“Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ngự giữa ngươi,
Ngài là Đấng quyền năng sẽ giải cứu ngươi;
Ngài sẽ vui mừng hoan hỉ vì ngươi,
Vì lòng yêu thương, Ngài sẽ nín lặng,
Và vì ngươi, Ngài sẽ ca hát mừng rỡ.” (Sô-phô-ni 3:17)
Lời tuyên bố đầy tình cảm này của Đức Chúa Trời đã đến với dân Ngài trong hoàn cảnh loạn lạc của họ, qua môi miệng và ngòi bút của tiên tri Sô-phô-ni, một “tiểu tiên tri” thường được biết đến với sứ điệp đáng sợ về “Ngày của Chúa”. Sách Sô-phô-ni lên án tình trạng tâm linh của Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, và rao giảng về sự phán xét kinh khiếp, nhưng cũng đảm bảo sự giải cứu, bảo vệ và trân trọng “phần sót lại” – những ai quay về với Chúa. Chủ đề về sự giải cứu và phục hồi vẫn hiện diện trong sứ điệp phán xét. Thế thì chúng ta biết gì về người mà Chúa đã chọn mang thông điệp phán xét và tình yêu đó đến cho dân Ngài?
I. Tiên tri Sô-phô-ni là ai?
Tên Sô-phô-ni có nghĩa là “Đức Giê-hô-va đã che giấu/bảo vệ” (hay “trân quý/xem như của báu”), là một cái tên khá phổ biến ở Y-sơ-ra-ên. (Ngoài tiên tri Sô-phô-ni, có ít nhất ba “Sô-phô-ni” khác được nhắc tên trong Cựu Ước: một là ông tổ của tiên tri Sa-mu-ên (I Sử 6:36); hai là thầy tế lễ Sô-phô-ni, con trai của Ma-a-sê-gia, đã bị Nê-bu-cát-nết-sa xử tử (II Vua 25:18-21; Giê 21:1; 29:29; 52:24-26); ba là cha của Giô-si-a nào đó được Chúa sai tiên tri Xa-cha-ri đến an ủi và khích lệ trong thời Đa-ri-út (Xa-cha-ri 6:10, 14)).
Dù không phải là một tên gọi quá độc đáo, rất có thể tên ông tiết lộ lòng tin kính của cha mẹ ông, những người trông cậy nơi sự gìn giữ của Chúa đối với một đứa con được sinh ra trong thời kỳ trị vì vô đạo và đẫm máu của Ma-na-se (686-642 TCN; so sánh II Vua 21:16; 24:3-4). Vượt lên phạm vi cá nhân, ý nghĩa tên của Sô-phô-ni cũng gắn liền với sứ điệp mà Chúa dùng ông mang đến cho dân Ngài: Chúa bảo vệ, trân quý những người tin cậy và trung thành với Ngài trong bối cảnh loạn lạc và sa sút của tuyển dân.
Về gia phả, tiên tri Sô-phô-ni là “con trai Cu-si, cháu Ghê-đa-lia, chắt A-ma-ria, chít Ê-xê-chia” (1:1). Ngoại trừ cha ông (Cu-si dường như có nghĩa là “người Ê-thi-ô-bi của tôi”), tên của các tổ phụ của ông đều bao gồm danh xưng của Chúa Giê-hô-va: Ghê-đa-lia có nghĩa là “Chúa vĩ đại”, A-ma-ria nghĩa là “Chúa phán” và Ê-xê-chia có nghĩa là “Chúa là sức mạnh của tôi”. Một số học giả cho rằng Ê-xê-chia này không phải là vua Ê-xê-chia vì không có tước hiệu hoàng gia đi kèm. Nhưng một số học giả khác tin rằng Sô-phô-ni thực sự là hậu duệ của vua Ê-xê-chia, vị vua thứ mười bốn của Giu-đa (716–686 TCN), cũng là tổ tiên của vua Giô-si-a đồng thời với tiên tri Sô-phô-ni (1:1). Dù thế nào đi nữa, việc Kinh Thánh liệt kê gia phả Sô-phô-ni đến bốn đời (thông thường các tiên tri khác chỉ được nhắc đến hai hoặc ba đời) cho thấy dường như Sô-phô-ni có một địa vị xã hội cao, xuất thân từ tầng lớp thượng lưu của Giê-ru-sa-lem. Trong giai đoạn mà hoàng gia đã đánh mất uy tín, nếu Sô-phô-ni thật sự là hậu duệ của Vua Ê-xê-chia, thì điều đó cho thấy ông đang liên kết chính mình với một thời kỳ và một vị vua tin kính Chúa.
