Kinh Thánh: Lu-ca 8:4-8
“Khi có đoàn dân đông nhóm lại, và người hết thảy các thành đều đến cùng Ngài, thì Ngài lấy thí dụ mà phán cùng họ rằng: Người gieo đi ra để gieo giống mình. Khi vãi giống, một phần giống rơi ra dọc đường, bị giày đạp và chim trời xuống ăn hết. Một phần khác rơi ra nơi đất đá sỏi, khi mới mọc lên, liền héo đi, vì không có hơi ẩm. Một phần khác rơi vào bụi gai, gai mọc lên với hột giống, làm cho nghẹt ngòi. Lại có một phần khác rơi xuống nơi đất tốt, thì mọc lên, và kết quả, một thành trăm. Đương phán mấy lời đó, Ngài kêu lên rằng: Ai có tai mà nghe, hãy nghe!” (BTT)
Ẩn dụ này về người gieo giống phản chiếu tấm lòng của những người tụ tập quanh Chúa Jêsus. Ngài bắt đầu câu chuyện khi dân chúng từ nhiều thị trấn vẫn đang tụ họp và chen lấn để nghe Chúa Jêsus giảng. Một số người có thể đã nghe thấy tất cả; những người khác chỉ nghe được một phần. Trong số những người nghe, chỉ có một vài người hiểu được ý nghĩa mà Ngài muốn nói. Nhưng Chúa Jêsus đang nói về họ: những người có tấm lòng hời hợt, cứng cỏi hoặc xao lãng; nhưng cũng có một số người muốn tiếp nhận Lời Chúa cho riêng mình (Ma-thi-ơ 7:24-27).
Nhưng khán giả chính của Ngài là ai? Nhóm Mười Hai người, là các môn đệ được Chúa Jêsus chọn, những người được Ngài ủy thác làm Sứ đồ (Lu-ca 6:13), đã ở với Ngài (Lu-ca 8:1). Họ đang tham gia khóa đào tạo để chuẩn bị lãnh đạo Hội Thánh Đầu Tiên. Chỉ có họ mới hỏi Chúa Jêsus ý nghĩa của ẩn dụ (Lu-ca 8:9) mà Chúa Jêsus đã mô tả như là bí mật của vương quốc Đức Chúa Trời mà Ngài sẽ mặc khải cho họ (Lu-ca 8:10-11). Đó là một lớp học chuyên sâu về các phương diện của công tác truyền giáo – để khuyến khích họ nhưng cũng để giải thích nguyên nhân của sự thất bại rõ ràng.
Chúa Jêsus dạy dỗ bằng cách dùng những minh họa trong nông nghiệp quen thuộc với thính giả của Ngài. Các môn đồ cần hiểu được một sự thật khó nghe, đó là có nhiều người sẽ khước từ Lời Chúa dù Phúc Âm mang đến những phước hạnh tuyệt vời cho đời sống họ (Giăng 5:40). Các loại đất khác nhau được mô tả trong câu chuyện cho thấy có nhiều phản ứng khác nhau đối với điều Đức Chúa Trời phán. Nếu Lời Chúa gieo ra không kết quả thì không phải do hạt giống có vấn đề mà là do đất không tốt.
Thông tin này có giá trị đối với chúng ta cũng như đối với các sứ đồ đã “gieo ra hạt giống Lời Chúa” nhằm thúc đẩy sự phát triển của Hội Thánh Đầu Tiên (Công vụ 6:7). Chúng ta phải biết rằng việc rao truyền Lời Chúa sẽ gặp sự chống đối cũng như sự vui mừng. Nhưng những đáp ứng tiêu cực không phải là lý do để ngừng chia sẻ Lời Chúa. Ẩn dụ này khích lệ chúng ta tiếp tục làm chứng bất chấp sự chán nản và thất vọng – bởi vì nơi nào Lời Chúa được chào đón, thì phước lành sẽ lớn hơn rất nhiều (Lu-ca 8:8). Vì vậy, nếu bạn tôn kính Chúa Jêsus là Cứu Chúa của mình thì hãy tiếp tục đồng nhất mình với chính Ngài và chia sẻ câu chuyện Phúc Âm vì luôn có ai đó ở đâu đó sẽ có tấm lòng sẵn sàng tiếp nhận (1 Cô-rinh-tô 9:22). Và khi dường như không còn ai quan tâm, thì đừng quên rằng vẫn có người khao khát sự tha thứ, tình yêu và sự bình an với Chúa. Hãy bắt đầu bằng cách nói cho họ biết về Chúa Jêsus, Ngài là Con Đường duy nhất đến với Đức Chúa Trời (Giăng 14:6).
Lạy Chúa kính yêu. Cảm ơn Ngài vì Lời Ngài có sức mạnh thay đổi bất kỳ cuộc đời nào sẵn sàng tiếp nhận và làm theo. Xin tha thứ cho con vì đã để cho những điều xảy ra trong cuộc đời con làm cho Lời Chúa bị nghẹt ngòi và khiến con bịt tai trước Lẽ thật. Xin giúp con nằm trong số những người khao khát lắng nghe và bởi đức tin đáp ứng Lời Chúa để những phước lành Ngài đã hứa trở nên rõ ràng trong cuộc đời con, để Ngài được ngợi khen và vinh hiển. Nguyện con không mệt mỏi khi nói về Chúa cho người khác, cho dù có nhiều sự chống đối, vì vẫn còn những người khác đang khao khát tìm kiếm sự cứu rỗi đến từ Chúa Jêsus. Nhân danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work