Tên “Hê-rốt” xuất hiện nhiều lần trong Kinh Thánh. Một độc giả bình thường có thể nghĩ rằng Hê-rốt có tuổi thọ rất cao với tư cách là một nhà cai trị. Thật ra, Hê-rốt là họ của một triều đại cầm quyền ở xứ Palestine.
Mặc dù, trong Tân Ước đề cập 6 tên Hê-rốt khác nhau, Hê-rốt Đại đế là người đầu tiên được đề cập và được gọi là vua dân Do Thái. Ông trở nên nổi tiếng vì đã ra lệnh tàn sát ở Bết-lê-hem nhằm giết Hài nhi Jêsus trong câu chuyện Giáng Sinh.
Làm thế nào Vua Hê-rốt có được quyền lực của mình?
Hê-rốt là người Ê-đôm và ông của ông từng là vua cai trị Ê-đôm. Vậy bằng cách nào ông trở thành vua cai trị trên dân Do Thái?
Quay ngược dòng lịch sử, với khoảng 400 năm yên lặng trong giai đoạn giữa Cựu Ước và Tân Ước, đây là khoảng thời gian mà Đức Chúa Trời không sử dụng các tiên tri để mặc khải Lời của Ngài nữa; tuy nhiên dòng lịch sử của Y-sơ-ra-ên vẫn tiếp tục.
Mặc dù dân Do Thái đã được trở về quê hương mình trong thời gian này, nhưng họ không còn là một quốc gia, chủ quyền của họ đã bị mất, họ bị cai trị lần lượt bởi các thế lực thời đó là: Ba-by-lôn, Ba Tư và Hy Lạp. Trong lòng họ luôn ao ước giành độc lập và đã có những cuộc cánh mạng nổ ra. Sự thành công của Cuộc cách mạng Maccabee năm 166 TCN (người lãnh đạo là Ma-ta-thia, thuộc dòng dõi thầy tế lễ) đã mở ra và duy trì nền độc lập cho Y-sơ-ra-ên trong 100 năm và lập nên Vương triều Hasmonea.
Trong quá trình chinh phục và chiếm lĩnh các khu vực xung quanh, Vương triều Hasmonea đã chiếm lĩnh được khu vực Y-đu-mê của người Ê-đôm và lập ra quan trấn thủ để cai trị khu vực này, đó là Antipas – ông của Hê-rốt Đại đế sau này. Gia tộc Hê-rốt đã bước vào lịch sử dân Do Thái như vậy.
Nhưng sau đó, nhận thấy thế lực của La Mã ngày càng lớn mạnh và bành trướng trong khu vực, gia tộc Hê-rốt đã đưa ra các chính sách thân La Mã. Thế rồi họ đã cõng La Mã lên lưng và phản nghịch lại Maccabee.
Và về sau, Hê-rốt Đại đế được hoàng đế La Mã áp đặt cai trị với tư cách là vua của dân Do Thái trong ba mươi ba năm, từ năm 37 T.C. đến 04 S.C. Ông và các con trai cai trị xứ Giu-đa trong suốt cuộc đời và chức vụ của Chúa Jesus.
Vua Hê-rốt: Bạo chúa gian ác
Hê-rốt Đại đế là sự kết hợp kỳ lạ giữa một người cai trị thông minh với một tên bạo chúa độc ác.
Trên tất cả, Hê-rốt là người đa nghi, ghen tị và tàn bạo. Ông được cho là có 10 người vợ chính thức, con cái nhiều dòng, nên gia đình có nhiều sự bất hoà. Vì không tin tưởng người khác, ông sẵn sàng đè bẹp bất kỳ sự chống đối tiềm ẩn nào. Chính ông đã xử tử vợ mình khi nghi ngờ bà đang âm mưu chống lại ông. Ba người con trai của ông, một người vợ khác và mẹ vợ ông cũng chịu chung số phận khi họ cũng bị nghi ngờ có âm mưu.
Hê-rốt cố gắng trở thành một người Do Thái hợp pháp, sẽ không ăn thịt lợn, nhưng ông đã thoải mái sát hại các con trai mình! Cho nên vào thời vua Hê-rốt, có câu: “Thà làm một con lợn của vua Hê-rốt còn hơn là làm con của ông ta.”
Tuy nhiên, việc Hê-rốt tàn sát các trẻ sơ sinh ở Bết-lê-hem trong Ma-thi-ơ 2:1-18 đã nói lên tất cả những tham vọng, sự hoang tưởng và tàn ác của vị vua này.
