Kinh Thánh: Cô-lô-se 4:9; Phi-lê-môn 1:8-21
Ý nghĩa tên Ô-nê-sim: Sự hữu ích, người hữu dụng, có ích lợi.
1. Ô-nê-sim là ai?
Phao-lô giới thiệu Ô-nê-sim là:
- Con tôi đã sanh trong vòng xiềng xích (câu 10).
- Người như lòng dạ của tôi (câu 12).
- Người như chính mình tôi vậy (câu 17).
Ô-nê-sim là một nô lệ của Phi lê môn, sống ở Cô-lô-se, đã lấy cắp tiền của chủ rồi trốn qua La Mã, một con người sống trong tội lỗi.
Ô-nê-sim đã gặp và được Phao-lô hướng dẫn tin nhận Chúa tại La Mã, sau đó Phao-lô khuyên giúp Ô-nê-sim trở về phục tùng Phi-lê-môn là chủ mình mà bày tỏ lòng ăn năn hối lỗi của một người được Chúa biến đổi.
Ô-nê-sim có thể bị giết theo luật pháp lúc bấy giờ vì đã vi phạm nhiều điều sai quấy và nhất là tội bỏ nhà chủ mà trốn đi.
2. Phao-lô đối với Ô-nê-sim thế nào?
Phao-lô viết thư gởi cho Phi-lê-môn với lời lẽ chân thành tha thiết xin Phi-lê-môn hãy rộng lượng tha thứ và tiếp nhận Ô-nê-sim như một người anh em và chính Phao-lô sẽ đền bù mọi thiệt hại mà Ô-nê-sim đã gây ra cho Phi-lê-môn (câu 18).
Phao-lô quyết với Phi-lê-môn về Ô-nê-sim rằng: ngày trước người thật vô dụng, chẳng có ích gì cho anh, nhưng bây giờ người sẽ có ích lắm, chẳng những cho anh mà cũng cho tôi nữa; nên tôi sai người về với anh, người như chính lòng dạ tôi vậy (câu 11, 12).
3. Vì sao Phao-lô làm như vậy?
Vì Phao-lô biết rằng Chúa đã tha thứ cho Ô-nê-sim bởi lòng chân thành ăn năn qua đời sống thay đổi của Ô-nê-sim.
Vì Phao-lô xem việc Phi-lê-môn chấp nhận Ô-nê-sim, một tín hữu mà Phao-lô đã hướng dẫn chăm sóc gây dựng lớn lên trong đức tin, như là một sự khích lệ cho Phao-lô trong chức vụ.
Để Ô-nê-sim có cơ hội bày tỏ sự ăn năn, chuộc lỗi với chủ. Và chắc qua đức tin, tình yêu thương của Phi-lê-môn, Phao-lô mong thấy Ô-nê-sim sẽ kinh nghiệm về Chúa, trưởng thành tâm linh và thật hữu ích cho công việc Chúa.
4. Bài học cho chúng ta:
Dẫu với một quá khứ thật xấu xa tội lỗi, đã lấy cắp tài sản của chủ rồi bỏ trốn, để lại những mất mát thiệt hại cho gia đình chủ mình, cuộc đời đáng dành cho sự trừng phạt; nhưng trong tình yêu và ân điển, Chúa đã cho Ô-nê-sim gặp và được Phao-lô dẫn dắt đến tin nhận Chúa, chăm sóc dạy dỗ. Đời sống Ô-nê-sim được biến đổi nên người hữu dụng khiến Phao-lô thật vui mừng và hãnh diện.
Có thể chúng ta cũng từng sống trong tội lỗi, gây ra bao thiệt hại, làm tổn thương nhiều người, đáng nhận án phạt của tội lỗi là sự chết đời đời! Nhưng tạ ơn Chúa, bởi yêu chúng ta Chúa Jêsus đã trả thay món nợ tội lỗi ấy bằng sự chết đau thương trên thập tự giá. Xin Chúa biến đổi chúng ta nên người tin kính Chúa, sống yêu thương nhân từ đạo đức, làm sáng danh Chúa và ích lợi cho tha nhân.
Mặc dầu với tư cách là người hướng dẫn Phi-lê-môn trên đường theo Chúa, Phao-lô có quyền yêu cầu Phi-lê-môn phải thực hiện mọi việc theo ý mình (câu 8) nhưng Phao-lô không làm thế. Phao-lô đã vì cớ người nô lệ mà rất nhã nhặn, khéo léo và sẵn sàng hạ mình tôn trọng, chờ đợi sự tự nguyện quyết định của Phi-lê-môn là học trò của mình. Trong tình yêu của Chúa, bản chất thật của sự tha thứ không phải là điều ép buộc nhưng là sự tự nguyện (câu 14), không phải vì mệnh lệnh ràng buộc nhưng là bởi tình yêu thương (câu 9).
Chúng ta thường phục vụ Chúa vì điều gì? Vì yêu Chúa, yêu người, hay vì vị nể người nầy, sự ép buộc của người kia? Xin Chúa cho chúng ta sẵn sàng phục vụ vì biết ơn Chúa và yêu thương mọi người.
Phao-lô đang thực hiện theo luật yêu thương, không phải là luật của con người mà là luật của Đức Chúa Trời, vì tình yêu thương là thế mạnh hơn tất cả mọi luật pháp trên thế gian. Phao-lô vẫn mong muốn Phi-lê-môn đừng vì quá khứ tội lỗi của Ô-nê-sim mà chặt lòng, nhưng xin hãy tha thứ và tiếp nhận Ô-nê-sim vì lòng yêu thương trong Chúa. Phao-lô đã vì một người nô lệ mà hạ mình cầu xin với Phi-lê-môn – người mà mình đã dẫn dắt, dạy dỗ biết Chúa.
Chúng ta không nên vì cớ quá khứ tội lỗi của anh chị em mình mà có thành kiến, chỉ trích hay phê phán, nhưng hãy cầu nguyện, giúp họ biết Chúa, tha thứ, tiếp nhận và dâng họ cho Chúa, tin rằng tình yêu và quyền năng của Chúa sẽ cảm hóa, đổi thay. Rồi họ trở nên người mới, hữu ích cho Chúa và công việc Ngài.
Xin cho con có lòng yêu thương và đức tin trong Chúa Jêsus, đem đến sự vui mừng cùng niềm yên ủi cho mọi người như Phi-lê-môn (câu 4-7).
Xin cho con thương yêu mọi người, cả đến những người có quá khứ không tốt đẹp, đưa họ đến với Chúa, chăm sóc họ là những tân tín hữu cho đến khi Đấng Christ thành hình trong họ như gương của Sứ đồ Phao-lô (Ga-la-ti 4:19).
Xin Chúa tha thứ tội lỗi con, xin quyền năng Thánh linh Chúa biến đổi cuộc đời con giúp con sống kết quả cho Ngài như Ô-nê-sim (câu 15, 16).
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)