1. Sơ lược bối cảnh và chức vụ của Mi-chê:
Tên riêng của Mi-chê có nghĩa là “Ai như Gia-vê” . Với tên nầy, cha mẹ ông muốn tôn vinh tính cách vô song của Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Thật vậy, đời sống của Mi chê càng tôn vinh danh Chúa với bản tánh tha thứ vô song và thành tín vô song của Đức Chúa Trời (Mi-chê 7:18-20).
Quê hương của Mi-chê là Mô-rê-sết-Gát (1:1, 14), một ngọn đồi khá đồ sộ, cao hơn mặt biển khoảng 400m phía tây nam Giu đa, cách Giê-ru-sa-lem khoảng 35 km.
Mi-chê nói tiên tri tại Giu-đa suốt thời trị vì của vua Giô-tham, vua A-cha và vua Ê-xê-chia (II Các Vua 15-18).
Sứ điệp của Mi-chê:
- Dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa sẽ bị đoán phạt vì tội thờ lạy hình tượng và sự bất công trong xã hội.
- Rồi đến một thời điểm Đức Chúa Trời sẽ giải cứu và phục hồi dân Ngài bởi một Đấng ra từ Bết-lê-hem (5:1) . Đấng ấy sẽ thiết lập vương quốc của Đức Chúa Trời trên đất.
- Mi-chê 1-3: Mi-chê công bố sự đoán phạt sắp đến.
- Mi-chê 4-5: Dân Y-sơ-ra-ên sẽ phục hồi trong tương lai.
- Mi-chê 6-7: Kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên ăn năn.
- Qua sứ điệp Mi-chê kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên và chúng ta hãy nhớ rằng:
- Sự đoán phạt là chắc chắn – vì sự bất trung của họ.
- Sự phục hồi cũng chắc chắn – vì sự thành tín của Đức Chúa Trời.
2. Thực trạng dân sự:
Mi-chê đã thẳng thắn nói lên tình trạng sa đọa của dân tộc mình khi họ bất kính với Đức Chúa Trời qua nếp sống hung bạo, tham lam, cứng lòng không chịu lắng nghe lời Chúa. Sự ghen ghét, nghịch thù, bội tín dấy lên ngay trong gia đình… mọi thứ sẽ sụp đổ! Không tìm được sự yêu thương hay an ủi từ người nhà mình (7:1-6).
Mặc dầu tình trạng dân Y-sơ-ra-ên rất tồi tệ, nhưng Mi-chê vẫn không từ bỏ lòng tin cậy Đức Chúa Trời, cứ nhìn xem và chờ đợi sự giải cứu của Chúa vì ông tin rằng Đức Chúa Trời sẽ nghe. Vì chính Ngài là nguồn hy vọng cho Mi-chê và là sự phục hồi cho dân tộc của ông.
Suy gẫm:
- Ngày nay khi nhìn thấy thực trạng xã hội cũng như ngay trong gia đình, chắc chúng ta rất nặng lòng về sự sa đọa đạo đức, sa sút đời sống thuộc linh của con dân Chúa cả sự nguội lạnh trong tình yêu đối với Chúa. Nhưng hãy hết lòng tin cậy, cầu nguyện ăn năn, chắc chắn Chúa sẽ giải cứu và bảo vệ chúng ta.
- Giữa xã hội mà con người ngày càng xa cách Đức Chúa Trời, để giữ được lòng yêu kính và tôn thờ Chúa như Mi-chê thật không dễ dàng đâu! Tạ ơn Chúa vì chẳng ai giống như Ngài, tha thứ tội ác và bỏ qua sự vi phạm của dân Ngài, Chúa không phẫn nộ đời đời, vì Ngài lấy sự nhân từ làm vui thích (7:18).
- Xin hãy nhớ Ngài đã dạy: “Cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi, há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?” (6:8).
3. Mi-chê – một tiên tri trung tín và can đảm
Theo I Các vua 22:13-28
A-háp, vua Y-sơ-ra-ên, muốn liên minh với Giô-sa-phát, vua Giu-đa, để tấn công Ra-mốt trong Ga-la-át. Hai vua đã mời 400 tiên tri đến để hỏi ý Đức Chúa Trời về cuộc chiến nầy và nhận được câu trả lời: Chúa sẽ phó Ra-mốt trong Ga-la-át vào tay vua!
