Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 21:20-21
“Môn đồ thấy điều đó, lấy làm kỳ, nói rằng: Cớ sao trong giây phút mà cây vả liền khô đi vậy? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi có đức tin, và không nghi ngờ chi hết, thì chẳng những các ngươi làm được điều đã làm cho cây vả mà thôi, song dầu các ngươi biểu hòn núi nầy rằng: Hãy cất mình lên và quăng xuống biển, điều đó cũng sẽ làm được.” (BTT)
Chúa Jêsus quở trách cây vả. Dù nó trông có vẻ khỏe mạnh, nhưng vì không sanh trái nên trở thành vô dụng. Lời Chúa Jêsus phán với cây vả rằng nó sẽ không bao giờ ra trái nữa, lập tức đã cất đi sự sống của cây vả, ngay cả những chiếc lá xanh tươi cũng khô héo. Nó đã chết.
Đây là một ẩn dụ được thể hiện qua hành động. Dân Y-sơ-ra-ên là sự phô bày mục đích của Đức Chúa Trời cho thế giới, nhưng họ trở nên vô dụng vì đã không tin cậy Đức Chúa Trời. Thay vào đó, họ tin tưởng vào những cơ chế tôn giáo, còn giới lãnh đạo thì thích cơ cấu quyền lực giúp họ được tôn trọng như những nhân vật có thẩm quyền. Thay vì là phương tiện đem ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời đến cho thế giới, dân Y-sơ-ra-ên lại trở thành chướng ngại vật cho mục đích của Đức Chúa Trời. Họ không còn đáng tin cậy để bày tỏ tình yêu thương và lòng thương xót của Đức Chúa Trời cho thế giới.
Lời của Chúa Jêsus có hiệu lực trong việc xử lý cây vả, tương tự như vậy, dân Y-sơ-ra-ên cũng sẽ bị tiêu diệt bởi Lời Ngài (Ma-thi-ơ 24:1-2). Bốn mươi năm sau khi Chúa Jêsus trở thành Chiên Con Lễ Vượt Qua, thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy cùng với Đền Thờ thiêng liêng; và kể từ đó, không có những của tế lễ chuộc tội nào được thực hiện tại Giê-ru-sa-lem. Khi các môn đồ đặt câu hỏi tại sao lời quở trách lại có hiệu lực như vậy, Chúa Jêsus nói rằng, nếu họ hiểu và tin cậy ý muốn của Đức Chúa Trời, thì họ cũng có thể nói bởi đức tin và Đức Chúa Trời sẽ dời được những chướng ngại vật khác lớn như núi cản trở Vương quốc của Ngài (Công vụ 5:1-11)
Những câu Kinh Thánh này khích lệ chúng ta ở gần Chúa để hiểu Lời Ngài và khao khát có cùng mục đích với Ngài. Nói hay cầu nguyện bởi đức tin không phải để “tạo ra cảm xúc đức tin”, mà là để biết ý muốn của Chúa và đơn giản là công bố ra như Phi-e-rơ trong Công vụ 3:6 và Phao-lô trong Công vụ 20:22- 24 đã làm. Đức tin không phải là hy vọng điều chúng ta mong muốn sẽ xảy ra, mà là biết rằng mục đích của Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ trở thành hiện thực. Lời cầu nguyện hay lời công bố như thế phô bày đức tin cách công khai để mọi người biết rõ ràng rằng những gì xảy ra không phải là ngẫu nhiên, mà là ý muốn tối thượng của Đức Chúa Trời.
Lạy Chúa, Đấng hằng giữ Lời của Ngài! Con cảm ơn Chúa vì mọi điều Ngài phán đều được thực hiện vì thẩm quyền tối cao của Chúa không thể bị xem thường. Xin tha thứ cho con khi biết ý muốn của Chúa nhưng đã để cho những trở ngại chồng chất cản trở sự mở rộng Vương quốc của Ngài. Xin giúp con có chung niềm say mê vương quốc và vinh quang của Ngài để con sẽ cầu nguyện bởi đức tin và nói ra lẽ thật, vì biết rằng Chúa luôn thực hiện điều Ngài đã hứa. Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…