Nhà tiên tri Giô-na được Chúa dùng tại vương quốc phía Bắc Y-sơ-ra-ên. Tên “Giô-na” trong tiếng Do Thái có nghĩa là chim bồ câu. Ông là con trai của ông A-mi-tai tại Gát-hê-phe, một thị trấn thuộc về chi phái Sa-bu-lôn. Nhà tiên tri là người rất yêu nước và gần gũi với vua Giê-rô-bô-am II. Bởi ơn Chúa ban, ông nói tiên tri với vua Giê-rô-bô-am II về sự thành công trong trận chiến với dân Sy-ri và đã hoàn toàn ứng nghiệm (II Các Vua 14:25-27).
Vốn là một nhà tiên tri được Chúa sử dụng nhưng ông Giô-na cũng không tránh khỏi những lúc sai đường lạc lối. Trong sách tiên tri Giô-na, ông đã ký thuật cách chân thật và sống động về bản thân trong sự chống nghịch Chúa (Giô-na 1-2). Và khi ông chưa thật sự tha thứ thì lại tiếp tục ở trong sự tranh chiến giữa ý Chúa và ý muốn của xác thịt. Ông vẫn muốn làm theo ý Chúa nhưng bởi sự căm tức trong lòng khiến ông chỉ muốn cư xử theo ý riêng của mình. Một sự giằng xé trong tâm trí ông bởi lòng căm thù ngự trị. Từ đây để lại cho chúng ta những sự nhắc nhở và cảnh tỉnh về nguy hại của lòng căm thù.
1. Bất tuân mạng lệnh của Chúa (Giô-na 1)
Ông Giô-na là tiên tri của Chúa, người được Chúa sử dụng. Lẽ đương nhiên của một người tôi tớ là phải vâng phục chủ. Ông cũng đã luôn làm theo ý Chúa (II Các Vua 14:25-27). Tuy nhiên, khi Chúa sai ông đi đến Ni-ni-ve, thủ đô của A-si-ry để “kêu la nghịch cùng nó” hầu cho mọi người tại đó ăn năn thì ông không nghe theo. Ông đã “trốn qua Ta-rê-si để lánh khỏi mặt Đức Giê-hô-va” (1:3). Hành trình của ông đi từ Gia-phô đến Ta-rê-si cho thấy ông quyết tâm không thực hiện sứ mệnh Chúa giao.
Vì sao tiên tri Giô-na lại hành động như vậy? Có phải ông không còn kính sợ Chúa? Theo lời khẳng định của ông trong Giô-na 1:9 thì ông vẫn kính sợ Chúa và vẫn nhận biết ông không thể trốn khỏi Chúa. Như vậy, điều gì khiến ông kiên quyết đi theo ý riêng mà phớt lờ lệnh truyền của Chúa? Để hiểu điều này chúng ta cần biết qua một ít về bối cảnh lịch sử bấy giờ. Lúc ấy dân Y-sơ-ra-ên ở dưới sự hà hiếp của dân A-sy-ri, một dân vô cùng tàn ác. Chính vì thế dân Y-sơ-ra-ên vừa khinh bỉ, vừa thù ghét dân A-sy-ri. Tiên tri Giô-na vốn là một người yêu nước nên cũng trong tinh thần dân tộc rất căm ghét dân A-sy-ri. Ông không muốn những kẻ gian ác ở tại A-sy-ri nói chung và tại Ni-ni-ve nói riêng được Chúa cứu nhưng chỉ mong chờ họ bị trừng phạt thích đáng (Giô-na 3:10; 4:1-2). Chính vì thế, khi Chúa sai ông đến đó để rao giảng thì với lòng căm thù ông không muốn đi và sẵn sàng bất tuân mạng lệnh của Chúa.
Từ đây, chúng ta thấy lòng hận thù thật nguy hiểm. Nó dẫn chúng ta đến những hành động không kiểm soát và sẵn sàng bỏ qua ý muốn Chúa trên đời sống mình. Ông Giô-na là người phục vụ Chúa đầy ơn nhưng đã để cho sự căm thù chiếm giữ tấm lòng nên chỉ muốn chiều theo cái tôi và không làm theo mạng lệnh của Chúa. Ngay cả khi Chúa sửa phạt ông vẫn kiên quyết đi theo ý riêng. Một cơn bão lớn nổi lên khiến tàu ông đi Ta-rê-si hầu vỡ. Mọi người đi cùng ông trên tàu rất hoảng hốt, lo sợ trước nguy cơ bị chìm nhưng ông dường như rất bình thản và “xuống dưới lòng tàu nằm và ngủ mê” (1:5). Ông biết đây là hình phạt Chúa giáng trên ông (1:10, 12) nhưng ông làm như chẳng liên quan cho đến khi mọi người bắt thăm trúng ông (1:7). Lúc đó, ông mới khai ra là tại ông mà có tai vạ này. Tuy nhiên, ông vẫn chưa có biểu hiện ăn năn vào lúc này, mà lại còn thản nhiên nói rằng “Hãy bắt lấy ta; hãy ném ta xuống biển, thì biển sẽ yên lặng cho các anh; vì ta biết rằng ấy là vì cớ ta mà các anh đã gặp phải trận bão lớn nầy” (1:12).