Nhưng vua Giô-sa-phát không cảm thấy yên tâm nên muốn hỏi thêm một tiên tri nào khác của Đức Chúa Trời, và A-háp đã đồng ý mời tiên tri Mi-chê đến cho dù vua ghét vị tiên tri nầy.
Trước khi ra mắt hai vua, tiên tri Mi-chê đã được dặn dò phải nói theo ý vua A-háp giống như 400 tiên tri kia đã nói, nhưng Mi-chê khẳng định: vì ông là tiên tri của Đức Chúa Trời nên ông chỉ nói những điều Đức Chúa Trời muốn ông nói.
Khi diện kiến hai vua, Mi-chê nhận biết sự giả hình của A-háp nên Mi-chê đã mỉa mai rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho A-háp đắc thắng! Tuy nhiên, sau đó ông đã nói lời tiên tri kinh khủng về trận chiến nầy và đã tố cáo sự giả dối của 400 tiên tri kia.
Mi-chê đã kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên hãy ăn năn, nếu không thì con cái họ sẽ bị bắt lưu đày. Thật vậy, dân Y-sơ-ra-ên đã bị quân Asiri bắt đem lưu đày năm 722 TC. Dân Giu-đa cũng bị quân Ba by lôn bắt lưu đày năm 586 TC. Dẫu đã được cảnh báo, nhưng tiếc thay Giê-ru-sa-lem và Giu đa đã không nghe nên họ phải chịu sự đoán phạt nặng nề nầy.
Suy gẫm: Qua số phận khốn khổ của Y-sơ-ra-ên và Giu đa là bài học thức tỉnh chúng ta ngày nay, mỗi người có quyền lựa chọn: Chọn sự tin kính, tôn thờ và vâng lời Đức Chúa Trời hay xem thường những mạng lịnh và lời cảnh báo của Đức Chúa Trời?
Khi trung tín với Chúa, lời Chúa và chức vụ Chúa ban, cũng chính là lúc ông chịu sỉ nhục, bắt bớ và bị giam vào ngục. Tuy nhiên, Mi-chê vẫn tiếp tục cảnh báo, trung tín kêu gọi mọi người lắng nghe và mau ăn năn trở về với Chúa.
4. Mi-chê là gương mẫu cho đời sống làm sáng danh Chúa:
Kính sợ Chúa: Đặt Danh Chúa, ý Chúa, mạng lịnh Chúa là trên hết, phải vâng lời tuyệt đối. (Như gương Phi-e-rơ, khi bị tòa công luận cấm rao giảng Phúc âm, ông đã trả lời rằng: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời, hơn là vâng lời người ta”(Công vụ 5:29).)
Trung tín trong chức vụ: Dù phải gặp sự chống đối, vu oan, hăm dọa hay tù đày, Mi-chê vẫn một lòng sắt son trung tín với Chúa, rao giảng lời Chúa như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời. Xin Chúa ban lòng yêu Chúa, đức tin vững vàng để chúng ta làm trọn phần công tác Chúa giao, quyết chẳng để bất cứ cám dỗ ngăm đe nào làm lung lạc đức tin nơi Chúa.
Sẵn sàng chịu khổ vì Chúa: Là tôi con Chúa, chúng ta không được miễn trừ những khó khăn bắt bớ, cũng là kinh nghiệm của Sứ đồ Phao-lô: II Ti-mô-thê 3:12 “Vả, những kẻ muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Jesus thì sẽ bị bắt bớ.”
Xin Chúa cho chúng ta học theo gương mẫu của Tiên tri Mi-chê:
- Sẵn lòng phục vụ Chúa dầu giữa hoàn cảnh rất khó khăn.
- Trung tín rao ra sứ điệp cách trung thực theo ý Chúa dầu gặp sự chống đối.
- Dầu giữa bao người sa sút, bất kính với Chúa nhưng lòng vẫn tin kính Chúa.
- Không từ bỏ niềm hy vọng nơi Đức Chúa Trời vì lòng nhân từ Ngài còn đến đời đời.
- Luôn tin vào sự tha thứ của Đức Chúa Trời vì Ngài ném hết thảy tội lỗi xuống đáy biển sâu (7:19).
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)