Khi các nhà thông thái từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem hỏi thăm vị Vua dân Giu-đa mới sinh tại đâu, Hê-rốt chợt nhận ra có một vị vua khác và ông đầy kinh sợ. Ông bảo họ: “Khi các ngươi đã tìm được Ngài, hãy báo lại cho ta, để ta cũng đến thờ lạy Ngài” (Ma-thi-ơ 2:8). Lời nói của Hê-rốt mới nghe thật đạo đức, nhưng thật sự hoàn toàn giả dối. Đến khi không thực hiện được mưu ác giết Chúa Jêsus, ông giận dữ, ra lệnh giết tất cả bé trai từ 2 tuổi trở xuống tại Bết-lê-hem và vùng phụ cận, với ý đồ: “Giết lầm hơn bỏ sót”.
Vua Hê-rốt và những công trình để lại
Vua Hê-rốt là một con người độc ác, mưu mô nhưng không phải không có những mặt tích cực. Ông tự cho mình là người bảo vệ Do Thái giáo và tìm cách giành sự ưu ái của người Do Thái. Ông khuyến khích sự phát triển của hệ thống nhà hội Do Thái và sẵn giúp cung cấp ngũ cốc miễn phí cho dân chúng trong lúc thiên tai ập đến.
Nhưng, khi nhắc đến Hê-rốt Đại đế, người ta nhắc đến những công trình xây dựng vĩ đại mà ông để lại. Hê-rốt được cho là một người theo chủ nghĩa Hy Lạp. Ông đã xây dựng các nhà hát, nhà hát vòng tròn và trường đua ngựa theo phong cách Hy Lạp (sân vận động ngoài trời để đua ngựa và xe ngựa) trên khắp vùng đất.
Ông đã xây dựng thành phố cảng Caesarea, được đặt tên để vinh danh Caesar Augustus. Và một trong những tòa nhà vĩ đại nhất của ông được gọi là Masada. Toà nhà này là cung điện mùa đông của Hê-rốt, như một pháo đài bất khả xâm phạm có hồ bơi và phòng tắm hơi trong đó.
Tuy nhiên, thành tựu lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng của Vua Hê-rốt là xây dựng lại và làm đẹp đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Để giành được thiện cảm của người Do Thái, ông đã mở rộng và nâng cấp đền thờ này theo quy mô và sự nguy nga chưa từng có trước đây, ngay cả dưới thời Sa-lô-môn. Hê-rốt xây dựng lại đền thờ này mất 46 năm để trở thành một trong những kỳ quan của thế giới cổ đại. Và đó là lý do tại sao mọi người đều sửng sốt khi Chúa Jêsus phán: “Không còn hòn đá nào trên hòn đá nào mà không bị đổ xuống.” (Ma-thi-ơ 24:2)
Tóm lại, xứ Giu-đa thịnh vượng về mặt kinh tế dưới thời trị vì của vua Hê-rốt. Ông đã mở rộng lãnh thổ của Y-sơ-ra-ên thông qua việc chinh phục và xây dựng các công sự để bảo vệ biên giới La Mã. Mặc dù điều này khiến Hê-rốt được nhiều người Do Thái thuộc tầng lớp thượng lưu quý mến, nhưng nó lại khiến những người Pha-ri-si bảo thủ hơn và những người bình thường coi thường.
Những người thuộc phe Hê-rốt được đề cập trong Phúc âm (Mác 3:6; 12:13) là những người Do Thái theo chủ nghĩa Hy Lạp ủng hộ triều đại Hê-rốt, những người ủng hộ sự ổn định và nguyên trạng do chính quyền La Mã mang lại.
Sự chết của Vua Hê-rốt và sự nối ngôi
Vào năm 04 S.C, sau một thời gian dài bị bệnh nặng, Hê-rốt Đại đế qua đời. Tin này được thiên sứ của Chúa báo cho Giô-sép trong giấc mơ ở Ma-thi-ơ 2:19, nên Giô-sép biết rằng việc đem Chúa Jêsus trở về Y-sơ-ra-ên là an toàn.
Một điều lý thú là sau khi Hê-rốt qua đời, quyền lực tại Y-sơ-ra-ên không được giao lại cho duy nhất người con nào, mà cho cả 3 người con trai của ông. Đó là A-chê-la-u, An-ti-ba và Phi-líp. Và thay vì được gọi là vua những người này được gọi là vua chư hầu – một chức vị nhỏ hơn vua.
Các con trai và cháu của Hê-rốt Đại đế được bổ nhiệm cai trị như sau:
Hê-rốt A-chê-la-u: Con của Hê-rốt Đại đế
- Sau khi Hê-rốt Đại đế qua đời, ông làm vua chư hầu xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri. Ông được nhắc đến một lần trong Kinh Thánh: khi Giô-sép nghe tin A-chê-la-u đang cai trị xứ Giu-đê thay cha mình là Hê-rốt, Giô-sép đưa gia đình đến Na-xa-rét ở Ga-li-lê (Ma-thi-ơ 2:22-23).
