Kinh Thánh: Lu-ca 6:32-35
“Nếu các ngươi yêu kẻ yêu mình, thì có ơn chi? Người có tội cũng yêu kẻ yêu mình. Nếu các ngươi làm ơn cho kẻ làm ơn mình, thì có ơn chi? Người có tội cũng làm như vậy. Nếu các ngươi cho ai mượn mà mong họ trả, thì có ơn chi? Người có tội cũng cho người có tội mượn, để được thâu lại y số. Song các ngươi hãy yêu kẻ thù mình; hãy làm ơn, hãy cho mượn, mà đừng ngã lòng. Vậy, phần thưởng của các ngươi sẽ lớn, và các ngươi sẽ làm con của Đấng Rất Cao, vì Ngài lấy nhân từ đối đãi kẻ bạc và kẻ dữ.” (BTT)
Những câu có từ “nếu” trong Kinh Thánh được viết nhằm khiến chúng ta suy nghĩ về những lý lẽ mà chúng ta dùng để biện minh cho niềm tin và lối sống của mình. Chúa Jêsus đã khiến các môn đồ tập sự của Ngài suy nghĩ về lý do họ đối xử tốt với mọi người bằng cách cho họ thấy rằng họ có đời sống đạo đức của những “tội nhân”. Những người như vậy thường cho người khác những gì họ phải trả, yêu những người yêu họ, thể hiện lòng tốt với những người tử tế, và cho mượn miễn là họ sẽ được trả lại.
Đó là một phân tích không dễ nghe về bản chất và động cơ của con người, nhưng phân tích đó rất cần thiết. Hầu hết chúng ta sẽ không hoàn toàn thay đổi lối sống của mình trừ khi chúng ta bị tác động mạnh mẽ. Là những nhà lãnh đạo của Hội Thánh đầu tiên, những môn đồ này sẽ bày tỏ và giảng dạy một lối sống mà những người theo Do Thái giáo hay những người ngoại quốc chưa biết đến. Đó là một đời sống hy sinh quên mình như Chúa Jêsus (Phi-líp 2:3-5).
Chúa Jêsus đặt ra tiêu chuẩn cho đời sống mới: yêu kẻ thù mình, thể hiện lòng nhân từ và cho những người không có khả năng trả nợ vay tiền. Tại sao? Vì đó là bổn tánh của Chúa (Thi thiên 103:8-12). Trong vương quốc của Đức Chúa Trời, ân điển là nguyên tắc cai trị, là làm ơn cho những người không xứng đáng (II Cô-rinh-tô 8:9). Điều đó cũng dành cho chúng ta, bởi vì không ai trong chúng ta xứng đáng với tất cả những gì chúng ta trực tiếp và gián tiếp nhận được từ Đức Chúa Trời. Sự nhân từ của Ngài dành cho những người không xứng đáng, và sự khoan nhân của Ngài vượt quá khả năng báo đáp của chúng ta. Mặc dù Kinh Thánh Cựu Ước đã dạy về ân điển của Đức Chúa Trời (Ê-sai 26:10; Giô-na 2:8), nhưng phải đến khi Chúa Jêsus bày tỏ ân điển, con người mới thấy được ân điển đó như thế nào trong thực tế.
Các môn đồ học được rằng họ phải nhận được ân điển từ Chúa; họ không thể tự tìm kiếm ân điển. Và khi đã nhận được, giờ đây họ biết rằng họ phải bày tỏ tình yêu thương tương tự cho những người không xứng đáng. Chúa Jêsus nói rằng họ sẽ được ban thưởng đầy đủ, nhưng không phải trong đời này, dẫu vậy chúng ta đang hưởng lợi rất lớn từ việc trải nghiệm lòng tốt của Ngài bất chấp sự không xứng đáng, vô ơn và tội lỗi của chúng ta. Nếu chúng ta đã được như vậy, nếu chúng ta thực sự là con của Đấng Rất Cao, tại sao chúng ta lại không cư xử theo cách tương tự? Nơi làm việc có thể đem lại những cơ hội tuyệt vời để thực hành nguyên tắc này; hoặc bất cứ nơi nào có những kẻ bạc và kẻ dữ. Để sống được như vậy, cần phải có một sự lựa chọn chủ động: đó là lý do tại sao Chúa Jêsus ban cho chúng ta mạng lịnh để hành động. Tất cả những gì Ngài đang mong chờ là sự vâng lời của chúng ta ngay hôm nay.
Lạy Đức Chúa Trời nhân từ. Ngài đã làm cho con biết bao nhiêu điều, đặc biệt là khi con sống vô ơn và gian ác. Cảm ơn Chúa về ân điển Ngài đã bày tỏ trên thập tự giá mà qua đó con nhận được tình yêu của Ngài. Xin tha thứ cho con khi con không hết lòng bày tỏ tình yêu với những người có khả năng báo đáp con, và khi con quên rằng những kẻ bạc và kẻ dữ cần phải trải nghiệm lòng nhân từ của Ngài qua đời sống con. Xin giúp con từ bỏ tư lợi và vâng giữ mạng lịnh của Ngài mà không mong đợi bất kỳ sự đền đáp nào, ngoài việc biết rằng con đang làm theo ý muốn của Ngài. Nhân danh Chúa Jêsus. Amen!
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work