Kinh Thánh: Lu-ca 6:6-7
“Một ngày Sa-bát khác, Đức Chúa Jêsus vào nhà hội dạy dỗ. Tại đó, có một người bàn tay hữu bị teo. Vả, các thầy thông giáo và người Pha-ri-si chăm chỉ xem Ngài, coi thử Ngài có chữa bịnh trong ngày Sa-bát chăng, để tìm dịp mà cáo Ngài.” (BTT)
Chúa Jêsus đến “nhà thờ” (nhà hội) để giải thích cho mọi người Lời Đức Chúa Trời (Lu-ca 4:16-21). Hội chúng đã rất ngạc nhiên khi Kinh Thánh trở nên sống động. Các nhà lãnh đạo tôn giáo nghĩ rằng chẳng có gì để họ học hỏi cả, nhưng họ đến để bắt bẻ Ngài. Họ không mở lòng tiếp nhận bất kỳ thông điệp nào từ Đức Chúa Trời để có thể hiểu điều các tiên tri trong Cựu Ước đã viết về Chúa Jêsus. Trái lại, tấm lòng của họ cứng cỏi. Họ cho rằng Chúa Jêsus là một mối đe dọa không thể chấp nhận đối với thẩm quyền và cơ cấu quyền lực của họ. Dĩ nhiên Ngài cần phải bị loại trừ một cách hợp pháp; và vì vậy họ xem xét rất kỹ từng lời nói và hành động của Ngài hầu tìm ra lý do chính đáng để giết Ngài.
Chúng ta không biết liệu những người Pha-ri-si và các thầy thông giáo có “gài” người đàn ông tàn tật vào hội chúng hay không, nhưng chắc chắn họ nghĩ rằng ông có thể thu hút sự chú ý của Chúa Jêsus. Họ đã đến để xem Chúa Jêsus sẽ làm gì. Nếu Ngài chữa lành cho ông, họ sẽ báo cáo với tòa án tôn giáo vì Ngài đã vi phạm luật Sa-bát khi “làm việc trong ngày Sa-bát” (Mác 3:2). Họ thật vô lý! Họ đến nhà thờ để bắt bớ Con Trời và dùng lòng nhân từ của Ngài như một công cụ để buộc tội Ngài. Họ không có lòng thương xót đối với người đàn ông bị liệt tay, bất chấp lời dạy của Chúa là phải tử tế với những người tàn tật (Lê-vi Ký 19:14).
Tôn giáo không có Đấng Christ (nghĩa là tôn giáo không tận hiến cho sự thờ phượng và phục vụ Chúa Jêsus) sẽ luôn luôn hành xử theo cùng một cách. Chúa Jêsus và các môn đồ của Ngài là mối đe dọa cho những ai không yêu mến Ngài (Giăng 16:1-4). Ngài là chướng ngại vật cho niềm kiêu hãnh và quyền lực của họ. Điều đó không bao giờ nên xảy ra trong Hội Thánh của Đức Chúa Jêsus Christ, nhưng nó sẽ xảy ra nếu con người quên rằng Chúa Jêsus thực sự là Chúa. Những cơ cấu từng hữu ích trong việc phục vụ Đấng Christ giờ đây trở thành nền tảng quyền lực phục vụ lợi ích chính trị cá nhân. Khi đó sự phục vụ sẽ bị nhấn chìm bởi những kế hoạch không liên quan đến Chúa Jêsus. Ở mức cực đoan, Lời Ngài bị gạt bỏ bởi “những nhà tư tưởng khôn ngoan”, là những người phát minh ra “những phương cách hiện đại” mà Ngài sẽ không bao giờ thực hiện (Ê-sai 5:21; Rô-ma 1:22). Trong khi đó, những người nói ra sự thật sẽ bị chỉ trích hoặc tệ hơn giống như những gì đã xảy ra với Chúa Jêsus.
Mỗi tín hữu cần cảnh giác với nguy cơ giả vờ đứng về phía Đức Chúa Trời nhưng lại không đồng ý với điều Lời Đức Chúa Trời nói về Chúa Jêsus. Các nhà lãnh đạo Cơ Đốc đặc biệt dễ mắc phải sai lầm này. Và nếu đúng như vậy thì hãy cầu nguyện cho những người nghĩ rằng họ nói về Chúa nhưng họ không có hy vọng vào Đấng Christ. Thật đúng đắn khi cho rằng Chúa Jêsus rộng lượng với những kẻ hành quyết Ngài (Lu-ca 23:34) hơn là với những nhà lãnh đạo tôn giáo (Lu-ca 11:37-53).
Lạy Chúa Tối Cao! Cảm ơn Ngài đã sai Chúa Jêsus đến để bày tỏ chân lý và mở đường sống cho tất cả những ai tin Ngài. Xin tha thứ cho con khi con cứng lòng đối với Lời Ngài và đẩy Chúa Jêsus ra khỏi ngai lòng của con. Xin tha thứ khi con chỉ trích tình yêu thương và lòng thương xót của Ngài, không vui mừng khi Ngài ban phước cho người khác. Xin ban cho con tấm lòng háo hức muốn nghe Lời Ngài và nhanh chóng vâng theo, vui mừng trước những hành động diệu kỳ của Ngài. Con cũng cầu nguyện cho những ai cứng lòng đối với Chúa Jêsus: xin hãy mở mắt họ để họ nhìn thấy Ngài. Nhân danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work