Kinh Thánh: Lu-ca 7:36-38
“Có một người Pha-ri-si mời Đức Chúa Jêsus ăn tại nhà mình. Vậy, khi đã vào nhà người Pha-ri-si thì Ngài ngồi bàn. Vả, có một người đàn bà xấu nết ở thành đó, nghe nói Đức Chúa Jêsus đương ngồi bàn tại nhà người Pha-ri-si, bèn đem đến một bình ngọc trắng đựng đầy dầu thơm. Người đứng đằng sau, nơi chân Đức Chúa Jêsus, khóc, sa nước mắt trên chân Ngài, rồi lấy tóc mình mà chùi; lại hôn chân Ngài, và xức dầu thơm cho.” (BTT)
Chúa Jêsus và các môn đồ của Ngài được mời đến dùng bữa tối với một nhà lãnh đạo tôn giáo (Luca 7:36-38). Chúng ta không biết động cơ của người Pha-ri-ri này là gì, phải chăng ông ấy muốn bảo trợ cho nhà truyền đạo lưu động hay để có cái nhìn sâu sắc hơn về Chúa Jêsus. Sau khi bữa ăn bắt đầu, một người phụ nữ không mời mà đến đi vào và đứng phía sau Chúa Jêsus. Người phụ nữ này vốn mang tiếng là xấu xa. Vì vậy, việc cô đến bữa tiệc tối sang trọng dù không được mời đã gây ra khá nhiều xôn xao. Chúa Jêsus và những vị khách khác ắt hẳn đang ngả lưng trên những chiếc ghế thấp và duỗi chân họ ra khỏi chiếc bàn trung tâm.
Những người sùng đạo được xã hội kính trọng sẽ không bao giờ đến gần cô trên đường phố và ngoài chợ, họ sẽ không muốn biết đến cô. Nhưng cô tin rằng Chúa Jêsus thì khác. Có lẽ cô đã nghe về bữa tối của Ma-thi-ơ (Lê-vi) dành cho Chúa Jêsus, nơi Ngài tiếp đón những người xấu xa và bại hoại (Lu-ca 5:29-30). Cô muốn biết Ngài, nhưng liệu Ngài có chấp nhận cô không? Khi đứng phía sau Chúa Jêsus, nước mắt của người phụ nữ đang khóc chảy xuống chân Ngài, cô dùng mái tóc không tết lau chân Ngài trước khi mở bình dầu thơm đắt tiền ra và đổ lên chân Chúa Jêsus.
Mọi người đã đặt những câu hỏi: “Tại sao cô ấy đến… tại sao cô ấy khóc… tại sao cô ấy đến gần Chúa Jêsus như vậy… tại sao lại dùng dầu thơm… và quan trọng nhất, tại sao Chúa Jêsus không từ chối cô ấy?” (Lu-ca 5:31-32). Phần còn lại của câu chuyện sẽ được hé lộ trong các bài tiếp theo, nhưng tại thời điểm này trong câu chuyện, tất cả những gì chúng ta biết là cô ấy đến vì muốn đến, cô ấy khóc vì không thể kìm được; và chúng ta biết rằng Chúa Jêsus hoàn toàn không khước từ cô (Lu-ca 19:10).
Chúa Jêsus không bao giờ từ chối bất kỳ ai thành thật đau buồn về tội lỗi của họ (Thi thiên 51:1-17). Họ đến và tin rằng Chúa Jêsus sẽ thương xót họ: họ tìm thấy lòng thương xót, ân điển và tình yêu thương dư đầy của Ngài. Tuy nhiên, việc dám đến với Chúa Jêsus, thành thật thú nhận tất cả tội lỗi mình thường là bước đầu tiên khó khăn nhất khi chúng ta tự hỏi liệu Cứu Chúa của thế gian có khước từ chúng ta hay không. Câu trả lời rất đơn giản: Chúa Jêsus chào đón tội nhân vì Ngài đã đến để chịu thay hình phạt của họ, làm cho lương tâm họ trắng trong và chào đón họ trở thành con cái của Đức Chúa Trời. II Cô-rinh-tô 5:21 chép rằng: “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.” Đó là lý do tại sao chúng ta có thể tự tin nói với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp rằng Chúa Jêsus đang chờ đợi tất cả những ai biết rằng họ không thể tự giải quyết nan đề của mình.
Kính lạy Cha thiên thượng. Thật tuyệt vời khi nghĩ rằng Chúa Jêsus đã không quay lưng với người phụ nữ này, hay thậm chí là xem thường hành động của cô; nhưng Ngài đã chấp nhận những giọt nước mắt và của lễ thờ phượng là dầu thơm được đổ ra. Tạ ơn Ngài vì Ngài không bao giờ từ chối bất kỳ ai thành thật về nan đề và tội lỗi của họ, bởi vì Chúa Jêsus là bạn hữu của tội nhân và là Cứu Chúa của những nguời bị hư mất. Xin giúp con biết rằng con quý giá như thế nào đối với Ngài, và vui mừng nói với người khác rằng Ngài cũng sẽ cứu họ. Khi mọi người đến để chia sẻ với con nỗi niềm của họ, nguyện con có thể mạnh dạn đem lại cho họ niềm hy vọng qua Đức Chúa Jêsus Christ, Đấng sẽ không bao giờ xua đuổi họ. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work