Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Mác

Kinh Thánh: Mác 14:51-52; Công vụ 12:23-13:3, 15:36-39; Cô-lô-se 4:10; II Ti-mô-thê 4:11; I Phi-e-rơ 5:13

Mác dường như được xem là nhân vật phụ trong Kinh Thánh dù chính ông là trước giả của Phúc âm Mác. Thật ra, đối với Chúa, mỗi người đều được Chúa quan tâm, mỗi nhân vật trong Kinh Thánh đều là những nhân vật “chính” trước mắt Chúa.

Mác là một tấm gương tuyệt vời cho thấy rằng những Cơ Đốc nhân chưa trưởng thành hay đã từng làm những điều dại dột có thể trở nên công cụ hữu ích trong tay Chúa.

Hoàn Cảnh Gia Đình

Mác còn gọi là Giăng Mác. Giăng là tên Do Thái; Mác (Marcus) theo tiếng La-tin nghĩa là búa lớn, một tên quen thuộc của người La-mã, tên nầy có lẽ đặt lúc Mác ở thành An-ti-ốt với Phao-lô và Ba-na-ba, và tỏ ra là công dân La Mã như Phao-lô.

Trong Kinh Thánh, lần đầu tiên Mác được nhắc đến là con trai của một người phụ nữ tên Ma-ri. Khi Phi-e-rơ được cứu ra khỏi ngục thì đến “nhà Ma-ri, mẹ của Giăng, cũng gọi là Mác, là nơi có nhiều người đang nhóm lại cầu nguyện.” (Công vụ 12:12) Như vậy, mẹ của Mác là một Cơ Đốc nhân giàu có và được tiếng tốt trong Hội Thánh Giê-ru-sa-lem. Thật là phước hạnh khi Mác ở trong gia đình tin kính và có người mẹ yêu mến Chúa như vậy.

Ngoài ra, Mác được ảnh hưởng đức tin bởi chính sứ đồ Phi-e-rơ. Mác có mối liên hệ thân thiết với Phi-e-rơ, như con tinh thần của ông, vì chính Phi-e-rơ đã nhắc đến “Mác là con tôi.” (I Phi-e-rơ 5:13) Mác cũng là anh em chú bác với Ba-na-ba (Cô-lô-se 4:10).

Những Năm Phục Vụ Chúa

Mác là người âm thầm đi theo Chúa Jêsus. Dù không có bằng cớ là một trong 70 môn đồ được Chúa sai đi, nhưng chắc hẳn Mác đã giấu mình theo Chúa. “Có một người trẻ tuổi kia theo Ngài, chỉ có cái khăn bằng gai trùm mình; chúng bắt người. Nhưng người bỏ khăn lại, ở truồng chạy trốn khỏi tay chúng.” (Mác 14:51-52) Chàng trai trẻ bỏ chạy chính là Mác. Mác đã giấu tên và chỉ chép một sự kiện mình từng biết rất rõ. Phúc âm của ông là Phúc âm duy nhất ghi chú về câu chuyện này. Cuộc chạy trốn của Mác như một hình ảnh tiêu biểu cho các sứ đồ khác đã bỏ rơi Chúa Jêsus để thoát khỏi hậu quả vì liên hệ với Ngài trong đêm Ngài bị phản nộp.

Tuy nhiên, dấu ấn phục vụ Chúa của Mác đó là ông đã tình nguyện tham gia cùng Ba-na-ba và Phao-lô khi họ bắt đầu cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên từ An-ti-ốt (Công vụ 12:25); trước giả Lu-ca đã ghi lại: “cũng có Giăng cùng đi để giúp cho” (Công vụ 13:5). Ông dùng từ “ὑπηρέτης/hupēretēs” có nghĩa là đầy tớ, người chèo dưới hay người chèo phụ để nói về công việc phục vụ của Mác khi tham gia với Ba-na-ba và Phao-lô. Không nghi ngờ, Mác là một người có lòng sốt sắng về công việc Chúa.

Nhưng khi Phao-lô và các bạn đồng hành từ Ba-phô đáp tàu đến Bẹt-giê trong xứ Bam-phi-ly thì Giăng Mác đã “lìa hai người, trở về thành Giê-ru-sa-lem” (Công vụ 13:13). Kinh Thánh không cho chúng ta biết Mác đã cam kết bao lâu trước khi bắt đầu công việc với Ba-na-ba và Phao-lô. Có phải chăng Mác đã bỏ cuộc? Có phải ông chưa trưởng thành hay ông nhớ nhà? Nhưng rõ ràng, Phao-lô không hài lòng hay nói đúng hơn là thất vọng về sự lựa chọn trở về nhà giữa cuộc hành trình truyền giáo của Mác.

Mác trở thành trung tâm của cuộc cãi nhau dữ dội giữa Ba-na-ba và Phao-lô (Công vụ 15:36-40). Phao-lô đề nghị ông và Ba-na-ba trở lại thăm những nơi mà trước đây họ đã rao giảng, Ba-na-ba đồng ý. Tuy nhiên, khi Ba-na-ba muốn đưa Giăng Mác đi cùng, Phao-lô nhất quyết không “vì người đã lìa hai người trong xứ Bam-phi-ly, chẳng cùng đi làm việc với.” (Công vụ 15:38) Cuối cùng, Phao-lô và Ba-na-ba phân rẽ nhau, mỗi người đi theo đường riêng của mình.

