Câu hỏi: Có phải dâng hiến 1/10 là đủ?
Đáp: Dâng hiến phần mười là quan trọng và là vấn đề của tấm lòng. Vì vậy, cho rằng dâng hiến 1/10 là đủ tùy thuộc vào tấm lòng của người dâng hiến.
1) Dâng phần mười là vấn đề của tấm lòng
Chúng ta xem lại định nghĩa và mục đích của phần mười. Từ liệu “phần mười” là 10% lúa mì, trái cây, súc vật hoặc tiền của một người nào đó (Lê-vi Ký 27:30-34 Nê-hê-mi 13:5), nghĩa là 10% bất cứ thu nhập của Cơ Đốc nhân nhận được. Nguyên tắc cơ bản đằng sau dâng phần mười và dâng hiến khác là cách chúng ta quản lý tiền bạc chứng tỏ lòng của chúng ta ở đó. Chúa Giê-xu đã dạy, “Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Ma-thi-ơ 6: 21). Khi chúng ta có thể dâng phần mười hoặc nhiều hơn so với thu nhập của chúng ta thay vì giữ phần đó cho bản thân, thì điều đó chứng minh rằng tấm lòng của chúng ta không buộc chặt với vật chất, tiền bạc nhưng thể hiện tấm lòng yêu kính Chúa của chúng ta. Từ ánh sáng Lời Kinh Thánh, chúng ta biết Đức Chúa Trời nắm quyền tể trị muôn vật và mọi điều trong cõi vũ trụ kể cả tài chánh của chúng ta. Chúng ta nhớ mọi sự chúng ta được Chúa ban cho, mặc dù hầu hết chúng ta có thể làm việc kiếm tiền mỗi tháng, nhưng có bàn tay của Đức Chúa Trời phù trợ ở đó – Ngài ban cho chúng ta khả năng làm việc. Nhiều tín hữu nhận biết sự ban cho của Đức Chúa Trời, họ thật sự đồng ý rằng dâng phần mười vẫn không đủ. Thật vậy, dâng phần mười là vấn đề của tấm lòng của chúng ta, tấm lòng biết ơn và kính mến Chúa. Như vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi tín hữu chúng ta nhận biết dâng phần mười chưa đủ, và muốn dâng cho Chúa một cách rời rộng, hào phóng hơn.
2) Những của dâng hoặc sự ban cho khác Đức Chúa Giê-xu Christ là gương mẫu về sự dâng hiến. Ngài sống và vâng giữ luật pháp của Môi-se cách trọn vẹn. Không những vậy, Chúa Giê-xu đã dâng cả mạng sống cho cả nhân loại (Rô-ma 8: 32). Là Bậc Thầy, Chúa dạy tín hữu chúng ta nhiều về việc dâng hiến, kể cả việc ban cho (tham chiếu Ma-thi-ơ 5: 38-42; 6: 19-21; Luca 12: 22-34; 10: 25-37; Mác 10: 28-31…vv..). Thật ra, Chúa ban cho chúng ta không phải lúc nào cũng là tiền bạc và vật chất, nhưng luôn có giá trị hơn điều chúng ta đã ban cho người khác. Nói cách khác, ban cho là cách sống của Cơ Đốc nhân hiểu biết ân điển Đức Chúa Trời. Người thế gian có thể làm nhiều điều gọi là ban cho nhưng không thể hiểu lẽ thật trong Lời Kinh Thánh, “Có người rải của cải mình ra, lại được nhiều hơn; cũng có người quá keo kiệt, nhưng chỉ được sự túng thiếu” (Châm ngôn 11: 24- TTHĐ). Trong ơn ban cho, động cơ của chúng ta là gì tùy thuộc vào đức tin và lòng trông cậy của chúng ta nơi Giê-hô-va Di-rê, Đấng sẵn cung ứng mọi điều chúng ta cần.
Cũng vậy, trong các thư tín của mình, đặc biệt trong 2 Cô-rinh-tô 8 và 9 sứ đồ Phao-lô dạy tín hữu rằng ban cho là một hành động của ân điển. Phao-lô sử dụng nhiều từ liệu khác nhau để chỉ về sự dâng hiến, nhưng một từ Phao-lô sử dụng nhiều nhất là “ân điển, ơn”. Ban cho thật sự là một chức vụ và sự thông công (2 Cô-rinh-tô 8: 4) để giúp đỡ người khác, nhưng động cơ phải là ân điển của Đức Chúa Trời trong lòng, đó là hành động của ân điển Đức Chúa Trời trong lòng người. Khi luận cứ về việc dâng hiến trong 2 phần đoạn Kinh Thánh nầy, sứ đồ Phao-lô giải thích rõ rằng:
1. Các Hội Thánh tại xứ Ma-xê-đoan khẩn khoản thỉnh cầu tham gia vào việc dâng hiến cho nhu cầu của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem.
2. Họ đã đóng góp tài chánh (tham chiếu Rô-ma 15: 25-27).
3. Họ dâng hiến rời rộng vượt quá điều họ có khả năng.
4. Do đó, sứ đồ Phao-lô thúc giục Tít cũng mời gọi tín hữu tại Cô-rinh-tô tham dự vào sự quyên góp.
Không những vậy, sứ đồ Phao-lô nói tiếp, giống như sự ban cho của Đấng Christ, sự ban cho của tín hữu Ma-xê-đoan đã được thôi thúc bởi tình yêu thương, sự sẵn lòng, và bởi đức tin. Nhìn toàn bộ bức tranh về sự dâng hiến, sự ban cho, Cơ Đốc nhân ngày nay được khích lệ và thêm lên trong đức tin và tình yêu thương trong sự dâng hiến không những phần mười mà còn dâng vào những nhu cầu chung của Hội Thánh, kể cả dâng hiến giúp đỡ những người nghèo khó, những anh chị em trong hoạn nạn. Nói tóm lại, Cơ Đốc nhân ngày nay được cảm thúc không những dâng phần mười mà còn dâng những của dâng khác bởi ân điển Đức Chúa Trời, và rồi chúng ta không còn suy nghĩ dâng phần mười là đủ nữa. Muốn thật hết lòng!
(Theo sự hỗ trợ của NTĐ. Lê Thị Lệ Thanh)