Kinh Thánh: Giăng 9:13-17
“Chúng dẫn người trước đã mù đó đến cùng người Pha-ri-si. Vả, ấy là ngày Sa-bát mà Đức Chúa Jêsus đã hòa bùn và mở mắt cho người đó. Người Pha-ri-si lại hỏi người thế nào được sáng mắt lại. Người rằng: Người ấy rà bùn vào mắt tôi, tôi rửa rồi thấy được. Có mấy kẻ trong những người Pha-ri-si bèn nói rằng: Người nầy không phải từ Đức Chúa Trời đến đâu, vì không giữ ngày Sa-bát. Nhưng kẻ khác rằng: Một kẻ có tội làm phép lạ như vậy thể nào được? Rồi họ bèn chia phe ra. Bấy giờ chúng hỏi người mù nữa rằng: Còn ngươi, về người đã làm sáng mắt ngươi đó, thì ngươi nói làm sao? Người trả lời rằng: Ấy là một đấng tiên tri.” (BTT)
Khi Chúa Jêsus chữa lành cho người mù trẻ tuổi, Ngài đã khơi dậy một cuộc tranh cãi: Liệu Chúa Jêsus có thật sự đến từ Đức Chúa Trời hay không? Những người Pha-ri-si, vốn là các luật sư tôn giáo, tự hào về khả năng giải quyết mọi câu hỏi thần học. Vì vậy, họ thẩm vấn người đã từng bị mù kia. Câu hỏi đầu tiên của họ chỉ đơn thuần là hỏi về việc anh đã được chữa lành như thế nào? Nhưng đó thực chất là một cái bẫy nhằm khiến anh thừa nhận rằng Chúa Jêsus đã chữa lành cho anh vào ngày Sa-bát. Theo luật lệ của họ, việc đó được xem là “lao động” và bị cấm vào ngày thánh (Giăng 5:9-10).
Một số người cho rằng Chúa Jêsus đã vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời nên Ngài không thể nào đến từ Đức Chúa Trời được, nhưng thật ra đó là do cách giải thích cứng nhắc và thiếu lòng thương xót của họ về điều răn của Đức Chúa Trời. Còn những người khác thì nhận định chính xác rằng phép lạ này chính là việc làm của Đức Chúa Trời, vì chưa ai từng chứng kiến điều gì như thế. Quan điểm của người được chữa lành rất rõ ràng: Chúa Jêsus phán bằng thẩm quyền của Đức Chúa Trời; Ngài là Đấng tiên tri. Khi Chúa Jêsus truyền cho người mù đi rửa mắt, Ngài đang mời gọi anh tin cậy và vâng lời Ngài. Và khi anh làm theo, đôi mắt anh lần đầu tiên được trở nên sáng.
Việc cẩn thận tra xem Lời Chúa để học hỏi từ Ngài là điều đúng đắn (Công vụ 17:11-12), nhưng chúng ta dễ dàng chống nghịch Đức Chúa Trời khi “xét đoán” Ngài bằng lý thuyết, dùng tư duy con người để phủ nhận bản tánh và công việc của Ngài. Những người làm vậy cảm thấy họ đang nắm quyền kiểm soát, và Đức Chúa Trời chỉ còn là một khái niệm lý thuyết thay vì là Đấng đầy oai nghi và quyền năng. Nhưng khi Đức Chúa Trời hành động, Ngài trở thành thách thức đối với tất cả các nhà cầm quyền khác. Những ai tin cậy và vâng phục sẽ được phước; nhưng những người sùng đạo chú trọng luật pháp sẽ cảm thấy bị đe dọa, và các tiên tri giả bị phơi bày. Thay vì đón nhận những người có cuộc sống được biến đổi, họ lại bắt bớ những người đó.
Mặc dù rất bất công, nhưng đó là cách những kẻ “chống lại lẽ thật” xoa dịu bản thân trước những sai lầm của họ để họ có thể tiếp tục chống đối thẩm quyền của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ. Vì vậy, hôm nay, nếu bạn đang bị thử thách hoặc bắt bớ, hãy vững lòng vì bạn đang bày tỏ quyền năng biến đổi của Đấng Christ. Chúa Jêsus chính là Đấng nắm giữ quyền phán xét cuối cùng. Và cũng hãy cầu nguyện cho hàng triệu anh chị em trên thế giới đang chịu khổ vì họ thuộc về Ngài.
Kính lạy Đức Chúa Trời vĩ đại và quyền năng, con thật vui mừng vì Ngài có năng quyền và thẩm quyền để biến đổi con người và hoàn cảnh của họ. Xin tha thứ cho con khi con quên tạ ơn Ngài. Con xin lỗi Ngài vì những lúc con chưa hết lòng nâng đỡ anh chị em trong Đấng Christ khi họ chịu khổ vì thuộc về Chúa Jêsus. Xin giúp con đối diện với thử thách từ những người chưa tin, họ có thể là những người sùng đạo và chân thành nhưng chưa biết đến Ngài. Và xin gìn giữ những Hội Thánh của Ngài hiện đang chịu bắt bớ. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus. A-men.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work