Chúng ta thấy rõ sự bất tuân của Giô-na khiến ông phải chịu hình phạt kinh khiếp của Chúa. Nhiều người cũng bị liên lụy từ hành động bất tuân của ông. Vì vậy, xin Chúa giúp đỡ để chúng ta loại bỏ ngay nếu có tinh thần cay đắng hận thù xâm chiếm. Lời Chúa cảnh báo chúng ta trong Hê-bơ-rơ 12:15: “Khá coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng”. Sự cay đắng hận thù không được loại bỏ có thể dẫn chúng ta đến chỗ hư mất mà không hay. Xin Chúa dùng điều này để cảnh báo và nhắc nhở chúng ta.
2. Làm theo mạng lệnh của Chúa nhưng không hết lòng (Giô-na 2-4)
Vì cớ bất tuân mạng lệnh của Chúa, Ông Giô-na đã bị Chúa sửa phạt nặng nề. Dầu vậy, Chúa yêu ai thì yêu cho đến cuối cùng. Trong sự sửa phạt vẫn hiện rõ sự nhân từ của Chúa trên ông. Chúa sắm sẵn một con cá lớn để nuốt ông và tại trong bụng cá ông vẫn còn cơ hội để ăn năn với Ngài. Thật vậy, khi ở trong bụng cá, Giô-na đã bày tỏ sự ăn năn thật về hành động sai trật của mình với Chúa. Chính vì vậy, Chúa nhân từ đã tha thứ và cho ông cơ hội để làm lại điều Chúa muốn. Sau khi con cá mửa ông trên đất khô thì Chúa một lần nữa sai ông đi đến Ni-ni-ve để rao báo về lời của Ngài. Lần này thì ông vâng theo lệnh truyền của Chúa. Trong ba ngày ông đi khắp Ni-ni-ve để rao truyền sứ điệp của Chúa. Tuy nhiên, dường như lòng ông vẫn chưa thực sự muốn họ được giải cứu. Trong lời rao báo, ông chỉ nói rằng “còn bốn mươi ngày nữa Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống” (Giô-na 3:1-4). Sứ điệp ông truyền đầy sự nghiêm khắc và không có một lời kêu gọi ăn năn nào cả. Mặc dù vậy, dân Ni-ni-ve từ vua đến dân sau khi nghe lời cảnh báo của ông thì hạ mình xuống ăn năn, từ bỏ đường lối xấu mình và việc hung dữ của tay mình (Giô-na 3:5-9). Bởi đó, Chúa đã thay đổi ý định và không xuống tai vạ trên họ nữa (Giô-na 3:10).
Là người truyền đạo chắc hẳn chúng ta sẽ rất vui mừng khi người khác ăn năn từ bỏ con đường gian ác. Hơn nữa một dân tộc hạ mình xuống trước Chúa thì niềm vui không thể tả hết. Tuy nhiên, khi ông Giô-na biết Chúa đổi ý không xuống tai vạ trên dân Ni-ni-ve nữa thì liền giận dữ (Giô-na 4:1). Ông dường như trách cả Chúa đã quá nhân từ với họ (Giô-na 4:2). Sau lần sửa phạt trước ông không dám bất tuân mạng lệnh Chúa nữa. Tuy nhiên, vì chưa thực sự loại bỏ được lòng hận thù nên ông vẫn mong nhìn thấy họ bị Chúa trừng phạt (Giô-na 4:1-6). Vì vậy, lần này Chúa đã dùng một dây dưa để nhắc nhở ông rằng Ngài là Đấng thánh khiết tuyệt đối nhưng cũng là Đấng giàu lòng yêu thương. Ngài ghét tội lỗi nhưng rất yêu tội nhân. Trước mặt Ngài tội lỗi phải lui đi nhưng không tội nhân nào đáng bị bỏ. Chúa nhân từ, thương xót, chậm giận, giàu ơn và đổi ý không xuống tai vạ đối với những ai hạ mình xuống ăn năn trước mặt Ngài.
Lời Chúa nhắc ông Giô-na cũng là lời dạy dỗ cho mỗi chúng ta. Đừng để lòng căm thù chiếm hữu, nó sẽ nhốt chúng ta trong nhà tù của sự báo oán, lúc nào cũng nghĩ đến điều tiêu cực và mong ước những điều tệ hại đến với người khác. Sự căm thù khiến ông Giô-na từ một tiên tri đầy ơn trở nên một người vô cảm. Ông mất đi tình thương đối với tội nhân hư mất. Nếu ông bỏ qua được mọi mối hận thù đối với người Ni-ni-ve thì có lẽ ông đã hạnh phúc biết bao khi thấy họ được Chúa thương xót và tha thứ. Nhưng ông đã đánh mất niềm vui khi để lòng căm giận ngự trị. Ông đã cay đắng lại còn cay đắng hơn và chỉ muốn chết khi thấy họ được Chúa tha thứ.
Vì vậy, xin Chúa cho chúng ta tránh đi điều này trong đời sống. Hãy tha thứ, bỏ qua mọi lỗi lầm của người khác chính là tự giải thoát cho bản thân mình. Sự tha thứ giúp chúng ta nhẹ nhàng và bình an. Lời Chúa cũng dạy chúng ta “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ”. Đây là điều không dễ làm bởi sức riêng của mình nhưng bởi tình yêu của Chúa chúng ta sẽ làm được. Chấp sự Ê-tiên, một người đầy dẫy Đức Thánh Linh đã hết lòng cầu nguyện cho kẻ đang bắt bớ và ném đá ông cho đến chết. Nguyện Chúa giúp chúng ta loại bỏ hết mọi nỗi hận thù để sống yêu thương và tha thứ như Chúa đã yêu và tha thứ cho chúng ta. A-men.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)