Kinh Thánh: Giăng 2:12-17
“Sau việc đó, Ngài với mẹ, anh em, và môn đồ Ngài đều xuống thành Ca-bê-na-um; và chỉ ở tại đó ít ngày thôi. Lễ Vượt qua của dân Giu-đa hầu đến; Đức Chúa Jêsus lên thành Giê-ru-sa-lem. Trong đền thờ, Ngài thấy có người buôn bán bò, chiên, bồ câu, và có người đổi bạc dọn hàng ở đó. Ngài bện một cái roi bằng dây, bèn đuổi hết thảy khỏi đền thờ, chiên và bò nữa; vãi tiền người đổi bạc và đổ bàn của họ. Ngài phán cùng kẻ bán bồ câu rằng: Hãy cất bỏ đồ đó khỏi đây, đừng làm cho nhà Cha ta thành ra nhà buôn bán. Môn đồ Ngài bèn nhớ lại lời đã chép rằng: Sự sốt sắng về nhà Chúa tiêu nuốt tôi.” (BTT)
Các kỳ lễ của Y-sơ-ra-ên liên quan đến rất nhiều dâng hiến tế lễ và ăn uống. Vì vậy, nhiều động vật được buôn bán để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thay vì mang theo gia súc của mình từ tận nhà cách đó hàng trăm dặm, mua động vật ở Giê-ru-sa-lem trở nên thiết thực và thuận tiện hơn, ngay cả giá có cao hơn. Khi các con vật dùng để tế lễ được mua bán tại Sân Ngoại Bang trong đền thờ, chúng không thể mua bằng đồng tiền La Mã thông thường mà phải sử dụng tiền Tyrian đặc biệt được đúc ở Y-sơ-ra-ên. Phí đổi tiền rất cao, mang lại nhiều lợi nhuận cho những người đổi tiền.
Sự thương mại hóa chiếm lĩnh đền thờ; “sự thờ phượng” trở thành một phi vụ béo bở, và hoạt động buôn bán phục vụ khách hành hương trở thành nguồn thu chính của thành phố. Nhưng Chúa Jêsus vô cùng tức giận khi nhà Cha Ngài, nơi dành để ngợi khen và thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng ban cho mọi sự cách nhưng không, lại bị hạ thấp trở thành trung tâm lợi nhuận cho những kẻ buôn bán tinh ranh. Tất nhiên, không có gì sai trong việc giao thương, hoặc tạo ra một mức lợi nhuận hợp lý, nhưng Kinh Thánh dạy rất rõ ràng về sự chống đối nạn bóc lột và việc sử dụng những gì đã dâng cho Chúa để trục lợi cá nhân. Chúa Jêsus phẫn nộ vì sự thờ phượng Chúa đã bị thay thế bởi sự tôn thờ tiền bạc, và Ngài bày tỏ cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời bởi vì cả việc buôn bán lẫn thờ phượng của họ đều đã trở nên bại hoại.
Sự tham lam dưới mọi hình thức, đặc biệt là đối với tiền bạc, là một phần trong bản chất tội lỗi của chúng ta. Nó không thánh khiết, và sự gian ác của nó được thấy rõ nhất khi những điều thiêng liêng bị dùng để kiếm tiền. Tin Lành về ân điển của Đức Chúa Trời nói về sự ban cho, ngay cả khi chúng ta không có khả năng đền đáp lòng nhân từ của Ngài, và Ngài tuôn đổ sự tốt lành của Ngài cho những người có nhu cầu. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nhà thờ có nguồn thu tốt bằng cách thu phí hàng hóa hoặc dịch vụ. Câu hỏi cần đặt ra là, “Điều đó có đúng không?” Hay “Chúa có đồng ý không?” Khi kinh doanh ưu tiên hơn thờ phượng và phục vụ, thì có điều gì đó không ổn. Khi các Hội Thánh phát minh ra cách kiếm tiền từ những người đến tìm sự hướng dẫn thuộc linh, liệu ưu tiên kiếm tiền của họ có đúng không? Vâng, đây quả là thời điểm khó khăn về kinh tế, nhưng hành động mạnh mẽ này của Chúa Jêsus dạy rằng Đức Chúa Trời không dung thứ cho sự giả hình đầy tính vụ lợi, thứ làm hủy hoại Phúc Âm.
Lạy Cha là Đức Chúa Trời. Cảm tạ Chúa Jêsus vì Ngài đã phản ứng mạnh mẽ đối với thói tham lam đạo đức giả trong sân đền thờ. Điều đó khiến con nhận ra rằng Ngài đòi hỏi con sự vẹn toàn trong hành vi lẫn động cơ. Xin Ngài tha lỗi con vì đã trượt vào con đường của thế gian và bóc lột người khác vì lợi ích cá nhân. Xin tha thứ cho con, giúp con một lòng một dạ với Chúa trong công việc và sự thờ phượng, giúp con tin cậy sự chu cấp của Ngài và sẵn sàng dâng hiến tất cả những gì con có để phục vụ Ngài. Trong danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work