Kinh Thánh: Lu-ca 9:10-11
“Các sứ đồ trở về trình cùng Đức Chúa Jêsus mọi việc mình đã làm. Ngài bèn đem các sứ đồ đi tẽ ra với mình đến gần thành kia gọi là Bết-sai-đa. Nhưng dân chúng nghe vậy, thì đi theo Ngài. Đức Chúa Jêsus tiếp đãi dân chúng, giảng cho họ về nước Đức Chúa Trời, và chữa cho những kẻ cần được lành bịnh.” (BTT)
Khó có thể đoán trước chương trình huấn luyện của Chúa Jêsus. Sau nhiều đợt quan sát, các môn đồ được sai đi từng đôi để giảng đạo, chữa bệnh và trừ quỷ bởi thẩm quyền của Chúa Jêsus (Lu-ca 9:1-6). Khi trở về, họ có nhiều điều muốn thưa trình với Ngài và chia sẻ với người khác. Vì vậy, Ngài đưa họ ra khỏi đám đông ở Ca-bê-na-um để đến nơi yên tĩnh hơn tại thành Bết-sai-đa (gần nơi sông Giô-đanh đổ vào biển Ga-li-lê). Nhưng tin đồn lan nhanh, chẳng bao lâu, dân chúng đi vòng theo đường bờ hồ hoặc đường biển để tìm đến Chúa Jêsus. Kỳ lễ đã hết, thời gian nghỉ ngơi không còn, khoảng thời gian suy tư nay được thay thế bằng nhiều công tác hơn.
Bết-sai-đa là quê hương của Phi-e-rơ, Anh-rê và Phi-líp (Giăng 1:44). Họ đã lớn lên tại đó, học đánh cá trên thuyền của ông cha nơi bờ biển. Nhưng sự hiện diện của Chúa Jêsus đã làm thay đổi mọi thứ. Ít lâu sau đó, Chúa Jêsus cho năm ngàn người ăn (Lu-ca 9:12-17) và chữa lành cho người mù (Mác 8:22-26). Nhưng Bết-sai-đa lại bị Chúa lên án là nơi vô tín (Lu-ca 10:13-15). Vừa sau lần hóa bánh và cá cách kỳ diệu, các môn đồ cũng tỏ ra thiếu đức tin khi thuyền của họ gặp bão (Ma-thi-ơ 14:22-33). Chúa Jêsus không đánh giá đức tin qua việc tuân giữ hay tham gia hoạt động tôn giáo, mà qua lòng tin cậy Ngài.
Sự mệt mỏi, phấn khích cùng những câu chuyện về những kinh nghiệm thuộc linh của họ phải bị gạt sang một bên để chào đón thêm nhiều người tìm kiếm Chúa Jêsus và chỉ cho họ biết đường đến Nước Trời. Những mảnh đời cơ cực vây quanh Chúa Jêsus, trông chờ vào sự chữa lành của Chúa, và Ngài đã chữa lành cho họ (Lu-ca 4:40). Các môn đồ trở lại với vai trò của người giúp đỡ và quan sát, hệt như chưa có gì xảy ra với mình vài tuần trước đó. Nhưng việc này cũng nằm trong chương trình huấn luyện. Những năm tới đây, họ sẽ chịu nhiều gian khổ khi rao giảng Phúc Âm, với lộ trình và thời gian biểu vượt ngoài tầm kiểm soát (Giăng 21:18-19).
Nếp sống Cơ Đốc là nếp sống 24/7. Đó cũng phải là tinh thần sẵn sàng hầu việc Chúa của chúng ta. Nhưng ở nhiều nơi trên thế giới, “sự chuyên nghiệp” của mục sư có thể khiến những người không tham gia phục vụ Chúa trong Hội Thánh nhầm tưởng hầu việc Chúa là việc làm lúc rảnh rỗi (“nếu tôi có thời gian”). Không phải như vậy! Chúa Jêsus có quyền kêu gọi bất kỳ ai trong con dân của Ngài, bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu, cùng làm việc với Ngài. Thật vậy, cần phải thực sự mong đợi Ngài làm như thế (Cô-lô-se 3:23). Lời chỉ dẫn hữu ích đó là: hễ nơi nào bạn gặp gỡ mọi người, Chúa đều có thể hành động thông qua bạn. Và khi không có ai xung quanh, Chúa sẽ làm việc trong bạn qua sự cầu nguyện và lời Kinh Thánh. Thay vì khó chịu với trách nhiệm này, mỗi Cơ Đốc nhân cần liên tục nhận thức rằng họ có mặt là để làm theo mệnh lệnh của Ngài. Với mỗi nhiệm vụ được giao, Chúa đều ban cho bạn năng lực, tình yêu và ân điển. Nếu bạn sẵn sàng và bằng lòng để Chúa sử dụng, thì Ngài sẽ dùng bạn!
Lạy Chúa là Cha thiên thượng kính yêu. Cảm ơn Ngài đã nhắc nhở con rằng con được kêu gọi trở nên con của Ngài và hoàn toàn được tham gia vào “công việc nhà Ngài” là tìm kiếm những người lạc mất và bày tỏ những điều kỳ diệu của Nước Trời. Xin tha thứ cho con khi con xem việc phục vụ Ngài là “làm cho nhà thờ” mà không nhận ra rằng mình phải luôn luôn sẵn sàng để Ngài có thể hành động qua con. Xin giúp con tận dụng khoảng thời gian yên tĩnh để học Lời Chúa và cầu nguyện; và giúp con nhìn những người xung quanh như những người đang cần tìm cho mình câu trả lời trong Chúa Jêsus. Xin cho con luôn sẵn sàng bất cứ khi nào Ngài cần đến con. Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work