Chúa Jêsus có những người bạn thân khi Ngài còn ở trần gian. Có lẽ đó không phải là điều trong suy nghĩ của nhiều Cơ Đốc nhân, nhưng Kinh Thánh đã ký thuật tình bạn rất mật thiết của Ngài với ba anh chị em trong một gia đình, đó là La-xa-rơ, Ma-thê và Ma-ri.
Dường như mỗi lần Chúa Jêsus đi từ Giê-ru-sa-lem đến Ga-li-lê hay từ Ga-li-lê đến Giê-ru-sa-lem, Ngài đều đến Bê-tha-ni để ở lại nghỉ ngơi tại gia đình này.
Và hai chị em Ma-ri, Ma-thê là những nhân vật nữ nổi tiếng trong Kinh Thánh, được nhiều Cơ Đốc nhân biết đến. Ma-ri được biết đến vì bà đã “ngồi dưới chân Chúa”, tập trung lắng nghe Chúa phán. Trong khi đó, Ma-thê là người phục vụ Chúa, nhưng bà đã không quân bình trong đời sống phục vụ Chúa.
Tuy hai chị em có sự khác biệt nhưng đều thể hiện lòng tôn kính, đức tin mạnh mẽ của mình đối với Chúa Jêsus và để lại cho Cơ Đốc nhân ngày nay những bài học có giá trị sâu sắc.
1. Ma-ri – Ngồi Dưới Chân Chúa
Ma-ri và Ma-thê được đề cập ba chỗ khác nhau trong Kinh Thánh.
(1) Câu chuyện nổi tiếng nhất về Ma-ri và Ma-thê trong Lu-ca 10:38-42, khi Chúa Jêsus và các môn đồ đi đến Giê-ru-sa-lem và đến nhà hai chị em. Trong khi bữa ăn đang được chuẩn bị, Chúa Jêsus bắt đầu giảng dạy thì Ma-ri “ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Ngài” (Lu-ca 10:39). Hình ảnh Ma-ri ngồi dưới chân Chúa Jêsus thật đẹp:
- Ngồi dưới chân Chúa Jêsus, Ma-ri bày tỏ lòng khao khát được ở gần Ngài và muốn nghe Lời Ngài trên tất cả.
- Ngồi dưới chân Chúa Jêsus, Ma-ri bày tỏ niềm tin của mình đặt vào Ngài. Một thái độ sẵn sàng chấp nhận và tuân theo những gì Ngài dạy bảo.
- Ngồi dưới chân Chúa Jêsus, Ma-ri tự nhận mình là môn đệ của Ngài.
- Ngồi dưới chân Chúa Jêsus, Ma-ri muốn bày tỏ tình yêu của bà dành cho Ngài.
Sau lời trách móc của Ma-thê vì không lo phụ giúp, Ma-ri chỉ yên lặng và chính Chúa Jêsus đã khen bà, “nhưng có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được.” (Lu-ca 10:42) Khi nói “lựa phần tốt”, Chúa Jêsus muốn nói rằng Ma-ri biết đặt ưu tiên trong cuộc sống, đó là tìm kiếm chính Ngài.
Trong cuộc sống mỗi ngày, Cơ Đốc nhân đều có sự chọn lựa và phải chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình. Chính sự hiểu biết và sự gần gũi với Ngài là điều cần thiết nhất và đây là sự chọn lựa cho những gì sẽ tồn tại mãi mãi, như “vàng, bạc và đá quý” được đề cập trong I Cô-rinh-tô 3:11-12.
(2) Ma-ri và Ma-thê xuất hiện lần thứ 2 trong Giăng 11 với anh trai của họ, là La-xa-rơ, người được Chúa Jêsus khiến sống lại từ cõi chết. Trong lúc buồn bã vì anh mình đã chết, Ma-ri nghe tin Chúa Jêsus đã đến và gọi mình, “Thầy ở đằng kia, đương gọi em lại” thì bà “vội vàng đứng dậy đến cùng Ngài” (Giăng 11:28-29).
Việc Ma-ri lập tức rời khỏi đám đông đang đưa tang ở nhà và chạy đến gặp Chúa Jêsus cho thấy lòng mong muốn gặp Chúa của bà lớn đến mức nào. Đối với Ma-ri gặp gỡ Chúa là ưu tiên hàng đầu. Và khi Ma-ri tới nơi Đức Chúa Jêsus đứng, vừa thấy Ngài, thì điều đầu tiên bà làm đó là “sấp mình xuống chân Ngài” và bày tỏ đức tin, thốt lên “Lạy Chúa, nếu có Chúa đây, thì anh tôi không chết” (Giăng 11:32). Thật đây là một bức tranh đẹp của một người đã ở dưới chân Chúa, một người kính yêu Chúa. Vì vậy, khi gặp Ngài thì quỳ xuống bày tỏ tấm lòng thờ phượng.
