Kinh Thánh: Lu-ca 11:1
“Có một ngày, Đức Chúa Jêsus cầu nguyện, ở nơi kia. Khi cầu nguyện xong, một môn đồ thưa Ngài rằng: Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu nguyện, cũng như Giăng đã dạy môn đồ mình.” (BTT)
Lu-ca viết về đời sống cầu nguyện của Chúa Jêsus nhiều hơn tất cả các trước giả Phúc Âm khác. Có 22 lần ông đề cập đến đời sống cầu nguyện của Chúa Jêsus, bắt đầu từ phép báp-têm của Ngài (Lu-ca 3:21) đến lời cầu nguyện của Ngài trên thập tự giá để những quân lính đóng đinh Ngài được tha thứ (Lu-ca 23:34). Trước giả kiêm nhà truyền giáo này không phải là một trong những môn đồ ở bên cạnh Chúa Jêsus, vì vậy, ông đã có được thông tin của mình từ các cuộc phỏng vấn với những người chứng kiến tận mắt (Lu-ca 1:1-4). Cứ như thể ông đã đặt câu hỏi: “Bạn ấn tượng điều gì nhất về Chúa Jêsus?”, và nhận được câu trả lời: “Ngài luôn cầu nguyện!”
Chúng ta biết rằng mặc dù Chúa Jêsus cầu nguyện trong những thời điểm khó khăn, nhưng đó cũng là một phần trong thói quen thường nhật của Ngài (Lu-ca 5:16), đôi khi ở nơi công cộng, và thường là ở nơi riêng tư. Những thì giờ cầu nguyện như vậy rõ ràng là khác với cách thức cầu nguyện của các thầy thông giáo nhưng giống với Giăng Báp-tít nhiều hơn. Sự cầu nguyện đó có sự thân mật sâu sắc với Đức Chúa Trời, tác động đến cá nhân người cầu nguyện. Có sự thỏa lòng vô cùng trong mối tương giao hai chiều, trái ngược với sự sùng đạo khoa trương của các nhà lãnh đạo tôn giáo, những người nghĩ rằng Đức Chúa Trời thích những lời cầu nguyện được lặp đi lặp lại (Ma-thi-ơ 6:5-8).
Mặc dù các môn đồ đã nghe lời cầu nguyện công khai của Ngài (một số lời cầu nguyện được ghi chép lại cho chúng ta), nhưng họ muốn biết mục đích thật sự của việc cầu nguyện cũng như cách cầu nguyện. Họ muốn giống như Chúa Jêsus và được hưởng sự thân mật sâu sắc với Đức Chúa Cha như Ngài. Họ đã tận dụng cơ hội để đặt câu hỏi sau khi Ngài trở về từ một địa điểm cầu nguyện ưa thích. Tấm gương và sự kỷ luật của Ngài đã gây ấn tượng với họ, và họ muốn tìm hiểu sự mầu nhiệm về mối quan hệ của Ngài với Đức Chúa Cha.
Ngày nay, nhiều người có thể ghen tị với đời sống cầu nguyện của một người tin kính, nhưng lại nghĩ rằng bản thân họ không thể trở nên gần gũi với Đức Chúa Trời. Những người khác có thể đã rời xa mối quan hệ thân thiết đó và cảm thấy không tự tin để quay lại. Vì vậy, những bài học của Chúa Jêsus về cách cầu nguyện vẫn có giá trị từ xưa đến nay. Ngài mở ra con đường đến với Đức Chúa Trời, và khích lệ chúng ta thành thật với Đức Chúa Cha là Đấng yêu thương chúng ta. Tuy nhiên, một số người không còn khao khát điều đó. Có lẽ tấm gương của bạn trong nhóm thông công Cơ Đốc tại nơi làm việc hoặc nhóm học Kinh Thánh tại địa phương là cơ hội để họ nhìn thấy sự cầu nguyện của những người tin kính, lắng nghe những lời khẩn cầu và chứng kiến sự đáp lời của Đức Chúa Trời. Vì vậy, trước tiên hãy làm mới lại đời sống cầu nguyện của chính bạn và rồi để những người khác cũng được khích lệ trong đời sống cầu nguyện của họ.
Kính lạy Đức Chúa Trời từ ái. Tạ ơn Ngài vì Ngài muốn có một mối liên hệ cá nhân với con. Xin tha tội cho con khi con không biết cách đến gần Ngài, hoặc khi con biết cách nhưng khước từ lời kêu gọi của Ngài. Khi con cầu nguyện với Ngài, xin giúp con có sự giao tiếp cởi mở thực sự, được thiết lập bởi Đức Chúa Jêsus Christ khi Ngài chết để đền tội thay cho con. Tạ ơn Chúa vì đời sống cầu nguyện của những người tin kính đã khích lệ con và khiến con khao khát được nếm biết Ngài nhiều hơn. Xin cho con cũng là một tấm gương tin kính khích lệ những người tin Chúa xung quanh con để họ cũng muốn dành thời gian cầu nguyện với Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work