Giô-ên là con trai của Phê-thu-ên (Giô-ên 1:1). Tên Giô-ên có nghĩa Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Giô-ên là một nhà tiên tri cho nước Giu-đa, miền Nam. Chúng ta không biết tiên tri Giô-ên sống vào thời kỳ nào, nhưng nhiều người tin rằng ông đã nói tiên tri dưới thời trị vì của Giô-ách.
Chủ đề chính của sách Giô-ên là: “Ngày của Đức Giê-hô-va”. Sách chỉ có 3 chương, nhưng ông đã nhắc đến 5 lần về “Ngày của Đức Giê-hô-va”, trong Giô-ên 1:15; 2:1-2; 2:10-11; 2:30-31; 3:14-16.
Sách Giô-ên có thể chia làm 2 phần chính:
- Phần 1: từ 1:1-2:17, nói về sự thử thách và sự ăn năn.
- Phần 2: từ 2:18-3:21, nói về sự tha-thứ và lời hứa của Đức Chúa Trời.
Trong sứ điệp của ông, ông đã kêu gọi dân sự hãy ăn năn và trở về cùng Đức Chúa Trời. Ông kêu gọi dân sự hãy xé lòng các ngươi mà đừng xé áo, điều này cho thấy rằng, Chúa xem xét tấm lòng hơn là việc làm bề ngoài. Khi tấm lòng thật sự ăn năn thì những hành động bày tỏ ra mới có giá trị trước Chúa. Còn nếu như chỉ có những hành động bên ngoài, như khóc lóc, xé áo, buồn rầu, hay kiêng ăn, mà tấm lòng thì chưa thật thay đổi, không ăn năn thật thì đối với Chúa cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Lời Chúa cũng khích lệ và yên ủi dân sự khi Ngài kêu gọi họ quay trở về với Ngài, “vì Ngài là nhân từ và hay thương xót, chậm giận và giàu ơn, đổi ý về sự tai vạ” (Giô-ên 2:13b). Thật vậy, nhờ sự nhân từ, thương xót, chậm giận, đổi ý mà Ngài không diệt con người khi con người phạm tội với Ngài, lìa bỏ Ngài, nên thế giới này mới tồn tại đến hôm nay.
Chúng ta cần biết rằng, Chúa là Đấng tạo dựng nên chúng ta, nên Ngài rất yêu thương chúng ta. Ngài muốn chúng ta sống thánh khiết và chỉ thờ phượng một mình Ngài mà thôi. Ngài là Đấng nhân từ, thương xót, ban ơn, và tha thứ; nhưng Ngài sẽ sửa phạt chúng ta khi chúng ta phạm tội! Chúng ta không nên lạm dụng lòng nhân từ của Chúa, nhưng hãy kính sợ và biết rằng Chúa là Đấng thánh khiết công bình, luôn biết rõ mọi việc chúng ta làm, và sẽ đoán phạt chúng ta khi chúng ta tiếp tục phạm tội với Ngài!
Khi quan sát những thảm họa gây ra bởi cào cào thì Giô-ên đã tuyên bố, đây là “Ngày của Đức Giê-hô-va”. Với khải tượng tiên tri, Giô-ên nhìn thấy viễn ảnh bị lưu đày tại Ba-by-lôn, ông cũng tuyên bố là “Ngày của Đức Giê-hô-va” sắp đến. Nhiều người lo sợ cho tương lai, nhưng Giô-ên muốn khuyên rằng, dầu không biết tương lai sẽ thế nào, nhưng chúng ta biết Đấng đang nắm giữ tương lai. Khi nhìn những gì đã, đang và sẽ xảy ra, chúng ta thấy được bàn tay của Chúa điều khiển trên mọi sự.
Thành ngữ “Ngày của Đức Giê-hô-va” được trình bày trong các sách tiên tri cũng như trong sách Giô-ên chỉ về những thảm cảnh đã từng xảy ra trong lịch sử của người Do Thái. Đó là “Ngày của Đức Giê-hô-va”, ngày của những biến cố thương tâm. “Ngày của Đức Giê-hô-va” cũng ở trong thì hiện tại, nó chỉ về những tai ương hoạn nạn như là biện pháp sửa phạt của Đức Chúa Trời. “Ngày của Đức Giê-hô-va” cũng ở thì tương lai, khi nhìn về phía trước hằng nhiều thế kỷ, các tiên tri nói về ngày lớn và khủng khiếp của Đức Giê-hô-va. Những gì họ nói trong Cựu Ước giống như Phi-e-rơ nói trong Tân Ước.
Tại sao Chúa nói cho chúng ta biết về “Ngày lớn và kinh khủng của Đức Giê-hô-va”? Mỗi lần Cựu Ước và Tân Ước đề cập đến những biến cố sẽ xảy ra trong tương lai thì luôn luôn kết thúc với phần áp dụng rằng: Chúng ta phải sống như thế nào khi biết rằng ngày đó sẽ xảy ra, ngày mà mọi công trình vĩ đại nhất của con người đều bị thiêu đốt?
Xin Chúa thăm viếng và nhắc nhở mỗi một con cái Chúa hãy sống xứng đáng với tình yêu và sự cứu rỗi mà Chúa đã ban cho chúng ta hầu trong ngày cuối cùng chúng ta đều được bình yên trong Ngài.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)