2. Ma-ri – Xức Dầu Cho Chúa
Lần thứ ba Kinh Thánh đề cập đến Ma-ri và Ma-thê tại Bê-tha-ni chỉ vài ngày trước khi Chúa Jêsus bị đóng đinh (Giăng 12:1–8). Bữa ăn đã dọn sẵn, Ma-thê lại phục vụ trong khi La-xa-rơ sống lại ngồi vào bàn ăn với Chúa Jêsus và các môn đồ.
Ma-ri bày tỏ lòng biết ơn, tình yêu với Chúa vì những gì Ngài đã làm trên gia đình bà bằng cách “lấy một cân dầu cam tùng hương thật, rất quí giá, xức chân Đức Chúa Jêsus, và lấy tóc mình mà lau; cả nhà thơm nức mùi dầu đó.” (Giăng 12:3)
Hình ảnh đẹp này của Ma-ri đã được ghi lại trong cả ba sách Phúc âm: Giăng 12, Ma-thi-ơ 26 và Mác 14. Theo Kinh Thánh ghi lại, Chúa Jêsus để yên cho Ma-ri xức dầu cho Ngài, cũng như lấy tóc mà lau. Việc Chúa để cho Ma-ri xức dầu cho thấy Ngài hài lòng việc làm của bà vì Ngài biết động cơ hành động của Ma-ri.
Chúa Jêsus nhìn thấy nơi Ma-ri lòng kính yêu Chúa, chân thành biết ơn Ngài. Bà là một người phụ nữ tôn kính Chúa và muốn dâng điều quý nhất cho Ngài.
Bất chấp những lời chỉ trích của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt về việc lãng phí dùng dầu đắt tiền, Ma-ri chỉ im lặng. Sự im lặng của Ma-ri, cũng như trong câu chuyện khi Ma-thê trách bà, cho thấy bà có tâm thần dịu dàng, không đấu tranh bào chữa cho chính mình. Đúng hơn, Ma-ri đã để cho Chúa Jêsus bảo vệ mình. Chúa Jêsus đã phán: “Hãy để mặc người, người đã để dành dầu thơm nầy cho ngày chôn xác ta.” (Giăng 12:7) Ngoài ra, Chúa Jêsus cũng tuyên bố khắp cả thế gian, “hễ nơi nào Tin Lành nầy được giảng ra”, thì cũng thuật lại việc Ma-ri đã làm “để nhớ đến người” (Ma-thi-ơ 26:13).
Cơ Đốc nhân ngày nay cần học theo gương của Ma-ri trong sự tìm kiếm, thờ phượng Chúa. Khi một người tập trung vào Đấng Christ, Ngài trở thành niềm đam mê lớn nhất. Hãy đến ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe lời Ngài dạy – đó là thứ tự ưu tiên trước hết trong cuộc sống.
Ngoài ra, chúng ta phải nắm lấy cơ hội để phục vụ Chúa khi có thể. Hãy dâng cho Chúa điều tốt nhất để bày tỏ lòng biết ơn Chúa khi còn cơ hội. Chúa ghi nhận tấm lòng của người kính yêu Ngài. Trong số những người theo Chúa Jêsus trong thời gian Ngài thi hành chức vụ, Ma-ri được Chúa khen hai lần và không bị Ngài quở trách lần nào.
3. Ma-thê – Người Phục Vụ Chúa Bị Phân Tâm
Ma-ri được biết đến là người ngồi dưới chân Chúa và lắng nghe tiếng Chúa. Trong khi đó, Ma-thê rõ ràng cũng đang lắng nghe nhưng bị phân tâm bởi việc chuẩn bị bữa ăn và cáu kỉnh vì em mình Ma-ri không tham gia phụ giúp. Ma-thê đến với Chúa Jêsus phàn nàn: “Lạy Chúa, em tôi để một mình tôi hầu việc, Chúa há không nghĩ đến sao? Xin biểu nó giúp tôi.” (Lu-ca 10:40)
Lời của Ma-thê nói với Chúa Jêsus cho chúng ta thấy tấm lòng và tâm trí của bà cố gắng làm cho mọi thứ trở nên hoàn hảo và bị phân tâm đến mức không biết mình đang nói chuyện với ai. Có nhiều người trở nên cáu kỉnh khi phục vụ Chúa giống như Ma-thê. Thật dễ dàng khi nhìn vào tất cả những gì chúng ta làm và chỉ trích những người khác và cho rằng dường như họ không làm gì nhiều. Nhưng vấn đề thực sự của Ma-thê đó là bà đã trở nên mất tập trung và không chăm xem Chúa Jêsus.