Bối cảnh và niên đại. Sô-phô-ni đã thi hành chức vụ tiên tri trong thời “Giô-si-a, con trai A-môn, vua Giu-đa” (1:1). Giô-si-a (640-609 TCN) là vua thứ mười sáu của vương quốc Giu-đa (II Các Vua 21:26-23:30; II Sử ký 33:25-35:27). Vua Giô-si-a lên ngôi khi còn là một cậu bé sau năm mươi lăm năm trị vì của vua Ma-na-se độc ác và hai năm trị vì vô ích của A-môn (kết thúc do bị ám sát). Năm thứ mười tám của triều đại của Giô-si-a, quyển sách Luật pháp của Đức Chúa Trời được phát hiện trong quá trình tu sửa đền thờ đã dẫn đến cuộc cải cách của vua Giô-si-a về sự tin kính và thờ phượng ở Giê-ru-sa-lem (II Vua 22:1-23:27; II Sử 34:1-35:19). Sô-phô-ni đã tuyên bố sự phán xét của Chúa, và nữ tiên tri Hun-đa xác nhận lời tiên tri của Sô-phô-ni rằng ngày của Yahweh (ám chỉ cuộc tấn công của Ba-by-lôn) thực sự sẽ đến, nhưng được hoãn lại vì cớ sự khiêm nhường ăn năn của Giô-si-a (II Vua 22:20).
Lúc này, vương quốc Y-sơ-ra-ên ở phía bắc, còn gọi là Ép-ra-im, đã bị người A-sy-ri trục xuất và không bao giờ trở về được nữa. Lời kết án A-sy-ri (2:13–15) cho thấy niên đại của sách tiên tri Sô-phô-ni trước năm 612 T.C (thời điểm đế quốc A-sy-ri sụp đổ). Thế thì tiên tri Sô-phô-ni là người cùng thời với Na-hum, Ha-ba-cúc và Giê-rê-mi, và lời tiên tri của ông trong số những lời tiên tri cuối cùng được ban ra trước khi Giu-đa, vương quốc phía nam, bị lưu đày sang Ba-by-lôn trong bảy mươi năm.
II. Sứ điệp và ảnh hưởng
Sách Sô-phô-ni bao gồm hai phần không đều nhau: Phần phán quyết dài (1:1–3:8), và phần lời hứa ngắn gọn về sự phục hồi (3:9–20). Sô-phô-ni công bố sự phán xét toàn thế giới (1:2–3), rồi tập trung vào Giu-đa (1:4–2:3), kế đến là những nước láng giềng của Giu-đa (2:4–15), rồi trở lại tập trung vào Giê-ru-sa-lem (3:1–7), và kết lại bằng lời phán quyết cho toàn cầu (3:8). Phần còn lại của sách (3:9-20) là sứ điệp về sự bảo vệ và giải cứu trong Ngày của Đức Giê-hô-va dành cho “mọi kẻ nhu mì của đất” (2:3) là những người biết tìm kiếm Chúa và vâng lời Chúa. Những người công chính còn sót lại này không chỉ được giải cứu mà còn kinh nghiệm sự vui thích của Chúa. Đây không phải là kết quả của bất kỳ động lực bên ngoài nào, mà xuất phát từ bản chất của Đức Giê-hô-va, một Đức Chúa Trời giữ giao ước. Ngài ban hy vọng cho chính dân sự của Ngài (3:11–20), không phải vì một số người sẽ trở lại với giao ước, mà vì Ngài là thành tín. Hy vọng cũng được mở rộng cho các quốc gia (3:9–10), những người nhận được ân điển của Đức Giê-hô-va.
