Kinh Thánh: Lu-ca 13:34-35
“Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các tiên tri, và quăng đá các đấng chịu sai đến cùng ngươi, ghe phen ta muốn nhóm họp con cái ngươi, như gà mái túc và ấp con mình dưới cánh, mà các ngươi chẳng muốn! Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang. Ta nói cùng các ngươi, các ngươi không còn thấy ta nữa cho đến chừng nào sẽ nói rằng: Phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến!” (BTT)
Tình yêu thật là luôn hy vọng người mình yêu sẽ đáp lại, nhưng không bao giờ đòi hỏi điều đó. Sự sâu nhiệm của tình yêu thật không bị tàn phai bởi sự im lặng, thờ ơ hay thậm chí là thù địch; nhưng sau cùng, niềm vui trong hy vọng có thể phải nhường chỗ cho nỗi đau. Tình yêu của Đức Chúa Trời với dân Y-sơ-ra-ên trải dài theo dòng lịch sử dù dân sự của Ngài không đáp lại bằng sự trung tín (Ô-sê 11:1-3). Tiên tri Ô-sê được Chúa chỉ dẫn để yêu và kết hôn với một người vợ ngoại tình, để ông biết Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào về dân sự của Ngài (Ô-sê 3:1). Bất chấp nhiều phước lành và lời hứa, Y-sơ-ra-ên vẫn từ chối tình yêu của Đức Chúa Trời; mặc dù để cho dân sự bị lưu đày, nhưng tình yêu của Đức Chúa Trời vẫn bền vững; Ngài hứa rằng Ngài sẽ khôi phục những ai trở lại với tình yêu của Ngài (Ê-sai 57:18).
Giờ đây, chúng ta đọc về Chúa Jêsus khi Ngài nhìn khắp thành Giê-ru-sa-lem với nỗi đau của Đức Chúa Cha trong lòng Ngài. Bất chấp dòng lịch sử lâu dài của thành về việc giết hại các tiên tri tin kính, Chúa Jêsus yêu Giê-ru-sa-lem vì Đức Chúa Cha đã chọn nơi này để bày tỏ Danh Ngài (II Sử Ký 6:6). Việc họ từ chối Đấng Mết-si-a, là Đấng họ đã chờ đợi suốt dòng lịch sử, đã khiến Đức Chúa Trời mời dân ngoại trở nên một phần của dòng dõi Y-sơ-ra-ên. Tất cả những ai tin cậy Chúa Jêsus sẽ thuộc về gia đình Đức Chúa Trời (Rô-ma 11:17-19). Bởi vậy Giăng viết: “Ngôi Lời ở thế gian, và thế gian đã làm nên bởi Ngài; nhưng thế gian chẳng từng nhìn biết Ngài. Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy. Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời…” (Giăng 1:10-12).
Chúa Jêsus là hiện thân toàn hảo cho Danh của Đức Chúa Trời, Ngài yêu thương thành cùng dân cư của thành và mong muốn làm Cứu Chúa của họ, nhưng họ hoàn toàn không muốn tình yêu của Ngài. Nỗi đau đó lớn đến mức nào? Nó còn hơn cả nỗi đau của cha mẹ có đứa con hư hỏng, hay người vợ có chồng không chung thủy. Chỉ vài tháng sau đó, vào ngày Chúa nhật Lễ Lá, Chúa Jêsus đã trở lại nơi đó và lặp lại lời kêu than từ tận đáy lòng: “Khi Đức Chúa Jêsus gần đến thành, thấy thì khóc về thành, và phán rằng: Ước gì, ít nữa là ngày nay, mầy đã hiểu biết sự làm cho mầy được bình an! Song hiện nay những sự ấy kín giấu nơi mắt mầy” (Lu-ca 19:41-42).
Chỉ trong 40 năm sau lời tuyên bố của Chúa Jêsus, Giê-ru-sa-lem đã bị phá hủy và cư dân của thành phải chạy trốn. Ngày nay, thành phố bị chia cắt. Nhưng trong ngày Chúa Jêsus trở lại, Xa-cha-ri 14:4 nói rằng chân Ngài sẽ đứng trên núi Ô-li-ve. Khi đó “mọi mắt sẽ trông thấy Ngài” (Khải huyền 1:7), và sẽ than khóc vì họ nhận ra sự kinh hoàng khi đánh mất cơ hội đáp lại tình yêu của Đức Chúa Trời. Vì vậy, càng có thêm lý do để chúng ta nhận biết Ngài, để Ngài “dang cánh che chở chúng ta”, và khuyến khích những người khác làm điều tương tự là đón nhận tình yêu của Ngài và nhận lãnh ân điển của Ngài. Việc làm dại dột nhất trên thế giới là khinh thường tình yêu của Đức Chúa Trời.
Lạy Đức Chúa Trời yêu thương. Cảm ơn Ngài vì tình yêu quá đỗi lớn lao của Ngài dành cho con. Xin tha thứ vì những lần con từ chối ân điển và khước từ tình yêu của Ngài. Con chắc đã làm Ngài đau buồn biết bao. Xin cho con nhận thức mới về việc đón nhận lòng nhân từ yêu thương của Ngài dành cho con trong Đấng Christ, và xin ban Thánh Linh Ngài để con thêm lòng ham thích tình yêu của Ngài. Xin cho con sống mỗi ngày với lời hứa Đấng Christ sẽ trở lại và khuyến khích những người khác cũng sống như vậy. Trong danh Chúa Jêsus. Amen!
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work