- Tuy nhiên, đến khi Chúa Jêsus thi hành chức vụ 30 năm sau đó, A-chê-la-u đã bị chính quyền La Mã phế truất vì làm xứ Giu-đê trở nên hỗn loạn hơn. Thay vào đó là vị trí Tổng đốc, người của La Mã cử đến. Bôn-xơ Phi-lát là Tổng đốc của Giu-đê giai đoạn Chúa Jêsus thi hành chức vụ.
Hê-rốt An-ti-ba: Con của Hê-rốt Đại đế. Em ruột của A-chê-la-u.
- Cai trị xứ Ga-li-lê (Lu-ca 3:1).
- Ông lấy người phụ nữ tên Hê-rô-đia, là vợ của Hê-rốt Phi-líp, em trai cùng cha khác mẹ với ông (Mác 6:17).
- Ông bắt giam Giăng Báp-tít vì Giăng lên án cuộc hôn nhân bất chính nói trên (Ma-thi-ơ 14:1-5; Mác 6:17-18).
- Ông ra lệnh chém đầu Giăng Báp-tít trong buổi tiệc sinh nhật của mình, vì nghe theo lời xúi giục của hai mẹ con Hê-rô-đia và Sa-lô-mê (Ma-thi-ơ 14:6-10; Mác 6:21-28).
- Ông rất muốn gặp mặt Chúa Jêsus (Lu-ca 9:7-9).
- Ông muốn giết Chúa Jêsus (Lu-ca 13:31).
- Chúa Jesus bị dẫn đến vua nầy khi Chúa bị bắt (Lu-ca 23:7-12).
Hê-rốt Phi-líp: Em khác mẹ với Hê-rốt An-ti-ba.
- Cai trị xứ Y-tu-rê (Lu-ca 3:1).
- Ông cưới cháu gái của mình là Hê-rô-đia (Hê-rô-đia là con gái của Herod Aristobulus, một người con trai khác của Hê-rốt Đại đế, Tân Ước không nói gì về ông nầy). Hê-rô-đia có con gái là Sa-lô-mê (Tân Ước không nêu tên Sa-lô-mê), là cô gái khiêu vũ trong ngày sinh nhật của Hê-rốt An-ti-ba (Mác 6:22).
Hê-rốt Ạc-ríp-ba I: Cháu nội của Hê-rốt đại đế, con của Aristobulus.
- Ông giết sứ đồ Gia-cơ (Công Vụ Các Sứ Đồ 12:2).
- Ông bắt giam sứ đồ Phi-e-rơ (Công Vụ Các Sứ Đồ 12:4, 5).
- Ông bị thiên sứ của Chúa đánh, sau đó bệnh chết (Công Vụ Các Sứ Đồ 12:23).
Hê-rốt Ạc-ríp-ba II: Con của Hê-rốt Ạc-ríp-ba I
- Ông được sứ đồ Phao-lô làm chứng về Tin Lành (Công Vụ Các Sứ Đồ 26).
- Ông đã phát biểu một lời đáng ghi nhớ sau khi nghe Phao-lô giảng: “Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín đồ Đấng Christ.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 26:28)
Bài học suy ngẫm: Hãy tôn Chúa là Vua
Hê-rốt Đại đế là một nhà cai trị đầy tham vọng và tàn nhẫn, người tự đặt mình chống lại Vua của các vua và Chúa của các chúa. Xuyên suốt lịch sử và các ghi chép trong Kinh Thánh, gia đình Hê-rốt theo bước cha họ chống lại Đấng Christ.
Sự rủa rả của Chúa chắc chắn giáng trên nhà của Hê-rốt, cũng như giáng trên nhà của những kẻ ác chối từ ân điển Ngài. Họ xuất hiện trong xã hội loài người với một diện mạo thành công hào nhoáng, nhưng cuối cùng phải chuốc lấy sự hổ nhuốc đời đời.
Vương quốc sự sáng vẫn còn đối lập với vương quốc tối tăm, nhưng vương quốc sự sáng của Đức Chúa Trời mãi trường tồn bất diệt. “Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.” (I Giăng 2:17)
Hê-rốt có cơ hội để gặp và thờ phượng Vua Jêsus nhưng ông đã đánh mất. Bởi sự kiêu ngạo, ông không muốn nhường ngôi cho Chúa Jêsus. Ngày nay, có bao người giống như vua Hê-rốt, họ không thể nhường ngôi vua trong lòng mình cho Vua Jêsus vì họ sợ mất đi những quyền lợi riêng tư.
Chúng ta chỉ chọn một trong hai điều: hoặc tôn thờ Chúa, mời Ngài làm vua trong cuộc đời mình; hoặc loại trừ Ngài. Hê-rốt đã đánh mất cơ hội nên suốt đời ông sống trong mối lo sợ, nghi ngờ, bất an, và gây bao đau thương cho người khác. Chỉ có đời sống có Vua Jêsus ngự trị là đời sống bình an và đem phước hạnh cho người khác.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)