Kinh Thánh: Lu-ca 12:35-40
“Lưng các ngươi phải thắt lại, đèn các ngươi phải thắp lên. Hãy làm như người chờ đợi chủ mình ở tiệc cưới về, để lúc chủ đến gõ cửa thì liền mở. Phước cho những đầy tớ ấy, khi chủ về thấy họ thức canh! Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ thắt lưng mình, cho đầy tớ ngồi bàn mình, và đến hầu việc họ. Hoặc canh hai, canh ba, chủ trở về, nếu thấy đầy tớ như vậy thì phước cho họ! Hãy biết rõ, nếu chủ nhà hay kẻ trộm đến giờ nào, thì sẽ tỉnh thức, chẳng để cho nó đào ngạch nhà đâu. Các ngươi cũng vậy, hãy chực cho sẵn sàng, vì Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ.” (BTT)
Phân đoạn Kinh Thánh này đưa ra hai hình ảnh với cùng một ý nghĩa: chờ đợi chú rể đón cô dâu từ tiệc cưới trở về và thức canh đề phòng kẻ trộm đột nhập vào nhà. Ý nghĩa của cả hai hình ảnh đều giống nhau, đó là tỉnh thức và sẵn sàng cho một sự kiện xảy đến bất ngờ vào thời điểm không thể đoán trước: Sự trở lại của Đức Chúa Jêsus Christ (Khải huyền 21:2).
Đám cưới ở vùng Trung Đông là một sự kiện lớn, với ít nhất một tuần tiệc tùng hoan hỉ. Chú rể đến nhà cô dâu để làm lễ cưới, và sau đó đưa cô dâu về nhà cha mình để bắt đầu một cuộc sống mới bên nhau. Tuy nhiên, giai đoạn tiệc tùng kéo theo những sự trì hoãn không thể lường trước. Trong suốt thời gian này, đầy tớ của chú rể cần phải luôn sẵn sàng để chào đón chú rể và cô dâu mới. Phép ẩn dụ này được giải thích chi tiết cho chúng ta trong các thư tín (Ê-phê-sô 5:25-33), trong đó chú rể là Chúa Jêsus và cô dâu là Hội Thánh của Ngài. Chúa Jêsus đã sử dụng hình ảnh lễ cưới quen thuộc này, với sự háo hức mong đợi, để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sẵn sàng cho sự trở lại của Ngài trong vai trò là Chú Rể. Sự sẵn sàng cho sự kiện này cũng được Chúa nhấn mạnh cách rõ ràng. Những ai không sẵn sàng sẽ bị hổ thẹn và không có chỗ trong nhà Ngài (Ma-thi-ơ 7:21-23).
Ngày Chúa Jêsus trở lại cũng không thể đoán trước như lúc kết thúc tiệc cưới (Ma-thi-ơ 24:36-42). Chỉ có một điều quan trọng: đó là sự sẵn sàng. Những ai bị phân tâm khỏi mục đích của lễ cưới này có thể bỏ lỡ dịp trọng đại, phải chịu xấu hổ và đánh mất vai trò đầy tớ. Tương tự như vậy, những ai ít yêu mến Chúa sẽ không mong đợi Ngài trở lại. Sự thờ ơ như vậy là không thể tha thứ, giống như kẻ trộm đã báo trước ngày giờ xâm nhập mà vẫn thấy mình thoải mái tự do vào nhà. Tương tự, Chúa Jêsus dạy rằng các môn đồ của Ngài phải luôn tỉnh thức, không chỉ trông đợi sự trở lại của Chúa Jêsus mà còn mong mỏi điều đó (II Ti-mô-thê 4:8). Thật vậy, những người như vậy sẽ dành cả cuộc đời mình để chuẩn bị cho khoảnh khắc Ngài trở lại. Họ muốn sẵn sàng và làm những điều đẹp lòng Chủ mình.
Cuộc sống nơi công sở ngày nay thường bận rộn và căng thẳng. Ưu tiên của công việc và áp lực phải làm hài lòng sếp thường khiến chúng ta quên đi mục đích thực sự của cuộc đời mình (Mác 4:19). Chúng ta có thể để cả tuần trôi qua mà không chủ động suy nghĩ về phản ứng của Chúa Jêsus đối với cuộc sống của chúng ta khi Ngài bất ngờ xuất hiện. Nhưng đó là giây phút mà mọi Cơ Đốc nhân nên mong chờ. Sống mà không tập chú đến cõi đời đời quả là dại dột. Vì vậy, Lời Chúa khuyến khích chúng ta xem mỗi ngày như là ngày Chúa Jêsus có thể trở lại (Mác 13:32-37). Suy nghĩ này sẽ thay đổi công việc kinh doanh cũng như hành vi ứng xử của chúng ta!
Lạy Chúa yêu dấu. Con cảm tạ Ngài vì Chúa Jêsus sẽ trở lại để đón “Cô Dâu” của Ngài. Xin tha thứ cho con vì con đã thường xuyên phớt lờ thực tế đó… và sống như thể mỗi ngày là của riêng mình, chứ không phải sống để phục vụ Ngài. Xin giúp con đừng cố nắm giữ điều thuộc về thế gian này để tâm tình con hướng đến những điều cao trọng, thay vì bị mê hoặc bởi những điều phù phiếm và chóng qua xung quanh con. Nguyện xin Chúa cho con làm việc chăm chỉ hôm nay vì sự vinh hiển Ngài và để được Ngài chấp nhận. Con nguyện luôn sẵn sàng chờ đợi Chúa Jêsus trở lại để chào đón Ngài với niềm vui lớn. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work