Kinh Thánh: Lu-ca 15:25-32
“Vả, con trai cả đương ở ngoài đồng. Khi trở về gần đến nhà, nghe tiếng đàn ca nhảy múa, bèn gọi một đầy tớ mà hỏi cớ gì. Đầy tớ thưa rằng: Em cậu bây giờ trở về, nên cha cậu đã làm thịt bò con mập, vì thấy em về được mạnh khoẻ. Con cả liền nổi giận, không muốn vào nhà. Vậy cha nó ra khuyên nó vào. Nhưng nó thưa cha rằng: Nầy, tôi giúp việc cha đã bấy nhiêu năm, chưa từng trái phép, mà cha chẳng hề cho tôi một con dê con đặng ăn chơi với bạn hữu tôi. Nhưng nay con của cha kia, là đứa đã ăn hết gia tài cha với phường điếm đĩ rồi trở về, thì cha vì nó làm thịt bò con mập! Người cha nói rằng: Con ơi, con ở cùng cha luôn, hết thảy của cha là của con. Nhưng thật nên dọn tiệc và vui mừng, vì em con đây đã chết mà lại sống, đã mất mà lại thấy được.” (BTT)
Ẩn dụ về “người con trai hoang đàng” (Lu-ca 15:11-32) giờ bị lu mờ bởi “đứa con trung thành” nhưng cộc cằn khó chịu. Trong số hai cậu con trai, người em thì hoang phí tài sản thừa kế của cha mình trong khi người anh vẫn làm việc trong trang trại. Nhưng thái độ của người anh đối với sự trở về của em là tức giận và khinh bỉ. Người anh vô cùng ghen tị trước tình yêu lớn lao mà người Cha dành cho người em, là người không xứng đáng được nhận (I Giăng 3:1).
Khi tranh cãi với cha, người con trai lớn bộc lộ thái độ bất bình và sự vâng phục miễn cưỡng khi phản bác rằng anh chưa bao giờ được tổ chức bữa tiệc nào với bạn bè như một phần thưởng cho sự giúp việc chu đáo của mình. Người cha khôn ngoan trả lời rằng toàn bộ gia sản thuộc về cả gia đình; nhưng đối với người em đã từ bỏ gia đình và sau đó trở về nhà thì phải dọn tiệc mừng. Bữa tiệc là một món quà công khai cho thấy rằng địa vị của người em đã được phục hồi hoàn toàn trong gia đình. Mặc dù người anh được mời tham gia, nhưng câu chuyện không tiết lộ phản ứng cuối cùng của người anh. Chúa Jêsus cố ý kết thúc câu chuyện “mở” để có thể tác động đến những thầy thông giáo, để họ tự hỏi liệu họ thực sự có mối quan hệ với Đức Chúa Trời hay không, như Chúa Jêsus đã chào đón những người thu thuế tham nhũng và những người vô đạo đức (Lu-ca 15:1-2).
Ẩn dụ này cho thấy ân điển của Đức Chúa Trời dành cho những tội nhân ăn năn. Người con trai lớn đại diện cho thầy thông giáo Y-sơ-ra-ên, họ đã làm những điều đúng đắn nhưng động cơ thì không đúng. Họ không thể nhìn thấy bất kỳ cách nào để được ơn của Đức Chúa Trời ngoài việc tuân giữ luật pháp, và họ phẫn nộ với cách mà Chúa Jêsus ân cần tiếp đón tội nhân. Khi Hội Thánh được thành lập, suy nghĩ đó tiếp tục cản trở nhiều người khi họ muốn đặt đức tin nơi Chúa Jêsus; sự dạy dỗ của các sứ đồ đã phá huỷ việc tuân giữ luật pháp (Ga-la-ti 3:1-6).
Từ lúc đó, Hội Thánh có xu hướng tuân thủ luật pháp quá nghiêm ngặt theo nhiều cách, tìm cách kiểm soát tín đồ bằng những quy tắc mà Chúa Jêsus không hề phán dạy (Lu-ca 11:46) và làm người tin xa rời Phúc Âm. Ngày nay, nhiều người sẽ tuyên xưng niềm tin nơi Đức Chúa Trời (Gia-cơ 2:19). Tuy nhiên, điều quan trọng cần phải hiểu là sự cứu rỗi là món quà miễn phí của Đức Chúa Trời chứ không phải bởi những việc lành, sự cứu rỗi duy chỉ bởi ân điển của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:8-9). Những người không thể chấp nhận điều này cũng giống như người con trai lớn, không nhìn thấy xa hơn điều tốt mình làm. Những người được tái sinh bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời thì giống như người em, họ thừa nhận tội lỗi của mình và tìm kiếm sự tha thứ như một phần bình thường trong vai trò môn đồ hoá của họ. Nhưng hãy nhớ rằng nhiệm vụ của chúng ta không phải là đánh giá người khác, hoặc đánh giá mức độ phù hợp của họ với ơn của Đức Chúa Trời. “Nhưng Đức Giê-hô-va phán cùng Sa-mu-ên rằng: Chớ xem về bộ dạng và hình vóc cao lớn của nó, vì ta đã bỏ nó. Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng” (I Sa-mu-ên 16:7). “Tuy vậy, nền vững bền của Đức Chúa Trời đã đặt vẫn còn nguyên, có mấy lời như ấn đóng rằng: Chúa biết kẻ thuộc về Ngài; lại rằng: Phàm người kêu cầu danh Chúa thì phải tránh khỏi sự gian ác” (II Ti-mô-thê 2:19).
Lạy Đức Chúa Trời. Cảm ơn vì tình yêu bao la của Ngài đối với tội nhân. Cảm ơn vì Ngài đón nhận, tha thứ và phục hồi mối quan hệ cho tất cả những ai ăn năn. Xin tha thứ cho con khi con đánh giá người khác, cho rằng họ không xứng đáng với ân điển của Ngài vì lý do gì đó. Xin giúp con biết giá trị ân điển mà con đã nhận được qua sự hy sinh của Chúa Jêsus, để con tôn kính lòng nhân từ của Ngài đối với con mỗi ngày và vui mừng khi thấy những người khác cũng đón nhận tình yêu thương của Ngài. Trong danh Chúa Jêsus. Amen!
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work