Từ lời hứa đến sự hoàn thành
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình; nhìn Đức Chúa Jêsus đi ngang qua, bèn nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức…
Một phần trong kế hoạch tổng thể của Đức Chúa Trời
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người đến sau ta, trổi hơn ta, vì người vốn trước ta. Về phần ta, ta…
Chúa Giê-xu có che giấu thân phận của mình không?
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong quá trình truyền bá Tin lành? Tại sao người Do Thái không bao giờ tin…

Vua A-háp “bán mình để làm điều ác”

Kinh Thánh: (I Các vua 21:20)

A-háp là vị vua thứ bảy của vương quốc phía bắc Y-sơ-ra-ên. Cuộc đời và những diễn biến trong chức vụ của vua được ký thuật trong I Các vua 16:28 – 22:40. A-háp kế vị cha mình là vua Ôm-ri (I Các vua 16:28). Ông lên ngôi vào năm thứ 38 đời vua A-sa của vương quốc Giu-đa, và cai trị trên Y-sơ-ra-ên trong 22 năm.

Vua A-háp “làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va hơn hết thảy các người tiền bối mình” (I Các vua 16:30). Vua cưới người vợ ngoại bang tên là Giê-sa-bên, con gái của vua Si-đôn (I Các vua 16:31). Vua đã nghe theo sự dẫn dụ của vợ mình nên làm rất nhiều điều ác, chọc giận Chúa (I Các vua 16:33; 21:25). Vua cất miễu, lập bàn thờ cho thần Ba-anh, dựng hình tượng Át-tạt-tê, là những thần của dân A-mô-rít vốn bị Chúa đuổi trước mặt dân Y-sơ-ra-ên (I Các vua 16:32; 21:26). Vua còn thuận theo vợ mình trong việc trừ diệt tất cả các nhà tiên tri của Chúa. Dầu vậy, Chúa dùng Áp-đia là quan quản đốc hoàng cung của A-háp, vì lòng kính sợ Chúa, đem giấu 100 nhà tiên tri ở hang đá (50 người/hang – I Các vua 18:4).

Trước sự gian ác của vua A-háp, Chúa đã nhiều lần nhiều cách cảnh tỉnh, nhắc nhở vua lìa bỏ con đường tội lỗi. Chúa đã sai nhà tiên tri Ê-li cảnh báo và rao ra nạn hạn hán trong ba năm rưỡi. Dầu vậy, vua A-háp không nghe. Ngược lại, vua còn rắp lòng tìm giết nhà tiên tri của Chúa để trừng phạt (I Các vua 18:10). Chúa vẫn kiên nhẫn với vua A-háp, tiếp tục sai Ê-li đến để thức tỉnh vua và dân sự qua việc phơi bày sự bất lực của thần tượng và 450 tiên tri Ba-anh (I Các vua 18:25-29). Cả vua và dân sự đã tận mắt chứng kiến quyền năng của Chúa khi nhà tiên tri Ê-li dâng của lễ, và “Lửa của Đức Giê-hô-va bèn giáng xuống, thiêu đốt của lễ thiêu, củi, đá, bụi và rút nước trong mương” (I Các vua 18:38). Sau đó, bởi lời cầu nguyện của Ê-li, Chúa đã cho mưa trở lại, và A-háp cũng nhận thấy điều đó rất rõ ràng. Tuy nhiên, dù thấy hết mọi việc quyền năng của Chúa nhưng lòng của vua dường như không có gì đổi thay, A-háp vẫn đi trong con đường gian ác. Vua đã để cho Giê-sa-bên sai người hăm dọa tiêu diệt nhà tiên tri Ê-li (I Các vua 19:1-2).

Điều tồi tệ khác mà vua đã làm là đối với Na-bốt, người Gít-rê-ên. Vua ham thích vườn nho của Na-bốt và muốn có nó, nhưng Na-bốt không chịu. Kết quả là vua đã đồng tình để cho Giê-sa-bên giết hại Na-bốt và cướp lấy vườn nho của người (I Các vua 21:1-16). Đến lúc này, Chúa đã tuyên bố về hình phạt sẽ làm trên nhà A-háp (I Các vua 21:17-29) vì vua “đã bán mình đặng làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va” (I Các vua 21:20). Chúa phán về A-háp rằng “Ở tại chỗ mà chó đã liếm huyết của Na-bốt, thì chó cũng sẽ liếm chính huyết của ngươi” (I Các vua 21:19). Đối với Giê-sa-bên thì “Chó sẽ ăn thịt Giê-sa-bên tại thành lũy Gít-rê-ên” (I Các vua 21:23). Ngoài ra, “Phàm người thuộc về nhà A-háp, kẻ nào chết tại trong thành sẽ bị chó ăn; còn kẻ nào chết trong đồng sẽ bị chim trời rỉa ăn…” (I Các vua 21:24).