Trọng tâm thống nhất sứ điệp của Sô-phô-ni về mặt cấu trúc lẫn thần học là khái niệm “Ngày của Đức Giê-hô-va”. Dù các tiên tri trước và sau ông như A-mốt (5:18–20 và 8:9–10), Ê-sai (2:12; 34:8), Giô-ên (2:1-2), Giê-rê-mi (trong các chương 46–51) và Ê-xê-chi-ên (trong chương 7) đều nói về “ngày của Chúa”, nhưng Sô-phô-ni nhấn mạnh và tập trung vào chủ đề này nhiều hơn hết. Mỗi chương trong ba chương đều được chi phối bởi chủ đề này. Cụm từ “Ngày của Đức Giê-hô-va” (1:7), được lặp lại khoảng 14 lần dưới những cách nói khác nhau như “ngày đó”, “Ngày lớn của Đức Giê-hô-va”, “ngày thịnh nộ của Đức Giê-hô-va”. Hai phương diện của cùng một “Ngày của Chúa” là sự phán xét và sự giải cứu.
Qua Sô-phô-ni, “Ngày của Chúa” đã trở thành một cụm từ được hiểu rộng rãi và sử dụng bởi các trước giả Kinh Thánh sau này, trong bối cảnh tương lai gần của tuyển dân cũng như trong bối cảnh tận thế. Nó có nghĩa là ngày phán xét, nhưng như phần cuối sách Sô-phô-ni chứng minh, nó cũng chỉ về ngày có sự can thiệp, giải cứu và phục hồi của Chúa. Ngày của Chúa có phạm vi toàn cầu, là ngày phán xét kinh khiếp cho một số người, nhưng cũng là ngày giải cứu và bình an cho những người công chính còn sót lại.
Sô-phô-ni mô tả một cách sống động sự tàn phá sẽ xảy ra với Giu-đa và các quốc gia khác do hậu quả của sự bất tuân của họ. Tuy nhiên, giữa những lời cảnh báo về sự phán xét, vị tiên tri cũng nói về một số người còn sót lại sẽ được Chúa gìn giữ, giải cứu và phục hồi bởi ân điển của Ngài. Ông báo trước thời điểm mà số người còn sót lại của tuyển dân sẽ được tập hợp lại từ nơi lưu đày, được thanh tẩy và được phục hồi mối quan hệ với Chúa. Thông điệp phục hồi này cho thấy sự thành tín và lòng thương xót của Chúa, ngay cả trong thời kỳ phán xét.
Sô-phô-ni rao ra lời nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng của sự trung thành với Chúa, hậu quả của tội lỗi, và ân điển của Chúa trong sự ăn năn và được phục hồi của những người còn sót lại. Những lời tiên tri của Sô-phô-ni vẫn còn nguyên giá trị cho con dân Chúa ngày nay, thúc giục họ tìm kiếm sự công chính, từ bỏ tội lỗi và tin vào lời hứa cứu chuộc của Chúa.
III. Bài học từ cuộc đời và chức vụ Sô-phô-ni
Sô-phô-ni, một nhà tiên tri ít được biết đến trong Kinh Thánh, nhưng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp về sự phán xét và hy vọng cho tuyển dân của Chúa trong giai đoạn lịch sử đầy biến động của họ. Dù có rất ít thông tin cá nhân về Sô-phô-ni, chúng ta vẫn có thể rút ra một vài bài học từ cuộc đời và chức vụ của ông.
