HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong quá trình truyền bá Tin lành?
Tại sao người Do Thái không bao giờ tin rằng Thượng Đế thành nhân là Chúa Giê-xu? Tại sao người Do Thái và người La Mã tìm đủ mọi cách triệt đường sống của Chúa Giê-xu?
ĐÁP:
“Mê-si-a” là từ có nguồn gốc từ tiếng Hê-bơ-rơ (Do Thái), có nghĩa là “Đấng Được Xức Dầu”. Trong tiếng Hy Lạp là từ Christos và trong tiếng Anh là Christ. Khi Chúa Giê-xu thực hiện công tác truyền bá Tin Lành, Ngài không che giấu thân phận Ngài là Đấng Mê-si-a.
Bằng chứng rõ ràng hơn hết về Chúa Giê-xu bày tỏ chính mình là Đấng Mê-si-a khi Ngài thực hiện công tác cá nhân chứng đạo với người đàn bà Sa-ma-ri. Chúa Giê-xu đã xác nhận với người đàn bà Sa-ma-ri rằng Ngài chính là Đấng Mê-si-a. “Người đàn bà thưa: Tôi biết rằng Đấng Mê-si (nghĩa là Đấng Christ) phải đến; khi Ngài đã đến, sẽ rao truyền mọi việc cho chúng ta. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta, người đang nói với ngươi đây, chính là Đấng đó.”(Giăng 4:25-26)
Ngoài ra, qua Mác 12:36 cho chúng ta biết Chúa Giê-xu đang dạy dỗ trong đền thờ thì Ngài đã trích dẫn Thi thiên 110:1 nói về chính Ngài là Đấng Christ ( Đấng Mê-si-a).
Một lần khác, Chúa Giê-xu hỏi các môn đồ: “Còn các ngươi thì xưng ta là ai?” Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: “Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống.” Qua những lời này Chúa khen Phi-e-rơ là được phước khi nói ra Ngài chính là Đấng Christ. (Ma-thi-ơ 16:15-16 )
Trong phiên tòa xét xử trước Cai-phe, Chúa Giê-xu bị hỏi: “…ngươi là Đấng Christ (Đấng Mê-si-a), Con Đức Chúa Trời đáng ngợi khen phải không? Đức Chúa Jêsus phán rằng:Ta chính phải đó…” (Mác 14:61,62) Chúa Giê-xu đã tuyên bố Ngài là Đấng Mê-si bằng lời chứng trực tiếp.
Đa số người Do Thái không tin Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời thành nhân, là Đấng Mê-si-a, Đấng Cứu Thế. Như lời Kinh Thánh đã chép: “Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy.” (Giăng 1:11)
Họ đã trông chờ Đấng Mê-si-a đến để giải phóng họ khỏi áp bức đô hộ của người La Mã. Do đó, lúc Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem, người ta đã tung hô Ngài vì họ tin rằng Ngài là vua, là Đấng Mê-si-a đến để đánh bại sự thống trị của La Mã và nắm giữ vị trí thống trị quốc gia Y-sơ-ra-ên. Nhưng họ đã thất vọng vì Chúa Giê-xu đã không làm điều họ trông đợi. Do đó, khi Ngài bị bắt bởi quân La Mã chỉ vài ngày sau, đám đông đã gào thét lên: “Đóng đinh nó trên cây thập tự đi.” ( Lu-ca 23:21)
Thành phần chống đối Ngài hơn cả là thành phần lãnh đạo tôn giáo Do Thái, người Pha-ri-si, thầy thông giáo, chính họ lập mưu cùng chính quyền La Mã để giết Ngài. Các lãnh đạo tôn giáo Do Thái muốn tiêu diệt Chúa Giê-xu bởi vì họ cho rằng Ngài phạm thượng, xưng mình là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời.
Trong khi đó, người La Mã, những người đang cai trị Israel-Palestine vào thời điểm đó, giết Chúa Giê-xu vì lý do chính trị. Ngài bị coi là mối đe dọa chính trị như họ đã giết nhiều nhà tiên tri, kẻ cướp, kẻ nổi loạn khác trong thế kỷ thứ nhất.
Chúa Giê-xu được cho là người gây náo loạn trong đền thờ, trung tâm chính của đời sống Do Thái. Ngài bị bắt vì tội phản quốc và bị đóng đinh, một hình thức hành quyết phổ biến đối với những tên tội phạm bị kết án thời bấy giờ.