Dân Y-sơ-ra-ên bị Chúa sửa phạt phải lưu đày tại Ba-by-lôn vào khoảng năm 586 T.C. Tuy nhiên, vào khoảng năm 539 T.C, Ba-by-lôn thất thủ dưới tay Si-ru, vua Phe-rơ-sơ nên người Giu-đa tại Ba-by-lôn tiếp tục chịu sự cai trị của người Mê-đi Ba-tư. Dầu vậy, Chúa đã dùng vua Si-ru để giúp đỡ người Giu-đa. Năm 538 T.C, vua cho phép người Giu-đa trở về Giê-ru-sa-lem để xây lại đền thờ dưới sự dẫn dắt của Xô-rô-ba-bên (E-xơ-ra 1-3). Tuy nhiên công tác xây dựng gặp chống đối trở ngại nên bị đình trệ rất lâu (E-xơ-ra 4).
Vào năm 520 T.C, vua Đa-ri-út lên trị vì nước Phe-rơ-sơ. Trong năm thứ hai đời vua Đa-ri-út thì Chúa dấy lên hai vị tiên tri là A-ghê và Xa-cha-ri để tiếp tục khích lệ dân Chúa trong việc xây tiếp đền thờ (A-ghê 1, Xa-cha-ri 1, E-xơ-ra 5:1-2).
Tiên tri Xa-cha-ri được sanh ra trong thời gian bị lưu đày tại Ba-by-lôn. Ông là con trai của ông Ba-ra-chi, cháu của ông Y-đô (Xa-cha-ri 1:1, E-xơ-ra 5:1). Nhà tiên tri đặc biệt được Chúa truyền phán thông qua các sự hiện thấy. Trong sách tiểu tiên tri Xa-cha-ri, ông đã ký thuật lại các sự hiện thấy mà Chúa bày tỏ cho ông. Mỗi sự hiện thấy đều mang ý nghĩa riêng biệt rõ ràng để truyền đạt cho dân sự của Chúa. Qua đó chúng ta nhận biết chương trình và kế hoạch của Chúa trong việc phục hồi đối với vương quốc Giu-đa sau bảy mươi năm lưu đày.
Có nhiều sự dạy dỗ trong sách tiểu tiên tri Xa-cha-ri nhưng không thể trình bày hết trong khuôn khổ bài viết này. Vì vậy, xin được trình bày về những sự hiện thấy mà Chúa đã mặc khải cho tiên tri của Ngài cùng những bài học thuộc linh cho dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa và chúng ta ngày nay.
Có tám sự hiện thấy khác nhau mà Chúa đã tỏ ra cho tiên tri Xa-cha-ri:
1. Một người cưỡi ngựa hồng đứng trong những cây sim (1:8) và phía sau thì có những ngựa hồng, ngựa xám, ngựa trắng (1:10) với sứ điệp về sự phục hồi dân Chúa từ chốn lưu đày (1:12-17).
2. Bốn cái sừng (1:18) chỉ về những kẻ làm tan tác Giu-đa, Y-sơ-ra-ên và Giê-ru-sa-lem (1:19) và bốn người thợ rèn (1:20) chỉ về những kẻ sẽ đánh hạ kẻ thù của Giu-đa.
3. Một người cầm dây đo để đo Giê-ru-sa-lem (2:1-2) với ý nghĩa về sự phục hồi Giê-ru-sa-lem. Giê-ru-sa-lem sẽ lại có đông dân cư và súc vật (2:4). Đức Chúa Trời sẽ làm tường lửa xung quanh họ và làm sự vinh hiển ở giữa họ (2:5, 8, 10).
4. Thầy tế lễ Giê-hô-sua, mặc áo bẩn đứng trước mặt thiên sứ Đức Giê-hô-va và Sa-tan đứng bên hữu đặng đối dịch người (3:1, 3). Thiên sứ sai lột bỏ áo bẩn (sự gian ác) khỏi người và “mặc áo đẹp” cùng “đội mũ sạch” cho (3:4). Qua đây, Chúa dạy những ai hầu việc Chúa phải được tẩy sạch và bước đi theo đường lối của Chúa (3:6, 7).
5. Một chân đèn bằng vàng và một cái chậu trên chót nó cùng bảy ngọn đèn và bảy cái ống cho mỗi ngọn đèn. Bên hữu và bên tả của cái chậu đều có cây ô-li-ve. Đây là những lời phán cho Xô-rô-ba-bên rằng ông sẽ làm xong công tác tái xây dựng đền thờ cho Chúa bởi Thần của Ngài (4:2-3, 6, 9).
6. Một cuốn sách bay với ý nghĩa là sự rủa sả tràn ra khắp mặt đất (5:1-3). Nó sẽ vào trong nhà kẻ trộm cùng kẻ lấy danh Chúa thề dối, ở giữa nhà ấy và thiêu nhà cùng gỗ và đá (5:4).
7. Một cái ê-pha đương ra (5:6), một khối chì tròn cất lên và một người đàn bà ngồi giữa ê-pha (5:7) tượng trưng cho “sự hung ác” (5:8).
8. Bốn cỗ xe ra từ hai hòn núi bằng đồng. Cỗ xe thứ nhất có những ngựa hồng, thứ hai có những ngựa ô, thứ ba có những ngựa trắng và thứ tư có những ngựa xám vá (6:1-3). Bốn cỗ xe tượng trưng cho bốn gió trên trời (6:5) trải đi qua lại khắp đất (6:7).