Thứ nhất, tin kính – quyết định tin cậy Chúa, sống đúng như tên gọi của mình: người được Chúa “giấu kín” hay “trân quý”. Với Sô-phô-ni, tên gọi của ông không chỉ là ước muốn và niềm tin của cha mẹ, mà còn là cam kết cá nhân sống với Chúa của mình bởi đức tin. Điều đó nhắc nhở những Cơ Đốc nhân hôm nay sống với danh hiệu gắn kết cùng Chúa Cứu Thế, và với nhận thức mình được Chúa bảo vệ, trân quý giữa một xã hội tìm kiếm sự nương dựa tạm bợ nơi những thế lực đời này, một xã hội đề cao những giá trị bị đảo lộn.
Thứ hai, tỉnh thức giữa xã hội thờ tà thần, loạn lạc, ngủ mê, coi thường giá trị niềm tin. Sô-phô-ni đã tỉnh thức trước thời cuộc và trước tiếng gọi của Chúa để công bố sứ điệp đầy thách thức về sự phán xét và hy vọng cho dân tộc của mình. Ông cũng không ngủ quên trên những thành quả tạm thời từ cuộc cải cách của vua Giô-si-a. Tỉnh thức cũng là điều chúng ta cần hơn bao giờ hết giữa thời kỳ mà “sự cuối cùng của muôn vật đã gần” (I Phi 4:7), để có thể ưu tư và cưu mang cho dân tộc, nhạy bén với tiếng gọi của Chúa cho thời đại hôm nay.
Cuối cùng, trung thành với Chúa và trung tín sống với sứ mạng công bố những sứ điệp ông nhận được, dù sứ điệp đó không được ưa chuộng, và sứ mạng của ông không hề dễ dàng. Dù chỉ là một “tiểu tiên tri” ít được biết đến, ông vẫn sống đầy trọn và ảnh hưởng qua việc trung thành với Đấng sai phái và trung tín với vai trò của mình. Những lời tiên tri của Sô-phô-ni nhấn mạnh tội lỗi và nhu cầu ăn năn, vâng phục Đức Chúa Trời, theo đuổi sự công chính, là những lời không mấy dễ nghe đối với nhiều người đương thời. Sô-phô-ni làm gương cho chúng ta trong việc truyền đạt các thông điệp của Chúa cách trung tín giữa những cám dỗ pha loãng Lời Ngài với những tư tưởng dễ nghe, nịnh tai, hợp trào lưu của xã hội hiện đại. Sô-phô-ni nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc trung thành với lẽ thật của Chúa và lòng can đảm để đứng vững trong đức tin, sống theo ơn gọi của mình, bày tỏ chân lý và tình yêu của Chúa ngay cả khi điều đó khó khăn hoặc không được lòng người.
Dù không nổi bật như một số nhà tiên tri khác, Sô-phô-ni đóng vai trò quan trọng trong việc công bố sứ điệp về sự phán xét và hy vọng nơi Chúa cho con dân Ngài. Qua Sô-phô-ni, chúng ta được mời gọi thức tỉnh về tình trạng đức tin của mình và cộng đồng Cơ Đốc hôm nay, tin cậy Chúa là Đấng gìn giữ và trân quý con dân Ngài, dứt khoát với tội lỗi, tìm kiếm và nuôi dưỡng sự giải hoà với Chúa, và nắm lấy hy vọng về sự phục hồi trong tương lai, bày tỏ qua đức tin và sự thuận phục.
Tài liệu tham khảo:
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)
A-ghê là một trong những vị tiên tri hậu lưu đày cùng với Xa-cha-ri và…
Theo các nhà sử học, trong suốt khoảng 3.400 năm lịch sử có ghi chép…
Kinh Thánh: Giăng 3:13-15 "Chưa hề có ai lên trời, trừ ra Đấng từ trời…
Kinh Thánh: Giăng 3:9-12 "Ni-cô-đem lại nói: Điều đó làm thể nào được? Đức Chúa…
Kinh Thánh: Giăng 3:4-8 "Ni-cô-đem thưa rằng: Người đã già thì sanh lại làm sao…