Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 20:20-21; Ma-thi-ơ 27:56; Mác 15:40; Mác 16:1
Ý nghĩa tên Sa-lô-mê: có nguồn gốc trong tiếng Hê-bơ-rơ là shalom, có nghĩa là sự bình an.
Sa-lô-mê là ai?
Sa-lô-mê là vợ của ngư phủ Xê-bê-đê và là mẹ của hai môn đồ của Chúa Jesus: Gia-cơ và Giăng. Tất cả các thành viên trong gia đình này đều trung tín hầu việc Chúa Jesus.
Sa-lô-mê được Ma-thi-ơ gọi là “mẹ của hai con trai Xê-bê-đê” (Ma-thi-ơ 20:20; 27:56) và chỉ có Mác gọi đích danh tên của bà (Mác 15:40; 16:1).
Sa-lô-mê là một trong những phụ nữ chứng kiến sự đóng đinh của Chúa Jesus (Mác 15:40).
Sa-lô-mê là một trong những người đầu tiên đến mộ Chúa Jesus vào buổi sáng Phục Sinh để mang thuốc thơm đến xức cho Ngài (Mác 16:1).
Sự Hy Sinh và Phục Vụ
Sa-lô-mê được nhắc đến trong các sách Phúc âm như một người phụ nữ tận tụy theo hỗ trợ phục vụ Chúa Jesus và mười hai sứ đồ từ nơi này đến nơi khác.
“Cũng có những phụ nữ từ…, trong số ấy có Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ của Gia-cơ nhỏ và của Giô-sê, và Sa-lô-mê, là những người đã theo và phục vụ Ngài khi còn ở Ga-li-lê, và nhiều phụ nữ khác.” (Mác 15:40-41). Rõ ràng, Sa-lô-mê tham gia đoàn truyền giáo của Chúa Jesus và trung tín trong sự hầu việc Ngài.
Trong giai đoạn Chúa Jesus bị bắt bớ và phải lên thập tự giá, nhiều sứ đồ chạy trốn, không dám đi theo Ngài. Nhưng Sa-lô-me đã theo Chúa Jesus cho đến Giê-ru-sa-lem tại địa điểm Ngài chịu hình. Bà chứng kiến sự chết đau thương của Ngài, khóc thương, cùng chia sẻ và cảm thông với sự đau đớn tột đỉnh của Ngài (Ma-thi-ơ 27:55-56).
Sa-lô-me và một số người nữ khác cùng với ông Giô-sép ở thành A-ri-ma-thê đưa xác Chúa đến ngôi mộ, biết được nơi người đặt xác của Chúa. Những phụ nữ này là những người đầu tiên phát hiện ngôi mộ trống khi họ đem thuốc thơm để xức xác Chúa. Họ là những người được hân hạnh gặp Chúa phục sinh đầu tiên và cũng trở thành những đại sứ đưa tin về sự sống lại của Ngài cho các môn đệ khác.
Lời Cầu Xin và Quở Trách
Mọi người nhớ đến Sa-lô-mê nhiều bởi lời cầu xin của bà cho hai con trai mình: “…Xin cho hai con trai tôi đây ngồi một đứa bên hữu Ngài, một đứa bên tả, ở trong nước Ngài ” (Ma-thi-ơ 20:20-21). Sa-lô-mê có lẽ có sự gần gũi với Chúa Jesus nên đã không ngần ngại đến gặp và xin Ngài cho hai con trai mình.
Khi những môn đồ nghe lời thỉnh cầu của Sa-lô-me, họ tức giận. Nhưng Chúa Jesus đã dùng tình thế thành một cơ hội để dạy dỗ các môn đồ. Ngài phán: “Các con không hiểu điều mình xin. Các con có thể uống chén mà Ta sắp uống không?” Họ thưa: “Dạ được”. Ngài nói: “Các con sẽ uống chén của Ta, còn ngồi bên phải, bên trái thì Ta không cho được, địa vị này dành cho những người mà Cha Ta đã chuẩn bị.”(Ma-thi-ơ 20:22-23, BDM)
Chúa Jesus giải thích với họ rằng nếu họ muốn trở nên lớn trước mặt Chúa trong nước Ngài, họ cần phải hạ mình xuống và trở thành tôi tớ, giống như Ngài đã đến trần gian để phục vụ và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người (Ma-thi-ơ 20:28).
Câu chuyện xảy ra vào thời điểm Chúa Jesus không lâu sẽ bị đóng đinh trên thập giá. Vì vậy, Sa-lô-mê và các con trai của bà đã cầu xin không chỉ với động cơ sai trật mà còn không phải là thời điểm thích hợp.
Tuy nhiên, câu chuyện của Sa-lô-mê không bắt đầu và kết thúc chỉ bằng một cuộc trò chuyện đó giữa bà và Chúa Jesus. Chúng ta gặp lại bà tại thập tự giá và tại ngôi mộ chôn Chúa Jesus. Sa-lô-mê, dù sai lầm, nhưng bà vẫn là một người mẹ yêu thương đã khuyến khích các con trai mình đi theo Chúa Jesus. Nếu còn sống, bà sẽ chứng kiến Gia-cơ bị chém đầu tại Giê-ru-sa-lem (Công vụ 12:1-2), còn Giăng bị đày ở đảo Bát-mô vì giảng Lời Đức Chúa Trời và làm chứng về Chúa Jesus (Khải Huyền 1:9). Thật Sa-lô-mê có thể tự hào về những người con của mình và biết rằng họ đã đứng vững trong đức tin của mình.
Bài học cho chúng ta:
Theo truyền thống của người Do Thái thì người nữ chỉ có vai trò thứ yếu ở hậu phương, làm nội trợ trong nhà. Nhưng, Sa-lô-mê cũng nhưnhững người nữ đã theo và phục vụ Chúa Jesus cho chúng ta thấy người nữ luôn có một vị trí quan trọng trong gia đình và Hội Thánh.
Sa-lô-mê đã nuôi dạy cả hai con trai của mình trở thành những môn đệ tận tụy của Chúa Jesus, cả hai đều là trung tâm trong chức vụ của Ngài. Giống như Sa-lô-mê, chúng ta cần khuyến khích con cái bước đi với Chúa. Chúng ta cần có mối quan hệ riêng với Ngài, sẵn sàng trò chuyện với Ngài. Nhưng, chúng ta cần lắng nghe Ngài và tin tưởng Ngài sẽ cung cấp những gì con cái chúng ta cần. Danh vọng thế gian không phải là trọng tâm của chúng ta.
Ngoài ra, Sa-lô-mê dạy chúng ta bài học không rời xa Chúa vì xấu hổ khi lời cầu xin của mình không được nhậm. Thay vào đó, bà tiếp tục đi theo Chúa Jesus tận hiến để phục vụ Ngài cho đến cuối cùng. Cũng vậy, chúng ta không rời xa Chúa khi những lời cầu xin mình không được đáp lại, mà tiếp tục đi theo cho đến khi công việc Chúa dành cho chúng ta được hoàn thành.
Nhưng trên hết, Sa-lô-mê để lại cho chúng ta gương phục vụ và lòng trung thành theo Chúa Jesus. Hành động của Sa-lô-mê quan trọng hơn việc bà trông như thế nào, bà có bao nhiêu tiền hay địa vị xã hội ra sao. Bà là một người vợ, một người mẹ và hơn thế nữa bà là một môn đồ trung thành của Chúa Jesus.
Nguyện xin Chúa giúp chúng con mạnh mẽ tiến bước cùng Ngài. Cho dù con thất bại, nhưng con sẽ đứng lên, nhờ ơn Chúa con tiếp tục bước đi phục vụ Ngài. Dù chặng đường có thử thách khó khăn đến đâu, con sẽ trung thành theo Chúa cho đến cùng!
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…