Kinh Thánh: Lu-ca 10:30-37
“Đức Chúa Jêsus lại cất tiếng phán rằng: Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô, lâm vào tay kẻ cướp, nó giựt lột hết, đánh cho mình mẩy bị thương rồi đi, để người đó nửa sống nửa chết. Vả, gặp một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi qua khỏi. Lại có một người Lê-vi cũng đến nơi, lại gần, thấy, rồi đi qua khỏi. Song có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần người đó, ngó thấy thì động lòng thương; bèn áp lại, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại; đoạn, cho cỡi con vật mình đem đến nhà quán, mà săn sóc cho. Đến bữa sau, lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về sẽ trả. Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là lân cận với kẻ bị cướp? Thầy dạy luật thưa rằng: Ấy là người đã lấy lòng thương xót đãi người. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy đi, làm theo như vậy.” (BTT)
Câu chuyện về người Sa-ma-ri nhân lành được nhiều người biết đến, ngay cả những người không quan tâm đến việc vâng lời Chúa Jêsus. Người ta cho rằng đây là câu chuyện nói về điều thiện thắng điều ác và dạy rằng tấm lòng mộ đạo được thể hiện rõ ràng nhất qua việc giúp đỡ người khác bất kể giai cấp xã hội. Nhưng đó không phải là bài học mà Chúa Jêsus dạy cho thầy dạy luật, người đang cố tỏ ra mình công bình (Lu-ca 10:29).
Thầy dạy luật muốn kiểm tra xem Chúa Jêsus có đồng ý với quan điểm của người Do Thái cho rằng những ai hoàn toàn vâng lời Đức Chúa Trời sẽ được hưởng sự sống đời đời (Lu-ca 10:25), và do đó, những người không vâng lời, sẽ không được sự sống đời đời. Vì vậy, Chúa Jêsus kể câu chuyện về người Sa-ma-ri, là người Do Thái lai bị khinh thường nhưng lại là người đã bày tỏ lòng thương xót, trái ngược với các chức sắc tôn giáo Do Thái đã phớt lờ người đàn ông bị thương. Định nghĩa về “người lân cận” giờ đã rõ ràng. Nếu bạn không thể hiện lòng thương xót, thì không mối liên hệ nào có thể tồn tại. Nhưng nếu lòng thương xót được tỏ bày thì mối liên hệ đã được bắt đầu.
Sứ mạng của Chúa Jêsus là giúp con người có được mối liên hệ với Đức Chúa Cha, không dựa trên việc con người chỉ cần vâng giữ những luật lệ chi tiết của Luật pháp (không ai có thể làm điều đó), nhưng bằng cách tiếp nhận sự thương xót được ban cho qua sự hy sinh của Chúa Jêsus. Hình ảnh của Chúa Jêsus được lồng ghép vào câu chuyện: người Thầy bị khinh thường sẵn sàng chữa lành cho kẻ bị thương bằng chính mạng sống của Ngài (I Phi-e-rơ 2:24), trong khi giới lãnh đạo tôn giáo thì phớt lờ tình trạng tâm linh của thế giới.
Chính lòng thương xót của Đức Chúa Trời biểu lộ mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Ngài đã nhìn thấy hoàn cảnh của chúng ta và đã hành động. Sự chết của Đấng Christ cung ứng cho Đức Chúa Trời phương cách để chuộc tội lỗi của chúng ta cách công bình bằng chính mạng sống của Ngài. Chỉ khi chúng ta hiểu được sự thương xót mà Ngài dành cho chúng ta lớn đến dường nào thì chúng ta mới có thể thương xót người khác (I Ti-mô-thê 1:16). Người tuân thủ pháp luật không thể hiểu được sự thương xót vì họ nghĩ rằng mọi điều tốt đẹp phải được đền đáp còn những điều xấu phải bị trừng phạt. Người tiếp nhận sự thương xót hiểu được sự tha thứ và có thể tha thứ cho người khác. Lòng nhân từ nói lên sự hiểu biết của chúng ta về Phúc Âm, ân điển, tội lỗi, sự tha thứ, sự vâng phục và phục vụ khi đối mặt với sự chống đối (I Phi-e-rơ 1:3-9). Hãy thử tự “kiểm tra lòng thương xót” của bản thân ngay hôm nay vì đó là thước đo hiệu quả mối quan hệ của bạn với Chúa.
Kính lạy Chúa thánh! Con biết rằng con là một tội nhân và con không có quyền gì trước mặt Ngài. Con biết điều duy nhất con đáng nhận là sự phán xét của Ngài. Nhưng con cảm ơn Chúa vì Ngài đã bày tỏ lòng thương xót đối với con qua sự chết của Đấng Christ để trả thay cho tội lỗi của con. Con cảm ơn Chúa vì con được chấp nhận, không phải bởi sự tốt đẹp của con mà bởi lòng thương xót và ân điển của Ngài. Xin Chúa giúp con biết ơn Ngài đến nỗi có thể bày tỏ lòng thương xót đối với những tội nhân khác, và lời cầu nguyện hằng ngày của con là họ cũng sẽ nhận được sự thương xót của Ngài. Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. A-men.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work