Kinh Thánh: Giăng 12:1-6
“Sáu ngày trước lễ Vượt qua, Đức Chúa Jêsus đến thành Bê-tha-ni, nơi La-xa-rơ ở, là người Ngài đã khiến sống lại từ kẻ chết. Người ta đãi tiệc Ngài tại đó, và Ma-thê hầu hạ; La-xa-rơ là một người trong đám ngồi đồng bàn với Ngài. Bấy giờ, Ma-ri lấy một cân dầu cam tùng hương thật, rất quí giá, xức chân Đức Chúa Jêsus, và lấy tóc mình mà lau; cả nhà thơm nức mùi dầu đó. Nhưng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, là một môn đồ về sau phản Ngài, nói rằng: Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đơ-ni-ê đặng bố thí cho kẻ nghèo? Người nói vậy, chẳng phải lo cho kẻ nghèo đâu, song vì người vốn là tay trộm cắp, và giữ túi bạc, trộm lấy của người ta để ở trong.” (BTT)
Một bữa tiệc ăn mừng đã được tổ chức tại Bê-tha-ni! La-xa-rơ, người đã chết bốn ngày, được Chúa Jêsus kêu sống lại từ mồ mả (Giăng 11:43-44). Vì vậy, Đức Chúa Jêsus là vị Khách Danh Dự, La-xa-rơ ngồi đồng bàn, Ma-thê tất bật phục vụ, và Ma-ri đã chuẩn bị một điều đặc biệt dành cho Ngài. Cô có khoảng nửa lít dầu cam tùng nguyên chất, một loại dầu thơm quý giá chiết xuất từ cây cam tùng. Giữa bữa ăn, Ma-ri mở bình dầu, đổ dầu lên chân Đức Chúa Jêsus, rồi lấy tóc mình lau chân Ngài. Cả căn nhà tràn ngập hương thơm. Đó là cách Ma-ri nói rằng cô là đầy tớ của Ngài (vì chỉ có đầy tớ mới chạm vào chân khách) và rằng Ngài quý giá hơn bất cứ thứ gì cô sở hữu. Đó là cách cô thờ phượng Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời, Đấng Ban Sự Sống.
Ngược lại, Giu-đa Ích-ca-ri-ốt – kẻ sau này phản bội Chúa (Giăng 18:2-3) – lại phàn nàn. Hắn giữ túi tiền chung của nhóm môn đồ, dùng để mua thức ăn và giúp đỡ người nghèo. Nhưng thực chất, hắn là một kẻ trộm, thường xuyên lấy tiền cho riêng mình. Tất cả những gì hắn thấy chỉ là dầu thơm đắt giá bị “lãng phí.” Hắn giả vờ quan tâm đến người nghèo, nhưng thực chất, hắn không hề bận tâm đến ai ngoài bản thân. Hắn không yêu mến hay tôn kính Đức Chúa Jêsus. Vì thế, hắn không thể nhận ra giá trị của sự thờ phượng, ngay cả khi nó hiển hiện ngay trước mắt.
Đối với Ma-ri, đó là một sự hy sinh. Đối với Giu-đa, đó là một sự lãng phí. Ma-ri đã dâng lên Đức Chúa Jêsus điều quý giá nhất cô có để tôn vinh Ngài. Còn Giu-đa thì chỉ muốn số tiền đó thuộc về mình. Một sự đối lập rõ rệt, nhưng cả hai đều là hành động “thờ phượng.” Một người tôn vinh chính mình, còn một người tôn vinh Đấng Ban Sự Sống. Ngày nay, Đức Chúa Trời vẫn đang nhìn xem chúng ta xem ai là Đấng chúng ta yêu quý nhất – chính mình hay Ngài. Rô-ma 12:1 (BTTHĐ) chép: “Vậy, thưa anh em, bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời, tôi nài xin anh em hãy dâng thân thể mình làm sinh tế sống, thánh khiết và đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.”
Sự thờ phượng thật đến từ tấm lòng biết ơn và được thể hiện qua sự sẵn sàng dâng cho Chúa những gì tốt nhất mà chúng ta có. Có lẽ, bài học hôm nay sẽ giúp chúng ta tự vấn lại tình yêu dành cho Đức Chúa Jêsus, và suy xét xem liệu đức tin của chúng ta có thực sự là lòng kính yêu Chúa hay chỉ là một lớp vỏ che đậy lòng tham và sự ích kỷ.
Lạy Chúa Toàn Năng, cảm tạ Chúa vì Ngài luôn phân biệt rõ đâu là sự thờ phượng thật, đâu là sự thờ phượng chỉ để thoả mãn bản thân. Xin tha thứ cho con khi con che giấu bản thân sau vỏ bọc thuộc linh chỉ để thỏa mãn ý riêng mình. Xin giúp con nhận biết giá trị tình yêu của Ngài dành cho con, sự tha thứ của Ngài và quyền năng Ngài đưa con vào gia đình Ngài. Con nguyện cam kết thờ phượng Ngài với tất cả những gì con có, bởi vì con yêu mến và bước theo Đức Chúa Jêsus. Con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jêsus. A-men.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work