Đó là các sự hiện thấy mà Chúa đã mặc khải cho tiên tri Xa-cha-ri. Có nhiều điều chúng ta không thể hiểu hết. Dầu vậy, qua tất cả những gì tiên tri bày tỏ đem lại sự khích lệ lớn cho chúng ta về Đức Chúa Trời, Đấng chúng ta tôn thờ. Có hai điều ghi nhận tại đây:
1. Sự thương xót lớn lao của Chúa
Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và Ngài yêu ai thì yêu cho đến cuối cùng (Giăng 13:1). Dân Y-sơ-ra-ên phạm tội bị Chúa sửa phạt lưu đày mất nước. Tuy nhiên, sự sửa phạt của Chúa không phải để tiêu diệt họ nhưng để răn dạy và đem họ trở về với Ngài. Vì vậy, qua những lời tiên tri chúng ta nhận biết chương trình và kế hoạch mà Chúa sẽ thực hiện để giải cứu dân Chúa từ chốn lưu đày. Chúa sẽ đánh bại các kẻ thù của Y-sơ-ra-ên (1:20). Quốc gia Y-sơ-ra-ên sẽ được phục hồi và đền thờ Giê-ru-sa-lem sẽ được hoàn thành bởi Thần của Chúa (4:6). Chúa sẽ ngự giữa để bảo vệ và chăm sóc cho dân sự của Ngài (2:10).
Học biết điều Chúa làm trên dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa là sự khích lệ lớn cho đời sống con dân Chúa ngày nay. Chúng ta ngày nay có thể vì lý do này lý do khác mà bỏ Chúa nhưng Đức Chúa Trời không bao giờ từ bỏ chúng ta. Dù khi chúng ta yếu đuối, đi lạc xa và dường như bỏ niềm tin nơi Chúa thì Ngài vẫn dùng cách này hoặc cách khác để đem chúng ta về. Giống như hình ảnh Chúa nói về người chăn để chín mươi chín con nơi đồng vắng đặng đi tìm con đã mất cho kỳ được. Khi đã kiếm được thì vui mừng vác nó lên vai (Lu-ca 15:4). Chúa cũng không muốn mất một ai trong vòng con dân của Ngài. Vì vậy, nếu lỡ lạc xa khỏi đường lối Chúa, chúng ta hãy quay về. Chúa luôn vui mừng thương xót để tiếp nhận lại chúng ta như người cha rất hạnh phúc khi thấy đứa con út ăn chơi lêu lỏng trở về (Lu-ca 15:20-24). Chúa sẽ phục hồi và dẫn dắt chúng ta trong sự vui mừng phước hạnh nhất mà không ai hoặc không nơi nào có thể cho chúng ta được.
2. Sự thành tín của Chúa
Chúng ta thấy rằng Chúa đã luôn thành tín đối với dân Ngài. Mọi điều Ngài hoạch định đều được thực hiện theo thời điểm tốt lành nhất dành cho dân sự của Ngài. Và tại đây, Chúa cũng muốn dân sự bày tỏ sự đáp ứng cần thiết để nhận lấy những điều tốt lành đó. Tiên tri Xa-cha-ri đặc biệt nhấn mạnh về điều tiên quyết mà dân sự phải có để kinh nghiệm sự thành tín của Chúa chính là sự vâng lời. Trong Xa-cha-ri 6:15 tiên tri khẳng định “Những kẻ ở xa sẽ đến, xây đền thờ Đức Giê-hô-va; và các ngươi sẽ biết rằng Đức Giê-hô-va vạn quân sai ta đến cùng các ngươi; nếu các ngươi siêng năng vâng theo tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, thì sự đó sẽ xảy đến.” Tổ phụ của họ đã bất kính, làm cho “lòng mình cứng như đá kim cương”, không nghe theo tiếng phán của Chúa nên phải chuốc lấy sự thạnh nộ (7:11-12). Và giờ đây, tiên tri nhắc nhở dân sự một cách cụ thể những điều cần phải làm để bày tỏ tấm lòng vâng phục Chúa trong Xa-cha-ri 7:10 và 8:16-19. Khi họ sẵn sàng vâng lời thì Chúa sẽ giải cứu và tiếp tục dẫn dắt họ trong sự vui vẻ và bình an (8:4-8).
Chắc chắn đây cũng là điều Chúa đòi hỏi nơi chúng ta ngày nay trên hành trình theo Ngài. Đức tin mà không có việc làm là đức tin chết (Gia-cơ 2:17, 26). Đức tin thật sẽ sanh ra việc làm và nhờ việc làm mà đức tin được trọn vẹn (Gia-cơ 2:22). Việc làm cần có đó là làm theo ý muốn của Chúa. Bởi việc làm đó sẽ cho chúng ta tiếp tục kinh nghiệm phước hạnh và sự thương xót của Chúa dư dật trên đời sống mình. Thế gian luôn muốn tìm phước và sẵn sàng đi khắp mọi nơi, đội mưa đội nắng gian khổ để tìm kiếm. Là con dân Chúa chúng ta không cần phải đi tìm phước. Bởi lẽ, khi chúng ta làm theo Lời Chúa thì nhiên hậu “phước hạnh và sự thương xót sẽ theo chúng ta” (Thi thiên 23:1, 6). Lời Chúa trong Giô-suê 1:8 cũng khẳng định rằng khi chúng ta “cẩn thận làm theo” Lời Chúa thì “vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.” Nguyện rằng mỗi chúng ta sẽ được kinh nghiệm sự thành tín của Chúa bởi nếp sống vâng lời Chúa mỗi ngày. A-men.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)