Giăng 12:1-2 có chép: “Sáu ngày trước lễ Vượt qua, Đức Chúa Jêsus đến thành Bê-tha-ni, nơi La-xa-rơ ở, là người Ngài đã khiến sống lại từ kẻ chết. Người ta đãi tiệc Ngài tại đó, và Ma-thê hầu hạ; La-xa-rơ là một người trong đám ngồi đồng bàn với Ngài.” Ma-thê là hình ảnh của một người phục vụ tận tâm, người hầu bàn đích thực.
Hội Thánh Chúa ngày nay vẫn cần những “Ma-thê” để lo cho công việc Nhà Chúa. Nan đề chính của Ma-thê không phải ở chỗ bà bận rộn với nhiều công việc, nhưng ở chỗ bà đã để công việc kéo mình đi quá xa và xao lãng với Lời Chúa.
Thật ra, phụ nữ được đánh giá cao trong xã hội thời Chúa Jêsus phải là người đảm đang việc nhà. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Chúa Jêsus đến thăm, Ma-thê cần đảm bảo bữa tối được chuẩn bị chu đáo. Là một người tiếp khách nồng hậu, tốt bụng, một đầu bếp giỏi, một người ở hậu trường đảm bảo mọi việc diễn ra suôn sẻ – đây là những điều mà hầu hết mọi người đều đánh giá cao ở Ma-thê.
4. Ma-thê – Người Năng Động Và Đầy Đức Tin
Khi trước giả Lu-ca nói về Ma-thê và Ma-ri trong Lu-ca 10:38-42, ông đã cho biết một Ma-thê năng động, còn Ma-ri là người thích ngồi yên. Trong câu chuyện về sự sống lại của La-xa-rơ, Ma-thê cũng được mô tả đúng như cá tính của bà. Ngay sau khi có tin báo Chúa Jêsus sắp đến, Ma-thê “đã đi đón Ngài” nhưng “Ma-ri thì ngồi tại nhà” (Giăng 11:20). Rõ ràng, Ma-thê không thể ngồi yên một chỗ, trong khi Ma-ri còn trì hoãn phía sau.
Ma-thê cũng là người có đức tin lớn. Cả Ma-ri và Ma-thê đều nói với Chúa Jêsus rằng nếu Ngài có mặt ở đó thì La-xa-rơ, anh trai họ, đã không chết. Khi Chúa Jêsus nói với Ma-thê rằng La-xa-rơ sẽ sống lại, Ma-thê trả lời với lòng tin: “Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối cùng, anh tôi sẽ sống lại.” (Giăng 11:24).
Chúa Jêsus hỏi tiếp xem Ma-thê có tin “Ngài là sự sống lại và là sự sống” không, bà trả lời: “Lạy Chúa, phải, tôi tin Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, là Đấng phải đến thế gian” (Giăng 11:27).Những lời thốt ra từ Ma-thê đó là những lời nói trong đức tin, một đức tin không dựa vào lý trí hay cảm xúc, một đức tin biết Chúa là ai và nương dựa hoàn toàn vào Ngài. Ngài có thể làm những gì Ngài nói vì Ngài là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời.
Kết luận:
Ma-ri và Ma-thê có sự khác biệt nhau, nhưng cả hai đều yêu mến Chúa. Chúa muốn chúng ta noi gương Ma-ri trong sự đặt ưu tiên ở gần lắng nghe lời Ngài, cầu nguyện tương giao với Ngài, dâng những điều tốt nhất cho Ngài để thờ phượng Ngài.
Chúng ta cũng được nhắc nhở có tinh thần phục vụ Chúa như Ma-thê, nhưng hãy quân bình, cẩn thận đừng để đánh mất đi điều Chúa muốn trước tiên là “ngồi dưới chân Chúa”, từ đó chúng ta bước ra phục vụ cách mạnh mẽ.
“Nếu phải trung tín với lời Chúa dạy,
Tôi vẫn luôn chọn phần tốt hơn
Hãy hầu việc Ngài bằng đôi tay khéo léo của Ma-thê
Và bằng tấm lòng yêu Chúa của Ma-ri…” (Charles Wesley)
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)