Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đào tạo là việc ưu tiên

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 5:1-2

“Đức Chúa Jêsus xem thấy đoàn dân đông, bèn lên núi kia; khi Ngài đã ngồi, thì các môn đồ đến gần. Ngài bèn mở miệng mà truyền dạy rằng:”(BTT)

Nhiều người nghĩ rằng Chúa Jêsus muốn giảng đạo cho mọi người và chữa lành càng nhiều người càng tốt trước khi Ngài chịu chết. Nhưng không phải như vậy! Chức vụ của Ngài là cho toàn thế giới chứ không chỉ cho dân Y-sơ-ra-ên (Israel), cho mọi thế hệ chứ không chỉ cho thời đại Ngài đã sống. Ưu tiên trong hai năm rưỡi chức vụ của Ngài là đào tạo một nhóm nhỏ các môn đồ, những người sẽ trở thành sứ đồ của Ngài, và rao truyền lẽ thật Phúc âm cho mọi thế hệ đến khi Chúa Jêsus trở lại.

Vì vậy, khi đám đông kéo đến với Ngài, Chúa Jêsus đã đi khỏi. Khi Ngài lên núi, các môn đồ theo sau: Ngài chủ yếu nói chuyện với họ. Dù vậy, đám đông không cách họ quá xa phía sau, và rõ ràng là nhiều người đã nghe thấy những điều Ngài nói do âm thanh tuyệt vời của giảng đường tự nhiên trên núi (Mat 7:28-29). Tuy nhiên, đó là khóa học cơ bản của các sứ đồ tập sự về cách sống trong nước Đức Chúa Trời. Mặc dù Chúa Jêsus đã làm nhiều phép lạ đáng kinh ngạc, nhưng không có phép lạ nào có ý nghĩa lâu dài nếu không có lời giải thích của Chúa Jêsus.

Vì vậy, “Bài giảng trên núi”, như cách gọi của thánh Augustine, cho chúng ta thấy cách Đức Chúa Trời nhìn thế giới và Hội Thánh hoàn toàn khác so với các cơ sở tôn giáo. Chúa Jêsus ngồi xuống và giảng dạy như thầy giáo của người Do Thái (Rabbi), tuyên bố và trả lời các câu hỏi (trong phần tiếp theo của bài giảng từ Ma-thi-ơ 5:3-7:27, bạn đều có thể nghe được những câu hỏi mà Chúa Jêsus trả lời!). Những gì Chúa dạy đã thách thức các giả định tôn giáo thời đó, mặc dù tất cả các nguyên tắc đều đã được lồng trong bản văn Kinh Thánh Cựu Ước. Các sứ đồ tập sự cần hiểu tại sao Chúa Jêsus lại khác biệt, để họ có thể giải thích rõ ràng cho người khác – để nhiều thế hệ đặt niềm tin nơi Ngài.

“Đào tạo người lãnh đạo để họ đào tạo những lãnh đạo khác”, luôn là ưu tiên của Đức Chúa Trời ( 2 Ti-mô-thê 2:2); và rất cần thiết cho sự phát triển của Hội Thánh trong mọi thời đại. Tuy nhiên, chiến lược này thường bị xem là thiển cận: tại sao phải đầu tư nhiều vào một vài người trong khi bạn có thể tiếp cận hàng triệu người? Đúng là các mục vụ truyền thông ngày nay tiếp cận được nhiều người hơn là một Hội Thánh địa phương, nhưng không có trách nhiệm thực tế. Đó là yếu tố khiến sự dạy dỗ của Chúa Jêsus chuyển sang công tác môn đồ hóa: Ngài có mười hai người luôn ở với Ngài và Ngài bắt họ phải giải thích những gì họ đã nói và đã làm. Đó là mối quan hệ làm cho người ta thay đổi, vì họ được thách thức để trở nên khác biệt bằng cách chọn các đáp ứng khác nhau. Thật dễ khiến nhà thờ trở thành nơi được nhiều người biết đến bằng cách cho người ta những gì họ thích; nhưng giúp người ta trở thành môn đồ thật là điều rất khó vì họ phải từ bỏ những tham vọng ích kỷ và sống một lối sống đẹp lòng Chúa nhưng lại bị người đời khinh chê. Bạn có phải là môn đồ thực sự của Chúa không? Nếu có, bạn có đang đào tạo những người biết chịu trách nhiệm trước Chúa Jêsus không?

Lạy Đức Chúa Trời là Cha của chúng con. Cảm ơn Ngài vì Chúa Jêsus đã dạy chúng con cách sống sao cho đẹp lòng Ngài và chứng minh rằng điều đó là có thể. Xin tha thứ cho con khi con quan tâm đến những gì người khác nghĩ về con hơn là những gì Ngài nghĩ về lối sống của con. Con cảm ơn Chúa Jêsus đã chọn những người lãnh đạo tập sự để sống với Ngài, học hỏi từ Ngài và có trách nhiệm với Ngài. Xin hãy giúp con có trách nhiệm hơn đối với những người tin kính và khích lệ những người khác là những người muốn học hỏi từ con. Xin giúp con dự phần vào sự phát triển có chiến lược vương quốc Ngài. Nhân danh Chúa Jêsus Christ. Amen.

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn