Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Ai là tên cướp?

Kinh Thánh: Mác 14:48-50

“Đức Chúa Jêsus cất tiếng phán cùng chúng rằng: Các ngươi đem gươm và gậy đến bắt ta như ta là kẻ trộm cướp. Ta hằng ngày ở giữa các ngươi, giảng dạy trong đền thờ, mà các ngươi không bắt ta; nhưng điều ấy xảy đến, để lời Kinh thánh được ứng nghiệm. Bấy giờ, mọi người đều bỏ Ngài và trốn đi cả.” (BTT)

Chúa Jêsus thường dạy bằng cách đặt câu hỏi. “Sao các ngươi bắt ta như thể ta dẫn đầu nhóm phản loạn?” bản NIV dịch rõ nghĩa hơn bản ESV: “Sao các ngươi bắt ta như bắt một tên trộm cướp…?” Ngài không phải là kẻ trộm, nhưng Ngài đến để đòi lại những gì đã bị đánh cắp và phá hỏng (I Giăng 3:8), tức là đòi lại thẩm quyền luật pháp từ các nhà lãnh đạo tôn giáo; đòi lại giao ước với Đức Chúa Trời từ quốc gia; và đòi lại linh hồn của loài người từ Sa-tan và đồng bọn của nó. Chiến thuật của Ngài không phải là những lời nói giấu giếm hay dối trá, mà là công khai tuyên bố lẽ thật cùng những dấu hiệu về quyền phép của Đức Chúa Trời (Giăng 14:11). Chúa Jêsus không phải là một tên trộm bí mật hay vụ lợi; lẽ ra đây là điều mọi người đều thấy (Giăng 10:10). Nhưng kẻ thù đã mù quáng trước nhiệm vụ của họ trong vụ cướp lớn nhất trên đất, đó là cất lấy Con một của Đức Chúa Trời.

Xác nhận tội ác của mình qua việc làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh là điều không nằm trong kế hoạch của họ, nhưng nó đã xảy ra. Ê-sai 53:8, được viết khoảng 700 năm trước đêm Chúa Jêsus bị phản bội ở vườn Ghết-sê-ma-nê, cho thấy Đức Chúa Trời biết điều gì sẽ xảy ra. Nhưng không chỉ có thế. Lời tiên tri không chỉ là cái nhìn thấu đáo của Đức Chúa Trời về tương lai, mà còn là kế hoạch của Ngài cho những tay sai của Sa-tan làm điều tồi tệ nhất để thiên đàng có thể phô bày điều tốt nhất. “Đồng đội” của Ngài là các môn đồ cũng sẽ gây thất vọng, nhưng Xa-cha-ri 13:7 đã báo trước sự yếu đuối của các môn đồ khi họ vấp phạm trong đêm đó (như Chúa Jêsus vừa nói trước với họ và được ghi lại trong Mác 14:27).

Tuy nhiên, đây cũng chính là Người đã dạy dỗ dân chúng mỗi ngày trong đền thờ. Ngài xuất hiện công khai, và hành động của Ngài với những người đổi bạc trong đền thờ, tức là những kẻ “biến nhà cầu nguyện của Đức Chúa Trời thành hang trộm cướp” (Mác 11:17), đã được nói trước trong Giê-rê-mi 7:11. Có lẽ Chúa Jêsus đã được cổ vũ bởi đám đông là nạn nhân của sự suy đồi tôn giáo. Lời kết án trong Ma-la-chi: “Các ngươi bị rủa sả, vì các ngươi, thảy cả nước, đều ăn trộm Ta.” (Ma-la-chi 3:9) là một lời tiên tri khác về lý do Chúa Jêsus bị bắt như một tên trộm cướp: Ngài đã nên sự rủa sả vì tội lỗi của chúng ta (Ga-la-ti 3:13) và đặc biệt là dân tộc Y-sơ-ra-ên đã cướp đi sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Thật tuyệt vời khi một tên cướp đã cùng Chúa Jêsus vào trong Nước của Ngài vì ông đã thừa nhận tội lỗi của mình và tin rằng Chúa Jêsus gánh thay tội của ông (Lu-ca 23:43).

Tình tiết nhỏ này làm nổi bật ít nhất hai sự thật quan trọng: thứ nhất, không có gì thoát khỏi sự chú ý của Đức Chúa Trời (thậm chí hàng trăm năm trước khi điều đó xảy ra); và thứ hai là bất cứ khi nào Đức Chúa Trời công bố kế hoạch của Ngài qua Lời Ngài, thì điều đó sẽ luôn xảy ra! Quyền tể trị phi thường của Đức Chúa Trời thật là đáng kinh ngạc đối với tất cả những ai sẽ tin cậy Chúa Jêsus và thật là đáng sợ đối với những ai không tin Ngài. Thật ngày nay chúng ta có thể tin rằng ý muốn của Chúa sẽ được thực hiện! Thậm chí Ngài còn sử dụng kẻ thù của Ngài để đem lại sự vinh hiển cho Ngài. Nhưng chủ đề về trộm cướp lặp đi lặp lại cho thấy chúng ta nên dò xét lòng mình kẻo chúng ta đang cướp tiền dâng phần mười hoặc lễ vật của Đức Chúa Trời; kẻo chúng ta sử dụng những gì Ngài đã ban cho vì vinh quang của chúng ta thay vì của Ngài.

Lạy Cha thiên thượng, con rất vui vì Ngài biết tất cả mọi thứ và sẽ làm bất cứ điều gì khiến Ngài đẹp lòng. Xin tha thứ cho con vì con cũng nằm trong số những kẻ cướp đoạt những gì không thuộc về mình và không làm vinh hiển danh Ngài. Xin cho lẽ thật của Ngài ngự trị lòng con hôm nay, để con có thể tin rằng tất cả mục đích của Ngài sẽ được thực hiện. Trong danh Chúa Jêsus. Amen!

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn