Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đừng ngăn trở người ta đến với Chúa Jêsus

Kinh Thánh: Mác 9:42-43

“Nhưng hễ ai làm cho một trong những đứa nhỏ nầy đã tin, phải sa vào tội lỗi, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà bỏ xuống biển còn hơn. Nếu tay ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt nó đi; thà rằng một tay mà vào sự sống, còn hơn đủ hai tay mà sa xuống địa ngục, trong lửa chẳng hề tắt.” (BTT)

Đây chắc chắn là một mô tả sinh động về tính bạo lực của ngày phán xét, và về nhu cầu cần phải tiến hành các bước triệt để nhằm tránh được điều đó! Câu chuyện giả định rằng Chúa Jêsus vẫn còn ẵm đứa trẻ trong tay Ngài (Mác 9:36-37), mặc dù cuộc trò chuyện này hầu như không phải là một bài đồng dao nhẹ nhàng (điều thú vị là nhiều bài đồng dao truyền thống của Anh đều là những câu chuyện mang tính cảnh báo và bạo lực, vì trẻ em cần phải biết những nguy hiểm trong cuộc sống). Các môn đồ vẫn còn non trẻ về thuộc linh và cần phải học biết rằng họ có trách nhiệm đối với sự an nguy thuộc linh của những người khác, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương thuộc linh. Những thái độ, sự dạy dỗ hoặc hành vi khiến người khác chệch hướng khỏi việc tin cậy Chúa Jêsus sẽ không được tha thứ.

Từ Hy Lạp được dùng để nói đến việc “làm cho… phạm tội” là skandalizo, là từ gốc của từ scandalise. Vào thời còn đi lại bằng tàu buồm, “thu buồm” (scandalise the sail) có nghĩa là ngăn gió thổi vào buồm, làm con thuyền chậm lại và khiến nó không thể điều khiển được. Chúa Jêsus đã nổi giận với những người ngăn cản bất kỳ ai đến với Ngài hoặc ngăn cản sự tăng trưởng thuộc linh. Ngày nay từ “xì-căng-đan” (scandal) chỉ một sự xấu hổ gây mất mặt; làm mất đi phần nào ý nghĩa ban đầu của từ này. Chúa Jêsus dạy các môn đồ không bao giờ được cản trở bất kỳ ai bước vào vương quốc của Ngài. Chúa Jêsus quở trách những người Pha-ri-si vì ném đi chìa khoá vào vương quốc (Ma-thi-ơ 23:13), gọi họ là “người của địa ngục” vì họ thay thế quyền tự do của Phúc Âm bằng các quy tắc tôn giáo (Ma-thi-ơ 23:15).

Hình phạt bằng cối đá không nhằm mục đích hướng dẫn hay thậm chí là gợi ý cách đối phó với những người như vậy. Đó là một phép ẩn dụ để chỉ ra rằng sự trừng phạt của Đức Chúa Trời sẽ nghiêm trọng hơn nhiều. Tương tự như vậy, cắt cụt chi không phải là cách Chúa Jêsus khuyên dùng để kiềm chế sự cám dỗ. Thay vào đó, nó cho thấy rằng bất cứ thứ gì ngăn cản chúng ta làm theo điều Chúa Jêsus dạy đều rất nguy hiểm về mặt thuộc linh đến mức phải ưu tiên loại bỏ nó. Phong cách của những người đi theo Chúa Jêsus phải hoàn toàn khác biệt với những nhà tôn giáo khoa trương mà họ bị cám dỗ bắt chước theo. Người Pha-ri-si, và những người giống như họ, chỉ quan tâm đến bản thân. Họ không quan tâm đến những người mà họ khinh thường (phụ nữ, tang quyến, người bệnh mãn tính, người ăn xin và trẻ em, v.v.) và cho rằng Đức Chúa Trời cũng không quan tâm. Thật sai lầm! Chúa Jêsus đã quan tâm đến những người đó. Ngài đã có Ê-sai 61:1-3 rao ra nhiệm vụ của Ngài, và Ngài đã thực hiện trong Lu-ca 4:18-19. Đi ngược lại mệnh lệnh đó sẽ làm mất giá trị của bất kỳ lời tuyên bố nào khẳng định mình là môn đồ chân chính của Chúa Jêsus.

Hội Thánh luôn có nguy cơ trở thành một “câu lạc bộ vì lợi ích của các thành viên”. Nhưng đó không phải là đặc tính của Đấng Christ dành cho Thân Thể Ngài. Có thể cần phải phẫu thuật triệt để một số bộ phận để đối phó với một thái độ loại trừ như vậy, là thái độ khiến người ngoài Hội Thánh phạm tội không tin hoặc khiến họ lạc hướng khỏi đức tin cứu rỗi nơi Đấng Christ. Rô-ma 2:17-24 củng cố lập luận chống lại thói giả hình, vì đó là điều không có sức thu hút mọi người đến với Chúa Jêsus… đoạn Kinh Thánh đó cũng có nhiều điều khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Lạy Cha là Đức Chúa Trời, con cảm ơn Ngài đã muốn mọi người đến với Ngài, dù họ bất toàn như thế nào. Xin tha thứ cho con vì những lần con khiến người khác quay lưng lại với Chúa Jêsus. Xin giúp con thay đổi triệt để những điều con cần để con không làm như vậy nữa. Nhân danh Chúa Jêsus. A-men.

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn