Kinh Thánh: Mác 6:12-13
“Vậy, các sứ đồ đi ra, giảng cho người ta phải ăn năn; đuổi nhiều ma quỉ, xức dầu cho nhiều kẻ bịnh, và chữa cho được lành.” (BTT)
Ngoại trừ Phúc Âm ra, đặc tính của mọi tôn giáo còn lại là gia tăng số lượng những việc làm tốt đẹp sao cho nhiều hơn số lượng việc xấu trong cuộc sống. Lòng mộ đạo, các nghi lễ tôn giáo, sự cầu nguyện, kỷ luật cá nhân, sự khổ hạnh, các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người khó khăn, việc hành hương đến những nơi linh thiêng và bố thí tiền bạc… tất cả đều là điểm chung của tôn giáo, bất kể tôn giáo đó thuộc hệ thống tín ngưỡng nào. Nguyên tắc là làm sao cho đủ để được Chúa chấp nhận, và tin tưởng rằng nếu cố gắng hết sức, chúng ta sẽ đạt được điều đó. Thế nhưng, đó chỉ là việc vặt của kẻ khờ dại. Không điều gì chúng ta có thể làm để khiến chúng ta được chấp nhận trước mặt Đức Chúa Trời chân thật, Đấng mà tội lỗi của chúng ta đã phạm đến sự oai nghi của Ngài.
Chúa Jêsus sai sáu cặp đôi đến các thành và làng mạc khác nhau để rao giảng mà không có Ngài đi cùng (Mác 6:6-7). Đó là trải nghiệm truyền giáo đầu tiên của họ; là khúc dạo đầu cho cả cuộc đời rao truyền về Chúa Jêsus. Không giống như những lời thuyết giảng về luân lý của các giáo phái, Chúa Jêsus đặt ra thách thức khó hơn cho các môn đồ, đó là rao giảng về sự ăn năn. Chúa Jêsus dạy rằng thật là dại dột khi cố gắng xây dựng một công trình tốt trên nền xấu (Ma-thi-ơ 7:26-27). Trước hết, tội lỗi phải được từ bỏ. Là tội lỗi nói chung, chứ không phải là những tội nhỏ. Thật dễ dàng để tìm ra một vài sai phạm mà chúng ta biết rằng chúng ta nên xưng nhận, nhưng việc thừa nhận rằng tội lỗi đã chiếm giữ bản tánh của chúng ta và chúng ta không thể rũ bỏ nó nếu không ăn năn và tiếp nhận Chúa Jêsus làm Đấng Cứu Thế và Đấng Chủ Tể, thì đó lại là một vấn đề khác (Rô-ma 7:18-20). Thế nhưng việc rao giảng về sự ăn năn lại là trách nhiệm của Hội Thánh (Lu-ca 24:45-47).
Rao giảng về tình yêu của Đức Chúa Trời mà không bao gồm sự ăn năn sẽ trở thành ủy mị; rao giảng về thập tự giá mà không bao gồm sự ăn năn sẽ trở thành thuyết thần bí; rao giảng về việc chữa bệnh mà không bao gồm sự ăn năn sẽ trở thành yêu bản thân thái quá; rao giảng về việc trừ quỷ mà không bao gồm sự ăn năn sẽ trở thành mối nguy (Lu-ca 11:24-26). Giăng Báp-tít đã rao giảng về sự ăn năn (Mác 1:4), Chúa Jêsus đã rao giảng về sự ăn năn (Ma-thi-ơ 4:17), các môn đồ đã rao giảng về sự ăn năn (Mác 6:12), các sứ đồ đã rao giảng về sự ăn năn (Công vụ 26:20)… và Hội Thánh đã phát triển đúng hướng dầu trải qua nhiều gian khổ (II Ti-mô-thê 2:9). Nhưng khi Hội Thánh ngày nay ủng hộ những gì Đức Chúa Trời gớm ghiếc, hay đề cao sức khoẻ và sự giàu có hơn sự đau khổ và hy sinh, thì chẳng còn ai muốn nghe bất cứ lời kêu gọi ăn năn nào, và không có lý do gì để họ đứng về phía Đấng Christ khi tất cả những gì họ có bị tước đi.
Chúa Jêsus là Đấng Giải Cứu khỏi sự trừng phạt của tội lỗi và ách nô lệ của tội lỗi. Nhưng nếu bản thân chúng ta không thừa nhận mình là nô lệ của tội lỗi và cần được Chúa Jêsus chuộc khỏi quyền lực của nó, thì chúng ta không thể được tha thứ hay vào nước Thiên đàng. Đó là lý do vì sao chúng ta phải giải thích tương lai đau buồn cho loài người tội lỗi nếu họ không chịu ăn năn, để rồi họ nhận được sự tha thứ nhờ ân điển của Đấng Christ (Công vụ 3:19). Việc truyền bá tin lành tại nơi không có tin dữ… chính là công thức dẫn đến sự thờ ơ. Có lẽ đó là lý do tại sao bạn bè của chúng ta thấy việc xem xét Phúc Âm không có gì khẩn cấp, vì hiện tại họ vẫn ổn. Nếu chúng ta ổn, thì Đấng Tạo Hóa đã không cần phải bước vào thế gian hư mất, bị những người Ngài yêu thương ngược đãi và phải chịu đau đớn trên thập tự giá đẫm máu đó. Không, Phúc Âm (Tin Lành) sẽ không còn là tin tức gì cả trừ khi trước hết chúng ta giải thích rằng trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta không hề ổn, và chúng ta sẽ phải chịu cơn thịnh nộ của Ngài (Ê-phê-sô 2:3). Đó là lý do vì sao việc ăn năn là rất cần thiết nếu chúng ta muốn được tha thứ. Đó là một sứ điệp căn bản và là sự thay đổi triệt để, giống như việc đuổi quỷ vậy.
Lạy Chúa, cảm ơn Ngài đã khiến con ăn năn và ban cho con sự tha thứ mà con không xứng đáng có. Xin tha thứ cho con mỗi khi con cho phép bản chất tội lỗi của mình phạm đến Ngài, làm tổn thương người khác và làm hỏng hình ảnh của Ngài trong con. Xin giúp con không xem nhẹ sự hư mất tâm linh của bạn bè và đồng nghiệp của con; và giúp con kêu gọi họ ăn năn. Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work