“Lời của A-mốt, người trong bọn chăn ở Thê-cô-a, là lời đã được soi dẫn cho người về Y-sơ-ra-ên, đang đời Ô-xia, vua Giu-đa, và đang đời Giê-rô-bô-am, con trai Giô-ách, vua Y-sơ-ra-ên, hai năm trước cơn động đất.” (A-mốt 1:1)
Ý nghĩa tên của A-mốt
“A-mốt” có nghĩa là “Gánh nặng” hay “Người mang gánh nặng”. Điều này nói lên tấm lòng mang gánh nặng của một vị tiên tri đối với tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên.
Nơi ở của A-mốt: Làng Thê-cô-a.
- Cách phía Nam Giê-ru-sa-lem độ 11 Km.
- Cách phía Nam Bết-lê-hem độ 8 Km.
- Một làng nhỏ trên đỉnh núi, nhìn xuống đồng bằng Giu-đê.
Kinh Thánh nhiều lần nhắc đến Thê-cô-a, dù đó chỉ là một làng nhỏ:
- II Sa-mu-ên 14:2, một người đàn bà Thê-cô-a nghèo nhưng khôn ngoan.
- Nê-hê-mi 3:5, những người Thê-cô-a dự phần xây vách thành, người có quyền thế thì lại không làm. Có lẽ họ bỏ tiền ra để mướn người nghèo làm. Do đó, dân Thê-cô-a đa số là những người đi làm thuê.
Chức vụ và sự kêu gọi
A-mốt đã ghi lại những lời tiên tri của mình vào cuốn sách mang tên ông. Ông ghi niên đại cho cuốn sách của mình là “hai năm trước trận động đất” (A-mốt 1:1). Theo sử gia Josephus thì cơn động đất được nói đến này xảy ra cùng thời với lúcvua Ô-xia bị bịnh.
A-mốt đã nói tiên tri dưới thời trị vì của Giê-rô-bô-am II (790-749 TC) ở Y-sơ-ra-ên và Ô-xia (787-735 TC) ở Giu-đa.
A-mốt là người cùng thời với các tiên tri Ô-sê, Giô-ên và Ê-sai. Đây là thời kỳ cực thịnh của cả hai nước Bắc – Nam, sau gần 200 năm suy sụp vì chia rẽ, kể từ vua Sa-lô-môn qua đời (933 TC – II Sử 26; II Vua 14:23-29). Tuy nhiên đây cũng là thời kỳ tội lỗi trong Y-sơ-ra-ên gia tăng đầy dẫy.
Một số thông tin về chức vụ và sự kêu gọi của A-mốt được hé lộ qua A-mốt 7:14-15: “Ta không phải là đấng tiên tri, cũng không phải con đấng tiên tri; nhưng ta là một kẻ chăn, sửa soạn những cây vả rừng. Đức Giê-hô-va đã bắt lấy ta từ sau bầy, và Đức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Hãy đi nói tiên tri cho dân Y-sơ-ra-ên ta.”
Khi A-mốt nói “Ta không phải là đấng tiên tri”, ông cho rằng mình không phải là một tiên tri chuyên nghiệp, không xuất thân từ một trường lớp được huấn luyện như thời kỳ tiên tri Ê-li-sê. Nói như ngày hôm nay, ông không được đào tạo trong các viện thần học.
Ngoài ra, A-mốt cũng cho biết ông không phải là con của một tiên tri, như người nối chí cha, hễ cha làm nghề gì, con làm nghề nấy. Nhưng ông chỉ là “một kẻ chăn, sửa soạn những cây vả rừng”.
Trong khi tiên tri Ê-sai thuộc tầng lớp quí tộc thì A-mốt chỉ là người hái trái vả và chăn chiên tại thị trấn Thê-cô-a. Theo cách nói của ông, tỏ ra A-mốt làm nghề chăn thuê (trong bọn chăn – A-mốt 7:14, “ta là một kẻ chăn”). Ông dùng từ “sửa soạn” cây vả rừng, nói lên tình cảnh dường như gia đình nghèo, nên ông phải đi làm thuê.
A-mốt đã lớn lên giữa một môi trường có những người biết về Lời Chúa lại không rao giảng Lời của Ngài. Ông đã nhận được tiếng kêu gọi của Chúa để giảng Lời Đức Chúa Trời mặc dầu ông không phải là một tiên tri hay con của một tiên tri.
Chúa đã có một chương trình cho A-mốt. Chúa đã bắt lấy ông đang khi ông chăn bầy. Chúa đã chọn A-mốt để làm người phát ngôn cho Chúa. Mạng lịnh đó rất rõ ràng và dứt khoát: “Hãy đi nói tiên tri cho dân Y-sơ-ra-ên ta.”
A-mốt sống ở Giu-đa thuộc nước phía nam. Nhưng Chúa kêu gọi ông đi lên phía bắc để giảng cho người Y-sơ-ra-ên trước khi họ bị quân A-si-ry xâm lăng. Ông là một trong hai vị tiên tri đã được Chúa sai rao giảng Lời của Ngài cho nước Y-sơ-ra-ên, vị tiên tri thứ hai đó là Ô-sê. Tất cả các vị tiên tri khác đều giảng tại nước Giu-đa ở phía nam.
