mãn những ham muốn trong tấm lòng tội lỗi của họ. Khi làm con bò vàng, A-rôn cùng dân sự phạm tội trọng, và vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời (xem Xuất Ê-díp-tô Ký 32).
– Nói hành người lãnh đạo Môi-se: A-rôn cùng với Mi-ri-am chỉ trích và lằm bằm nghịch cùng Môi-se (xem Dân số Ký 12).
– Nổi loạn tại Ca-đe: A-rôn cùng Môi-se giận dữ nghịch lại mạng lệnh của Đức Chúa Trời tại Ca-đe và bị kỷ luật không được Đất Hứa Ca-na-an (Dân số Ký 20:1-13).
** A-rôn qua đời trên núi Hô-rơ, hưởng thọ 123 tuổi. Dân Y-sơ-ra-ên khóc thương người. (Dân số Ký 20:20-29;33:39; Phục truyền Luật lệ Ký 10:6). Khi A-rôn chết, Ê-lê-a-sa trở thành người kế nghiệp ông (Dân số Ký 20:22-29), và con cháu Y-tha-ma đã tiếp nối trong chức vụ tế lễ thậm chí sau thời kỳ lưu đày tại Ba-by-lôn (E-xơ-ra 8:1-2).
** Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời thiết lập chức tế lễ và chọn A-rôn là thầy tế lễ thượng phẩm. Trong thời Cựu Ước, con dân Chúa luôn cần có một thầy tế lễ thượng phẩm mỗi năm vào ngày Đại Lễ Chuộc Tội thực hiện nghi thức chuộc tội cho dân sự và cho bản thân. Trong thời Tân Ước, Đức Chúa Jêsus Christ không những là sứ giả của Đức Chúa Trời, mà còn là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Lớn (Hê-bơ-rơ 4:14). Chúa Jêsus vừa là Của Lễ Sinh Tế vừa là Đấng Dâng Sinh Tế (Hê-bơ-rơ 9:11-12). Ngài đã đổ huyết chuộc tội cho cả nhân loại một lần đủ cả, mở ra cho loài người một con đường duy nhất trở lại với Đức Chúa Trời. Ngài là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm siêu việt vì Ngài vừa là Sinh Tế trọn vẹn vừa là Đấng Cầu Thay toàn hảo.
Những bài học suy gẫm
– Tất cả chúng ta đều có những điểm mạnh và điểm yếu, nhưng người khôn ngoan cầu hỏi Đức Chúa Trời bày tỏ cả hai. Con người chúng ta có khuynh hướng tự hào về điểm mạnh trong khi phớt lờ những điểm yếu. Điều nầy khiến chúng ta gặp rắc rối như A-rôn vậy.
– Dù chúng ta đang sử dụng một khả năng hay ân tứ nào đó hay đang vật lộn với những thiếu sót của chúng ta, thì chúng ta phải cứ tập trung vào Đức Chúa Trời để Ngài hướng dẫn. Cuộc đời của A-rôn cho chúng ta thấy chúng ta không cần phải là một nhà lãnh đạo lỗi lạc để đóng vai trò quan trọng.
– Từ cuộc đời của A-rôn, chúng ta học được những bài học về tình yêu huynh đệ, tính khiêm nhường, lòng trung thành, và sẵn lòng phục vụ. Như A-rôn, chúng ta được Đức Chúa Trời kêu gọi đi theo những lãnh đạo mà Đức Chúa Trời đã chỉ định, phục tùng họ trong tinh thần phục vụ khiêm nhường. A-rôn trung thành với Đức Chúa Trời, dù cho ông vấp ngã như trong bi kịch bò vàng. Đức Chúa Trời cũng sẽ sử dụng Cơ Đốc nhân khi chúng ta có những lần sa ngã nếu chúng ta ăn năn và trở lại với Ngài. Ngài thành tín tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta (I Giăng 1:9), và không còn nhớ tội lỗi của chúng ta nữa (Hê-bơ-rơ 8:12).
(Theo sự hỗ trợ từ Nữ Truyền đạo Lê Thị Lệ Thanh)
* Sách tham khảo
Kinh Thánh tiếng Việt (BTT)
Barclay, William. Giải nghĩa Kinh Thánh. Thư Hê-bơ-rơ. Anaheim, CA: Văn Phẩm Nguồn Sống, Vietnam Ministries, Inc, 1991.
Cadman. Wm. C. Thánh Kinh Tự Điển. Quyển Thượng – Hạ. Nhà in Tin Lành Saigon, 1958.
Henry, Matthew. Matthew Henry’s Commentary on the whole Bible, Vol 1. Genesis to Deuteronomy. New York: Flemming H. Revell Company, 1921.
Keil, C.E & Delitzsch, F. Commentary on the OldTestament in Ten Volumes: The Pentateuch. Vol 1. Grand Rapids, MI: Wm B Eerdmans, 1963.
Marshall, I. Howard et all.,. Thánh Kinh tân tự điển.
3rd Ed. byViện Thần Học Việt Nam. Nhà xuất bản Hồng Đức, 2009.
Wiersbe, Warren.W. The Wiersbe Bible Commentary: Old Testament. David C. Cook U.K., Kingsway Communications, 2007.