Tuy vậy, Mác vẫn chưa hoàn thành công việc của Chúa, ông vẫn tiếp tục phục vụ Chúa. Công vụ 15:39 cho biết Ba-na-ba đem Mác cùng xuống thuyền vượt qua đảo Chíp-rơ. Rõ ràng, Mác đã không quay lưng lại với Chúa. Ông đã không bỏ cuộc. Những linh hồn tội nhân ở khắp mọi nơi đều cần nghe Phúc âm và tín hữu ở mọi nơi đều cần được gây dựng, nên việc Mác đi cùng Ba-na-ba đến đảo Chíp-rơ không phải là điều không hữu ích.

Nhưng điều quan trọng, Mác không bỏ Phao-lô, vì sau đó Kinh Thánh cho biết Mác ở bên Phao-lô, đem lại sự an ủi trong thời gian ông bị tù và chính Phao-lô đã yêu cầu các Cơ Đốc nhân ở Cô-lô-se chào đón Mác thật tử tế (Cô-lô-se 4:10-11; Phi-lê-môn 1:24). Hãy nghe lời thân thương của Phao-lô nói về Mác: “Hãy đem Mác đến với con, vì người thật có ích cho ta về sự hầu việc lắm.” (II Ti-mô-thê 4:11) Mác đã trở lại phục vụ Chúa tận tuỵ. Phao-lô cần những người hỗ trợ như Mác, những con người sẵn sàng đứng đằng sau để giúp đỡ.

Trên tất cả, đặc ân lớn lao trong những năm tháng phục vụ Chúa của Mác đó là Chúa dùng ông để viết Phúc âm Mác – một sự góp phần quan trọng trong việc truyền bá Tin Lành cứu rỗi của Chúa Jêsus Christ trên khắp thế giới.

Phúc Âm Mác

Mặc dù Phúc âm Mác không nêu tên người viết, các giáo phụ Hội Thánh ban đầu, như Tertullian và Origen, đều nhất trí Mác là trước giả. Mối quan hệ đặc biệt giữa Mác và Phi-e-rơ là nền tảng cho sự chép sách Phúc âm Mác. Chắc chắn, Mác đã học từ Phi-e-rơ những thông tin mắt thấy tai nghe về các sự kiện và lời dạy của Chúa Jêsus, và bảo quản các thông tin dưới dạng văn bản. Mác có thể giúp Phi-e-rơ thông dịch ra tiếng Hy Lạp các bài giảng bằng tiếng Aramaic. Qua I Phi-e-rơ 5:13 cho chúng ta biết Mác ở Ba-by-lôn với Phi-e-rơ chớ không phải ở La Mã, nên có dịp để nghe và chép sách mang tên mình.

Những Năm Phục Vụ Cuối Đời

Mác dù có thể vấp ngã, nhưng ông đã đi trọn con đường phục vụ Chúa tận trung cho đến hơi thở cuối cùng. Theo lời truyền khẩu, Phi-e-rơ sai Mác sang xứ Ai Cập và tại đó Mác lập Hội Thánh tại thành Alexandria vào năm 49 S.C. Như vậy, Mác là giám mục đầu tiên của Alexandria và là người đầu tiên thành lập một Hội Thánh tại châu Phi.

Theo truyền thống, sau khi thành lập Hội Thánh tại Alexandria, Mác đi giảng nhiều nơi khác, rồi trở về lại nơi đây. Vì trước đó ông đã gặp nhiều mối bất hòa với những thầy tư tế ngoại giáo tại địa phương, cho nên những người nổi loạn đã bắt ông. Họ dùng móc câu và dây thừng lôi ông xuống phố, rồi lôi ra ngoài thành. Những vết thẹo trên cơ thể và nhiều chỗ rỉ máu khắp người ông. Trong khi đám đông hò reo và nhạo báng ông càng la lớn và càng đông hơn. Giăng Mác nói lời sau cùng để giao linh hồn trong tay của Cứu Chúa rồi qua đời vào năm 68 S.C.

Suy Ngẫm

Nhìn lại cuộc đời củaMác, một người sa ngã trở nên đầy ích lợi cho Chúa. Khi Phao-lô gửi lời chào Phi-lê-môn, ông đặt Mác bên cạnh Đê-ma, và ông viết: “Mác, A-ri-tạc, Đê-ma và Lu-ca, cùng là bạn cùng làm việc với tôi gởi lời chào thăm anh.” (Phi-lê-môn 1:24) Đê-ma sau này vì ham hố đời này đã bỏ rơi Phao-lô (II Ti-mô-thê 4:10). Đê-ma là một người sai phạm nhưng không sửa sai. Trong khi đó một người sa ngã đã trở lại đầy ích lợi cho công việc nhà Chúa đó là Mác.

Do đó, một Cơ Đốc nhân có thể vấp ngã, nhưng đừng để cho ma quỷ nhân dịp đẩy chúng ta xa Chúa. Đức Chúa Trời có một kế hoạch dành cho những ai sẵn lòng để Ngài sử dụng. Chúng ta có sẵn sàng để Ngài sử dụng theo kế hoạch mà Ngài dành cho chúng ta hay không? Qua cuộc đời của Mác, bài học quý giá dành cho Cơ Đốc nhân đó là chúng ta có thể lớn lên trong ân điển của Chúa. Chúa biến đổi chàng thanh niên hèn nhát trở thành một người hữu dụng. Và Chúa cũng biến đổi và sử dụng chúng ta như công cụ quý báu của Ngài. Vậy nên, chúng ta hãy hết lòng phục vụ Chúa với cả lòng biết ơn.

(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn