Kinh Thánh: Lu-ca 17:1-3a
“Đức Chúa Jêsus lại phán cùng môn đồ rằng: Không có thể khỏi xảy đến sự gây nên phạm tội được; song khốn thay cho ai là kẻ làm ra sự ấy! Nếu ai gây cho chỉ một kẻ nhỏ nầy phạm tội, thì thà rằng buộc cối đá vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn. Các ngươi hãy giữ lấy mình.” (BTT)
Thế giới này được dựng nên cách hoàn hảo, người nam và người nữ đầu tiên cũng vậy. Nhưng kể từ khi tội lỗi xâm chiếm, nó đã trở thành một căn bệnh gây chết người phổ biến ảnh hưởng đến mọi người (Rô-ma 5:12). Tội lỗi giống như một loại vi-rút, lây nhiễm và huỷ hoại người bị lây, sau đó sinh sôi trong cơ thể trước khi lây lan rộng rãi đến nhiều người. Hậu quả của tội lỗi có thể thấy ở khắp nơi, và cám dỗ rất nhiều người phạm tội (I Giăng 2:16). Mặc dù Chúa Jêsus biết tình trạng suy đồi của xã hội loài người, nhưng Ngài vẫn đến để đem ánh sáng của Đức Chúa Trời vào thế gian tăm tối (Giăng 3:19-21), đem con người trở lại với Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 3:18).
Chúa Jêsus lên án bất kỳ người nào cho rằng Đức Chúa Trời chấp nhận những điều gian ác (Ha-ba-cúc 1:13). Khi nói “khốn thay”, Chúa đưa ra một cảnh báo nghiêm trọng về nguy cơ tai họa đối với những ai vô lương tâm về việc truyền vi-rút tội lỗi cho người khác. Từ “gây nên phạm tội” được dịch từ chữ “scandalise” có nghĩa là gây sốc về mặt đạo đức hoặc “khiến cho người ta vấp phạm”. Từ này cũng được các thủy thủ dùng để mô tả cách điều khiển cánh buồm sao cho thuyền không bị gió đẩy đi. Vì vậy, làm cho người ta vấp phạm là tấn công vào tận gốc rễ lương tâm đạo đức của họ, để cho nó bị lấn át, khiến cho việc phạm tội trở nên bình thường và không còn sống theo mục đích của Đức Chúa Trời.
Có lẽ Chúa đang nói đến Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, người tạo điều kiện để Chúa Jêsus bị bắt và đóng đinh (Giăng 6:70). Chúa Jêsus nói rằng tính chất phổ biến của tội lỗi không phải là lý do để lây nhiễm nó cho người khác hoặc làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Hiếm khi Chúa Jêsus bày tỏ sự lên án như vậy đối với những người được cho là dân sự của Đức Chúa Trời nhưng lại gây vấp phạm cho người khác. Đặc biệt là cho “những trẻ nhỏ” (có thể là trẻ em hoặc người mới tin Chúa). Việc “thế giới của người trưởng thành” suy đồi không phải là lý do để tha hóa người khác.
Những lời cảnh báo mạnh mẽ này tuy dành cho các môn đồ nhưng cũng cần khắc ghi trong lòng chúng ta. Sự ích kỷ và bất cẩn cũng nguy hiểm như ý đồ xấu xa và ác độc (Mác 7:20-23). Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là không một Cơ Đốc nhân nào hoàn toàn thành công trong vấn đề này, kể cả những người lãnh đạo. Lời cảnh báo rằng Đấng Christ rất không hài lòng về điều đó nhằm mục đích khiến Cơ Đốc nhân chúng ta dừng lại và suy nghĩ, ăn năn và tìm kiếm sự thương xót của Ngài. Tội lỗi trong quá khứ không được lặp lại và phải cẩn trọng về tác hại gây ra cho “những trẻ nhỏ”. Đó là một tiêu chuẩn rất cao, nhưng nếu không cẩn thận chúng ta sẽ dễ rơi vào hố sâu của tội lỗi, nơi mà tiếng gọi của Phúc Âm bị lu mờ bởi tình trạng đạo đức của những Cơ Đốc nhân quá chú tâm vào bản thân.
Lạy Cha thánh, cảm ơn Ngài vì lời Chúa Jêsus phán rất rõ ràng đến nỗi con không thể nghi ngờ gì về mức độ nghiêm trọng của việc khiến người khác phạm tội. Xin thương xót con, thanh tẩy con bởi huyết báu của Ngài. Xin Chúa giúp con nhạy bén hơn và nhận thức được nguy cơ gây hại cũng như làm điều tốt cho người khác. Xin Chúa giúp con sống khiêm nhường, tin cậy vào sự giúp đỡ của Ngài để con có thể làm việc với Ngài thay vì làm hỏng mục đích của Ngài dành cho người khác. Trong danh Chúa Jêsus. Amen!
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work