Kinh Thánh: Công vụ 20:4; Ê-phê-sô 6:21-22; Cô-lô-se 4:7-8; II Ti-mô-thê 4:12; Tít 3:12
Trong chức vụ hầu việc Chúa, Phao-lô có những người bạn đồng công mà mỗi lần nhắc đến tên họ thì ông bày tỏ sự trìu mến đặc biệt. Và một trong những người cộng sự mà Phao-lô yêu mến đó là Ti-chi-cơ.
Ti-chi-cơ có lẽ không nhận được nhiều sự chú ý như những nhân vật khác trong Kinh Thánh. Ông chỉ được nhắc đến năm lần ngắn ngủi trong Tân Ước, nhưng đời sống và chức vụ ông đem lại cho Cơ Đốc nhân những bài học sâu sắc để noi theo.
Xuất thân và chức vụ
“…Ti-chi-cơ và Trô-phim đều quê ở cõi A-si.” (Công vụ 20:4)
Ti-chi-cơ xuất hiện lần đầu tiên trong Công vụ 20:4 và cho chúng ta biết ông xuất thân từ A-si, có lẽ ở Ê-phê-sô, thành phố lớn của tỉnh A-si, nơi Phao-lô lưu trú hai năm tại đó (Công vụ 19:10).
“…Tôi đã sai người đi, có ý cho anh em biết tình cảnh chúng tôi là thể nào, để yên ủi lòng anh em.” (Ê-phê-sô 6:21-22)
“Ti-chi-cơ là anh em rất yêu của chúng tôi, một người tôi tớ trung thành của Chúa và bạn cùng làm việc với tôi, sẽ báo tin cho anh em về các việc của tôi… đặng người yên ủi lòng anh em.” (Cô-lô-se 4:7-8)
Phao-lô đang ở trong tù nhưng ông quan tâm đến các Hội Thánh và luôn muốn họ được yên lòng qua Ti-chi-cơ, người được ông gọi là anh em rất yêu dấu và tôi tớ trung thành của Chúa. Do đó, Ti-chi-cơ được giao nhiệm vụ chuyển các thư tín cũng như thông tin về Phao-lô ở trong tù ra sao đến cho các tín hữu tại Ê-phê-sô và Cô-lô-se. Ngoài ra, Ti-chi-cơ cũng là người mang thư đến cho Phi-lê-môn vì Ti-chi-cơ cùng đi với Ô-nê-sim, người nô lệ được nhắc đến trong thư Phi-lê-môn (Cô-lô-se 4:9).
Công tác chuyển thư trong thế kỷ thứ nhất đòi hỏi người rất tin cẩn mới làm được. Rõ ràng, Ti-chi-cơ đóng vai trò như một sứ giả đáng tin cậy. Tên “Ti-chi-cơ” có nghĩa là “may mắn” và sứ đồ Phao-lô chắc chắn cảm thấy may mắn khi có được người cộng sự như Ti-chi-cơ.
Có một tín đồ giấu tên được mô tả trong II Cô-rinh-tô 8:22 là “người chúng tôi đã thử nghiệm nhiều lần và thấy có lòng nhiệt thành trong nhiều vấn đề; nhưng hiện nay anh ấy càng nhiệt thành hơn nữa, vì anh ấy rất tin tưởng anh em.” (HĐTT) Nhiều nhà thần học cho rằng đây là ám chỉ đến Ti-chi-cơ vì lời mô tả có vẻ phù hợp về ông.
Ngoài ra, Ti-chi-cơ cũng được đề cập trong sách Tít và cho chúng ta biết ông còn có nhiệm vụ khác: “Đến chừng ta sẽ sai A-tê-ma hoặc Ti-chi-cơ đến cùng con, thì hãy vội vã sang thành Ni-cô-bô-li nhập với ta; vì ta định qua mùa đông tại đó.” (Tít 3:12)
Việc Phao-lô đề nghị Ti-chi-cơ thay thế chức vụ của Tít tại Cơ-rết nên có thể ông là một chấp sự với ân tứ dạy dỗ.
Sau đó, Ti-chi-cơ đã ở với Phao-lô ở Rô-ma trong thời gian vị sứ đồ bị giam tại đây lần thứ hai. Và một lần nữa, Ti-chi-cơ như là một sứ giả đáng tin cậy, ông được cử đến Ê-phê-sô để giúp Ti-mô-thê có thể đi thăm Phao-lô. “Ta đã sai Ti-chi-cơ sang thành Ê-phê-sô.” (II Ti-mô-thê 4:12) Như vậy, khi ở Cơ-rết và Ê-phê-sô, Ti-chi-cơ có thể đóng vai trò như một “mục sư lâm thời”, thay thế Tít và Ti-mô-thê.
Những bài học từ cuộc đời và chức vụ của Ti-chi-cơ
Sống Trung Thành
Có thể chúng ta không biết nhiều về Ti-chi-cơ, nhưng những gì chúng ta biết đều rất ấn tượng và đáng khen ngợi. Ti-chi-cơ là một sứ giả đáng tin cậy, một nhà truyền giáo trung thành và một người bạn trung thành của Phao-lô. Phao-lô đặt niềm tin rất lớn vào Ti-chi-cơ, sai ông đi hoàn thành những công việc quan trọng. Điều Chúa đòi hỏi nơi người đầy tớ Ngài là sự trung thành phục vụ và Ti-chi-cơ đã thể hiện điều đó qua đời sống và chức vụ của mình.
Ngày nay đôi mắt của Chúa vẫn đang soi xét khắp thế gian để “giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài” (II Sử ký 16:9a). Nguyện xin Chúa nhìn thấy nơi chúng ta tấm lòng trọn thành, trung tín trong mọi công tác Ngài giao.
Sống Khích Lệ
Ngoài ra, Ti-chi-cơ còn để lại cho chúng ta tấm gương về đời sống đem sự an ủi khích lệ đến cho người khác. Sự khích lệ được đề cập như một phần chức vụ của Ti-chi-cơ. Như việc ông đã ở bên Phao-lô trong thời gian vị sứ đồ bị giam tại Rô-ma.
Ti-chi-cơ có khả năng phục vụ trong nhiều tình huống khác nhau, mang lại sự khích lệ cho những người ông phục vụ. Ti-chi-cơ chắc chắn là mẫu mực về đức tính mà tất cả trưởng lão trong Hội Thánh phải có: “Phải giữ vững sứ điệp đáng tin cậy phù hợp với điều đã truyền dạy, để có năng lực khích lệ người khác bằng giáo huấn lành mạnh và chỉnh sửa kẻ chống đối mình.” (Tít 1:9, BD2020)
Suy Ngẫm:
Hầu hết chúng ta sẽ không bao giờ nổi tiếng, nhưng chúng ta có thể là Ti-chi-cơ, một tín đồ ít được biết đến, nhưng được những người xung quanh nhớ rõ về những điều tốt đẹp của mình.
Qua gương của Ti-chi-cơ, mỗi chúng ta dành chút thời gian để suy ngẫm về cách chúng ta đang sống cuộc sống của mình với những câu hỏi:
Nguyện xin Chúa giúp con học nơi gương của Ti-chi-cơ, để đời sống của con toát lên vẻ đẹp của một Cơ Đốc nhân khiêm nhường, trung thành, tận tụy phục vụ Chúa, đem lại sự an ủi khích lệ cho mọi người xung quanh. A-men.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…