Kinh Thánh: Lu-ca 11:17-20
“Đức Chúa Jêsus biết ý tưởng họ, bèn phán rằng: Nước nào tự chia rẽ nhau thì tan hoang, nhà nào tự chia rẽ nhau thì đổ xuống. Vậy, nếu quỷ Sa-tan tự chia rẽ nhau, thì nước nó còn sao được, vì các ngươi nói ta nhờ Bê-ên-xê-bun mà trừ quỷ? Nếu ta nhờ Bê-ên-xê-bun mà trừ quỷ, thì con các ngươi nhờ ai mà trừ quỷ? Bởi vậy, chính con các ngươi sẽ làm quan án các ngươi. Nhưng nếu ta cậy ngón tay Đức Chúa Trời mà trừ quỷ, thì nước Đức Chúa Trời đã đến nơi các ngươi rồi.” (BTT)
Chúa Jêsus vừa đuổi quỷ ra khỏi một người bị nó làm cho câm (Lu-ca 11:14). Các nhà lãnh đạo tôn giáo không thể phủ nhận phép lạ vừa xảy ra khi người câm đã nói được, nên họ quy tội Chúa Jêsus đã trừ quỷ bằng quyền lực của Sa-tan. Họ dùng cách này để hạ uy tín Đức Chúa Con và bảo vệ quyền lực của mình.
Thế nhưng, họ đã để lộ sự rỗng tuếch về kiến thức, mức độ thuộc linh và quy tắc ứng xử thông thường. Dầu chúng ta không thể hiểu lẽ thật của Chúa qua những lập luận từ kinh nghiệm cá nhân trước đó (chúng ta cần Ngài bày tỏ những gì nằm ngoài kiến thức và kinh nghiệm của mình), nhưng chúng ta có thể lý luận để vạch ra sai phạm, giống như Đức Chúa Trời đã làm với Gióp (Gióp 38:2- 3) và Chúa Jêsus đã sử dụng ở đây. Thậm chí không cần nghe cuộc trò chuyện của họ, Chúa Jêsus cũng đã biết ý tưởng của họ và kiểm tra bằng các câu hỏi logic.
Ý chính trong lập luận của Chúa chính là Sa-tan quyết giành lấy phần thắng trong cuộc chiến gian ác chống lại Đức Chúa Trời. Không có lý do gì ma quỷ chịu hợp tác với Chúa Jêsus để phá hủy vương quốc xấu xa của nó. Điều này thật vô lý. Mặt khác, nếu lời buộc tội có thật chăng nữa thì các thầy trừ quỷ Do Thái sẽ mắc vào câu hỏi tương tự: phải chăng họ cũng được ma quỷ trao quyền? Khả năng hợp lý khác đó là Chúa Jêsus đã trừ quỷ bằng thẩm quyền của Đức Chúa Trời. Trong trường hợp này, giới lãnh đạo tôn giáo phải chú ý và vâng lời Chúa, vì Chúa Jêsus đang thiết lập vương quốc của Ngài. Tất nhiên, không có khả năng nào có thể chấp nhận được đối với những người nghe Ngài, những người đang cố tỏ ra khôn ngoan đồng thời cũng muốn hủy hoại danh tiếng của Chúa Jêsus.
Những câu hỏi hay và lập luận hợp lý là điều cần thiết trong giáo dục, kinh doanh và bất kỳ môi trường nào đòi hỏi phải hoạch định chiến lược. Điều này giúp các ý tưởng được suy xét thấu đáo trước khi đưa ra quyết định (Châm ngôn 18:17). Nhưng càng chất vấn Chúa, chúng ta càng thấy mình đang được Ngài chú ý kỹ hơn. Chính vì thế Chúa Jêsus thường đáp trả câu hỏi gài bẫy (Lu-ca 20:2) bằng một câu hỏi khác nhằm vạch trần tấm lòng của kẻ thẩm vấn Ngài (Mác 11:27-33). Hiển nhiên, dù có cố đáp trả những người muốn làm đức tin chúng ta lay chuyển, chúng ta cũng không thể buộc người khác tin theo mình; nhưng bằng cách đặt ra những câu hỏi hợp lý, chúng ta có thể khuyến khích bạn bè và đồng nghiệp suy nghĩ về những mâu thuẫn trong tư tưởng và niềm tin của họ. Như tại tòa án, những câu hỏi hợp lý sẽ vạch trần những lời nói dối. Loan báo Tin Lành bao gồm việc giải thích lẽ thật và phô bày những lời dối trá. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta có thể giải thích lẽ thật về Chúa Jêsus cách rõ ràng, bằng cách đặt câu hỏi, phơi bày những điều sai sự thật mà mọi người đã tin, khi chúng ta chia sẻ về Phúc Âm mà Chúa mặc khải.
Lạy Chúa là Đấng khôn ngoan, con cảm ơn Ngài vì tấm gương của Chúa Jêsus trong việc đặt câu hỏi để chỉ ra sai phạm của những kẻ tố cáo Ngài. Xin giúp con dạn dĩ đương đầu với những giả định sai lầm của người khác, bởi biết rằng lẽ thật luôn đứng vững còn sự giả dối sẽ chuyển lay. Lạy Chúa, xin tha thứ cho con khi chỉ nói lên quan điểm của mình mà không tìm cách giúp bạn bè và đồng nghiệp suy nghĩ về tính xác thực của điều họ đang tin. Xin cho con luôn biết khiêm nhường, sẵn sàng để Chúa tra xét và tiếp nhận sự mặc khải về lẽ thật của Ngài trong Kinh Thánh, vì nếu không thì con không thể giữ cho tư tưởng mình ở trong khuôn khổ an toàn. Nhân danh Chúa Jêsus Christ. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work