Kinh Thánh: Lu-ca 6:41-42
“Sao ngươi nhìn thấy cái rác trong mắt anh em mình, mà không thấy cây đà trong mắt ngươi? Sao ngươi nói được với anh em rằng: Anh ơi, để tôi lấy cái rác trong mắt anh ra, còn ngươi, thì không thấy cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cây đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em.” (BTT)
Khi Chúa Jêsus dùng từ “giả hình”, mọi người đều biết Ngài đang ám chỉ các diễn viên. Theo truyền thống sân khấu của người Hy Lạp thời bấy giờ, những vở kịch phổ biến nhất nói về bi kịch mà trong đó bất hạnh của nhân vật chính bắt nguồn từ những tính cách xấu mà người đó chưa nhận biết. Khán giả có thể thấy bi kịch đang diễn biến mặc dù nhân vật vẫn không nhận ra lỗi lầm của mình. Từ “giả hình” có nghĩa là “nói bên dưới lớp mặt nạ”. Không những khán giả không thể nhìn thấy khuôn mặt của diễn viên, mà chiếc mặt nạ còn cản trở tầm nhìn của người đeo.
Có lẽ Chúa Jêsus muốn nói với các môn đồ hơn là với đám đông, nên Ngài đã dùng ví dụ về cái rác và cây đà để vạch trần bản chất nực cười của thói đạo đức giả trong tôn giáo. Chiếc “mặt nạ đề cao bản thân” mà người Pha-ri-si đeo hoàn toàn không hề tượng trưng cho Đức Chúa Trời hay vương quốc của Ngài (Ma-thi-ơ 6:2). Họ đang sử dụng tôn giáo như một cách để quảng bá bản thân. Họ làm điều đó bằng cách tạo ra một mạng lưới luật lệ phức tạp khiến mọi người xa cách Chúa. Vi phạm những luật lệ đó là hành vi phạm tội đáng bị trừng phạt, nhưng giới lãnh đạo tôn giáo giả hình không thể giúp đỡ mọi người vì họ không nhìn thấy tội lỗi của mình và không nhìn thấy lẽ thật (Ma-thi-ơ 23:13).
Bằng cách đặt câu hỏi: “Sao ngươi …?”, Chúa Jêsus đã vạch trần tôn giáo theo chủ nghĩa duy luật. Chúa Jêsus hỏi làm sao họ có thể nhìn thấy để lấy một hạt bụi nhỏ ra khỏi mắt người khác trong khi mắt họ bị che khuất bởi một tấm ván gỗ lớn. Rõ ràng họ không thể nhìn thấy. Chỉ có Chúa Jêsus Christ mới có thể giải quyết được sự mù lòa do bản tính tội lỗi của chúng ta gây ra (Giăng 8:12). Các sứ đồ tập sự không phải là người phân định đúng sai về hành vi của người khác, mà là đưa tội nhân đến với Chúa Jêsus để Ngài có thể giải quyết sự mù lòa về tâm linh và chữa lành tâm hồn của họ.
Cơ Đốc nhân đôi khi bị cáo buộc là những nhà đạo đức theo chủ nghĩa duy luật giả vờ tỏ ra mình giỏi hơn người khác. Thật không may, điều này đôi khi lại đúng. Đây không phải cách đúng đắn để truyền bá Phúc Âm, cũng như không phản ánh ân điển của Đức Chúa Trời. Nếu làm việc với Chúa, chúng ta phải hiểu rằng nhiệm vụ của chúng ta không phải là làm cho mọi người trở nên tử tế hơn (vì chúng ta không thể), mà là đưa tội nhân đến với Đấng Cứu Thế (Giăng 4:39). Chúng ta nên cảm thấy nhẹ nhõm vì điều đó. Nhiệm vụ của chúng ta không phải là chỉ trích hành vi sai trái hay giả vờ rằng chúng ta tốt hơn. Nếu chúng ta đang đồng công với Chúa Jêsus, thì trách nhiệm đầu tiên của chúng ta là cầu xin Ngài xóa bỏ mặc cảm tội lỗi của chúng ta (điều này chỉ có thể thực hiện được vì Ngài đã trả giá cho tội lỗi của chúng ta). Sau đó, vì chúng ta không có quyền năng làm cho người khác thay đổi, nên vai trò của chúng ta là kể cho bạn bè và đồng nghiệp câu chuyện về tình yêu của Chúa, cầu nguyện và khuyến khích họ đến với Ngài.
Lạy Chúa, cảm ơn Ngài đã không kêu gọi con chứng minh sự hoàn hảo của mình hoặc chỉ trích hành vi của người khác. Con biết rằng sự công bình duy nhất của con đến từ việc tin cậy Ngài sẽ tha thứ và cứu con, và rằng con vẫn là “việc Ngài đang làm”. Xin tha thứ cho con khi con tự cho mình quyền đặt ra quy tắc cho người khác, là những điều họ và con đều không thể tuân thủ cách trọn vẹn. Xin giúp con trở thành chứng nhân trung thành về ân điển cứu rỗi của Chúa; cởi mở về biết bao điều Ngài đã làm cho con và khuyến khích người khác hết lòng tìm kiếm Ngài. Nhân danh Chúa Jêsus Christ. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work