Kinh Thánh: I Cô-rinh-tô 16:1-4
1 Về việc góp tiền cho thánh đồ, thì anh em cũng hãy theo như tôi đã định liệu cho các Hội thánh xứ Ga-la-ti. 2 Cứ ngày đầu tuần lễ. mỗi một người trong anh em khá tùy sức mình chắt lót được bao nhiêu thì để dành tại nhà mình, hầu cho khỏi đợi khi tôi đến rồi mới góp. 3 Khi tôi đến, tôi sẽ sai những kẻ mà anh em đã chọn cầm thơ tôi đi, đặng đem tiền bố thí của anh em đến thành Giê-ru-sa-lem. 4 Ví bằng việc đáng chính mình tôi phải đi, thì những kẻ ấy sẽ đi với tôi.
Câu gốc: “Cứ ngày đầu tuần lễ, mỗi một người trong anh em khá tùy sức mình chắt lót được bao nhiêu thì để dành tại nhà mình, hầu cho khỏi đợi khi tôi đến rồi mới góp” (câu 2)
Câu hỏi suy ngẫm:
-Việc lành Sứ đồ Phao-lô đề cập đến trong phần Kinh Thánh này là gì?
– Những người nhận sự trợ giúp này là ai? Nguyên tắc Sứ đồ Phao-lô hướng dẫn trong việc quyên góp tiền bạc như thế nào?
-Bạn nhận thấy những nét đẹp nào trong hành động dâng hiến này?
Sau lời kêu gọi “hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn” (I Cô-rinh-tô 15:58), Sứ đồ Phao-lô liền nêu lên việc cụ thể mà Hội Thánh Cô-rinh-tô cần thực hiện, đó là quyên góp tiền bạc để gửi giúp cho các tín hữu ở Hội Thánh Giê-ru-sa-lem (câu 1). Dù không nêu rõ hoàn cảnh của Hội Thánh Giê-ru-sa-lem, nhưng chúng ta biết tại đó có những tín hữu mà Sứ đồ Phao-lô gọi là thánh đồ (câu 1), hay nói cách khác là những anh em cùng đức tin với các tín hữu tại Hội Thánh Cô-rinh-tô, họ đang nghèo khó, cần sự giúp đỡ của các Hội Thánh khác. Công việc quyên góp phải được thực hiện theo những nguyên tắc:
Thứ nhất, tùy theo khả năng; thứ hai, quyên góp vào một ngày cố định là ngày đầu tuần lễ, tức Chúa nhật; thứ ba, để riêng ra phần đã chuẩn bị để quyên góp.Có một số nét đẹp trong lời dạy cứu giúp của Sứ đồ Phao-lô. Trước hết, Hội Thánh Giê-ru-sa-lem được coi như Hội Thánh mẹ, Hội Thánh Cô-rinh-tô thành lập sau nhưng vẫn được kêu gọi dự phần vào công tác cứu giúp. Việc này đánh tan tư tưởng cho rằng những nơi thành lập sau chỉ mong chờ sự chăm sóc và giúp đỡ của những nơi có trước, đặc biệt là của Hội Thánh mẹ.
Thứ hai, sự san sẻ từ những tín hữu ngoại bang dành cho những tín hữu người Do Thái cho thấy trong Đức Chúa Giê-xu Christ, thập tự giá đã phá đổ tất cả những bức tường ngăn cách giữa mọi người cho dù đó là chủng tộc, giai cấp, hay trình độ tri thức… (Ê-phê-sô 2:13-14).
Thứ ba, việc quyên góp tùy khả năng và tùy tấm lòng chứ không quy định bao nhiêu.
Thứ tư, hoàn toàn có sự chuẩn bị trước.
Và thứ năm, việc nhận và gửi tiền dâng rất minh bạch (câu 3-4).Nhiều khi chúng ta đánh mất nét đẹp của sự dâng hiến vì chỉ trông chờ sự cứu giúp, chỉ mong nhận lãnh mà không nghĩ đến việc hiến dâng. Hoặc chỉ dâng hiến cho Hội Thánh nhà mà không hướng lòng đến nhu cầu của những nơi khác đang vô cùng thiếu thốn. Hoặc dâng hiến như thời luật pháp, dâng đủ phần mười là coi như xong, chưa hề nghĩ đến dâng vượt phần mười. Hoặc dâng tùy hứng chứ không chuẩn bị trước. Hoặc thiếu rõ ràng minh bạch về tài chánh.
Xin Chúa cho chúng ta áp dụng những nét đẹp trong dâng hiến theo lời Sứ đồ Phao-lô dạy vào sự dâng hiến của chúng ta để Chúa đẹp lòng và đem lại sự khích lệ lẫn nhau.Bạn có thể hiện những nét đẹp trong sự dâng hiến chưa?
Kính lạy Đức Chúa Trời! Con tạ ơn Chúa khi thấy được tình yêu thương giữa các anh em cùng đức tin được bày tỏ qua những món quà san sẻ, cứu giúp trong cuộc sống. Xin Chúa giúp con luôn thể hiện những nét đẹp trong sự dâng hiến theo gương Sứ đồ Phao-lô dạy.
● Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Các Vua 15:32 – 17:6
—
Nguồn: Bài Học Kinh Thánh Hằng Ngày