Sau khi nghe nhà tiên tri Ê-li công bố những hình phạt khủng khiếp mà Chúa sẽ giáng vì cớ tội lỗi, vua A-háp đã hạ mình, ăn năn trước mặt Chúa qua hành động xé quần áo, lấy bao mặc và nhịn đói, nằm vấn bao và ở khiêm nhượng (I Các vua 21:27). Chúa đã nhìn thấy tấm lòng ăn năn của vua nên Chúa định sẽ không giáng họa trong đời vua nhưng đời con vua sẽ lãnh (I Các vua 21:29). Chúa sẵn sàng tha thứ khi ông quay về với Ngài. Tuy nhiên, thật tiếc cho vua, vì sau đó vua lại trở lòng không nghe sự hướng dẫn của Chúa trong kế hoạch tiến đánh Sy-ri. Vua chỉ thích nghe lời của các tiên tri giả nói theo lòng vua (I Các 22:6,12). Vì vậy, khi Mi-chê nhân danh Chúa nói tiên tri về việc thất trận của quân Y-sơ-ra-ên trước quân Sy-ri và vua sẽ chết thì A-háp không tin, sai người bỏ tù Mi-chê, lấy bánh và nước khổ nạn nuôi Mi-chê cho đến khi vua trở về (I Các 22:17,26). Lòng vô tín của vua đã đẩy vua đến chỗ chết và ứng nghiệm điều Chúa đã phán về vua “Ở tại chỗ mà chó đã liếm huyết của Na-bốt, thì chó cũng sẽ liếm chính huyết của ngươi” (I Các vua 21:19; 22:29-38) và mọi hình phạt về nhà A-háp đều đã được ứng nghiệm trong II Các vua 9:35-37; 10:1-17.

Như vậy, chúng ta thấy rõ Đức Chúa Trời thật nhân từ và kiên nhẫn đối với vua A-háp. Quá nhiều cơ hội Chúa dành cho ông để được tha thứ và phục hồi. Tuy nhiên, ông đã không trân trọng sự nhân từ cùng lòng thương xót của Chúa để sống một cuộc đời xứng hiệp. Ông vẫn cứ đi theo đường riêng, để cho tội lỗi vấn lấy và chết thảm trong sự gian ác.

  • Xin Chúa cho chúng ta không cứng lòng như vua A-háp nhưng luôn mềm mại để sửa đổi theo đường lối của Chúa. Ai trong chúng ta cũng vốn rất yếu đuối và dễ phạm tội giống như vua A-háp. Trước giả Thi thiên 51:5 đã nói lên thực tế rằng “Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác, mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi.” Khi mới chào đời, mỗi người chúng ta đã mang bản chất tội lỗi nên dễ hướng về điều ác. Dầu hiện nay chúng ta đã được Chúa cứu khỏi ách nô lệ của tội lỗi nhưng con người cũ (bản ngã) vẫn còn. Nó luôn thôi thúc chúng ta thỏa mãn những tham muốn trái nghịch với niềm tin. Nếu không giữ mình trong sự thánh khiết thì dễ lắm chúng ta sẽ phạm tội với Chúa. Tuy nhiên, những lúc mình yếu đuối vấp ngã hãy mau mau trở lại với Chúa, ăn năn để được sự tha thứ và phục hồi. Chúa nhân từ với A-háp như thế nào thì Chúa cũng nhân từ với chúng ta như vậy. Chúa không bao giờ bỏ chúng ta. Chúa sẽ dùng mọi cách để nhắc nhở khi chúng ta lạc lối. Có thể qua Lời Ngài, qua hoàn cảnh, hoặc ngay cả bằng sự sửa phạt nghiêm khắc để đem chúng ta trở lại.
  • Lời Chúa hứa trong I Giăng 1:9 “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác”, và trong Ê-sai 1:18 “Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên”. Chúa sẽ tha thứ và phục hồi cho những ai biết ăn năn, từ bỏ con đường tội lỗi. Sự ăn năn thật được biểu hiện qua đời sống hoàn toàn đổi thay. Người thật lòng ăn năn sẽ từ bỏ con đường gian ác, sống trong sự công chính và vâng phục lời dạy của Chúa.

Nguyện Chúa ban năng lực để mỗi chúng ta luôn sống thánh khiết và làm sáng danh Cha qua cuộc đời mình.

(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)

Thu Hồng

Recent Posts

Từ lời hứa đến sự hoàn thành

Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…

23 giờ ago

Một phần trong kế hoạch tổng thể của Đức Chúa Trời

Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…

2 ngày ago

Chúa Giê-xu có che giấu thân phận của mình không?

HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…

2 ngày ago

Giới thiệu về Chúa Jêsus

Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…

3 ngày ago

Chúa Jêsus – Đấng chưa được nhận diện

Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…

4 ngày ago

Xưng nhận Jêsus là Chúa

Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…

5 ngày ago