Sứ điệp của tiên tri A-mốt
Sứ điệp của A-mốt có thể được tóm tắt như sau: Thứ nhất là cơn đoán phạt sẽ đến vì tội lỗi của người Y-sơ-ra-ên. Thứ hai là họ vẫn phạm tội mặc dầu họ là người được hưởng nhiều đặc ân về phương diện thuộc linh. Tuy nhiên phần thứ ba là sứ điệp về hy vọng, giống như những vị tiên tri khác A-mốt rao giảng trong A-mốt 9:11: “Trong ngày đó, ta sẽ dựng lại nhà tạm của Đa-vít, là nhà đã đổ, và tu bổ lại những chỗ rách nát của nó. Ta sẽ dựng lại những nơi đổ nát và xây nó lại như ngày xưa.” Sự khôi phục cuối cùng rồi sẽ xảy ra, niềm hy vọng phước hạnh về ngày tái lâm của Chúa Jesus.
Trung thành với tiếng Chúa gọi
Tiêntri A-mốt phải đi ngay, đây là mạng lịnh của Chúa. Đối tượng mà ông phải nói là dân Y-sơ-ra-ên. Nói tiên tri cho dân sự có nghĩa là tiên tri A-mốt phải khuyên lơn, cảnh cáo, quở trách, kêu gọi họ ăn năn. Chắc chắn là điều không dễ dàng để đi nói với một dân sự ở trong tình trạng tội lỗi như vậy, nhưng A-mốt vâng theo tiếng Chúa gọi.
Với cả tình yêu và lòng dũng cảm, A-mốt đến Bê-tên để quở trách, cảnh cáo, lên án, nếu dân Y-sơ-ra-ên không ăn năn, nước sẽ mất và dân bị lưu đày.
Thầy tế lễ A-ma-xia là thầy tế lễ của cuộc thờ phượng con bò vàng của Y-sơ-ra-ên đang tìm cách ngăn chặn những lời cảnh bảo của tiên tri A-mốt. A-ma-xia nói với vua Giê-rô-bô-am II rằng “A-mốt âm mưu chống nghịch vua, dân sự không chịu nổi lời giảng của nó.” (A-mốt 7:10) Tuy nhiên, A-mốt, không hề sợ hãi khi trả lời, “Giê-rô-bô-am sẽ chết bởi gươm, và Y-sơ-ra-ên chắc sẽ bị đày đi làm phu tù khỏi đất mình!” (A-mốt 7:11)
A-ma-xia cảnh báo A-mốt rằng: “Hỡi kẻ tiên kiến, khá đi khỏi đây. Hãy trốn trong đất Giu-đa, tại đó ăn bánh và nói tiên tri. Nhưng chớ cứ nói tiên tri tại Bê-tên nữa; vì ấy là một nơi thánh của vua, và ấy là nhà vua.” (A-mốt 7:12-23)
Thầy tế lễ A-ma-xia muốn A-mốt trốn về Giu-đa, ăn bánh và nói tiên tri, đừng nói tại đây, vì là một nơi thành của vua, là hoàng cung. Rõ ràng, thầy tế lễ A-ma-xia kết án nặng A-mốt với âm mưu phá hoại vua và dân Y-sơ-ra-ên, chế nhạo A-mốt, đuổi ông về Giu-đa. Tuy nhiên, A-mốt trung kiên với tiếng Chúa gọi để nói tiên tri dù có phải trả giá. A-mốt chỉ bỏ Bê-tên về Giu-đa khi đã làm xong trọng trách Chúa giao.
Bài học từ tiên tri A-mốt:
Tôi có gánh nặng về công việc Chúa
Tên A-mốt có nghĩa là “gánh nặng” hoặc “người mang gánh nặng”. Lòng Đức Chúa Trời nặng trĩu về tội lỗi của dân Ngài. Chúa tìm kiếm một người có tấm lòng cưu mang giống như Ngài. Chúa đã nhìn thấy A-mốt, một người nông dân bình thường ở tại một thị trấn nhỏ tên Thê-cô-a để kêu gọi ông phục vụ Ngài.
Khi chúng ta nặng lòng về Hội Thánh, Chúa sẽ giao công tác để chúng ta phục vụ, Ngài không giao Hội Thánh của Ngài cho những người không có lòng cưu mang.
Gương A-mốt khích lệ những ai muốn hầu việc Chúa, phải có tâm tình của người hầu việc Chúa. Mặc dù hoàn cảnh ra sao, chúng ta phải trung thành với sự kêu gọi của Chúa. Chúng ta sẵn sàng đứng đúng chỗ, làm đúng công việc mà Chúa muốn chúng ta làm. Điều quan trọng đó là Chúa đẹp lòng vì chúng ta vâng lời Ngài.
Chúa bắt lấy tôi
A-mốt một người nông dân đơn sơ, một người chăn chiên và sửa soạn những cây vả rừng. Nhưng điều quan trọng là Chúa đã bắt lấy ông ở sau bầy.
Chúng ta cũng đã được Chúa bắt lấy. Chúng ta không tự ti, mặc cảm nhưng vui mừng vì được Chúa cứu chuộc chúng ta. Hơn thế nữa, Chúa còn sử dụng chúng ta trở nên công cụ quý giá của Ngài. Như lời Chúa đã phán: “Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.” (Ê-phê-sô 2:10)
Cuộc đời của Cơ Đốc nhân là cuộc đời ý nghĩa, và hạnh phúc nhất vì chúng ta biết mình là ai và biết được mục đích sống của mình.
“Nên ngươi khá sửa soạn mà gặp Đức Chúa Trời ngươi.” (A-mốt 4:12b). Đây là câu Kinh Thánh mà nhiều người biết đến trong sách tiên tri A-mốt. Tất cả mọi người trên thế gian sẽ ứng hầu trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta phải sẵn sàng gặp Chúa trong bất cứ lúc nào. Chúng ta sẽ gặp Chúa trong sự vui mừng nhất khi chúng ta đã hoàn thành công tác Chúa giao cho và tôn vinh Chúa trên đất này.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)