Kinh Thánh: I Các vua 12:1-25
Rô-bô-am đến Si-chem và được dân sự tôn lên làm vua vì cả Y-sơ-ra-ên đang hiệp lại tại Si-chem. (I Các vua 12:1). Rô-bô-am lên ngôi vua khác với cha của ông là Sa-lô-môn. Vua Sa-lô-môn lên ngôi vua thì được thầy tễ lễ Xa-đốc xức dầu (I Các vua 1:39), còn Rô-bô-am chỉ được dân chúng tôn lên làm vua và không có thầy tế lễ xức dầu.
Sau khi Rô-bô-am lên ngôi làm vua thì Giê-rô-bô-am và cả dân sự đến cùng vua và tâu rằng: “Thân phụ vua đã làm cho ách chúng tôi nặng quá; nhưng bây giờ vua hãy giảm nhẹ sự phục dịch khó nhọc và cái ách nặng mà thân phụ vua đã gán cho chúng tôi, thì chúng tôi sẽ phục dịch vua” (câu 4). Cái ách mà vua Sa-lô-môn để lại cho dân sự quá nặng nên họ mới đến cầu xin vua Rô-bô-am giảm bớt gánh nặng cho họ vì họ chịu không nổi thuế, sự cống nạp cho Sa-lô-môn nên mới đến xin vua Rô-bô-am là như vậy. Vua Rô-bô-am nghe xong không trả lời liền và ông hẹn ba ngày sau sẽ trả lời. Đây là một sự trì hoãn và ông cần có sự cố vấn của nhiều người. Việc vua Rô-bô-am không trả lời liền là có lý do của ông vì ông cần suy tính sao cho có ích lợi cho cả đôi bên.
Vua Rô-bô-am đi đến với các trưởng lão đã từng phục dịch cho vua cha là Sa-lô-môn và họ đưa ra lời khuyên rất tốt cho vua nhưng vua không chịu nghe theo lời cố vấn của họ. Sau đó vua Rô-bô-am đi đến gặp các bạn đồng trang lứa với mình đang hầu hạ mình và bàn luận cùng họ. Những người này đưa ra lời bàn luận không được tốt cho vua, họ đã nói với vua Rô-bô-am phải đáp lời với họ như thế này: “Ngón tay út ta còn lớn hơn lưng của cha ta. Vậy, cha ta đã gán một cái ách nặng cho các ngươi, ta sẽ làm cái ách các ngươi thêm nặng hơn nữa; cha ta sửa phạt các ngươi bằng roi da, ta sẽ sửa phạt các ngươi bằng roi bọ cạp” (xem câu 10,11).
Vua Rô-bô-am đã nghe theo lời của các bạn đồng trang lứa và bỏ qua lời bàn của các trưởng lão nên đến ngày thứ ba thì dân sự kéo đến để nghe vua Rô-bô-am trả lời như thế nào về việc họ trình xin vua. Vua đã trả lời với họ cách xẳng xớm, vua nói sẽ làm cho ách của họ càng nặng nề hơn nữa. Dân sự nghe xong thì ai nấy đều không đồng tình với vua và cả Y-sơ-ra-ên đã trở về trại quân của họ. Nếu vua nghe theo lời bàn của các trưởng lão thì vua đã được lòng cả dân sự nhưng bây giờ vua đã mất lòng dân Y-sơ-ra-ên nên họ muốn rút lui và không muốn ở dưới sự cai trị của Rô-bô-am.
Vua Rô-bô-am đã không khôn ngoan khi lựa chọn nghe theo những bạn trẻ thiếu kinh nghiệm nên vua đã đánh mất sự hiệp nhất cả Giu-đa và Y-sơ-ra-ên lại. Qua sự việc này chúng ta thấy Rô-bô-am là người non dạ, thiếu hiểu biết, nông cạn nên vua đã không biết lựa chọn điều tốt mà chọn điều không thuận lợi cho mình. Mỗi người trong chúng ta khi cân nhắc một quyết định nào thì cần hỏi những người lớn có kinh nghiệm hoặc những người trẻ khôn ngoan, có lòng kính sợ Chúa để được tư vấn tốt, đừng bỏ qua những lời tư vấn chân thành của những người lớn tuổi hoặc của những người trẻ tuổi có lòng kính sợ Chúa. Những người lớn tuổi mà không kính sợ Chúa khi đưa ra lời khuyên thì đôi khi cũng cần suy xét lại, còn những người trẻ tuổi có lòng kính sợ Chúa khi đưa ra lời khuyên thì mình cũng có thể tiếp nhận.
Một vấn đề ở tại đây mà chúng ta cần phải học, đây không phải là vấn đề hai thế hệ khác nhau, nhưng chính là vấn đề thuộc linh. Tuổi tác không đảm bảo cho sự khôn ngoan, nhưng tuổi trẻ cũng không đồng nghĩa với sự ngu ngốc. Giô-sép, Đa-vít, Đa-ni-ên và những người bạn của ông là những người đã có những quyết định khôn ngoan khi còn trẻ. “Ai giao tiếp với người khôn ngoan, trở nên khôn ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên dại sẽ bị tàn hại” (Châm ngôn 13:20).
Kế tiếp, vua Rô-bô-am sai A-đô-ram đến để thu thuế dân Y-sơ-ra-ên thì A-đô-ram đã bị cả Y-sơ-ra-ên nếm đá chết (I Các vua 12:18), bấy giờ Rô-bô-am sợ quá và leo lên xe chạy về Giê-ru-sa-lem. Qua vụ việc nầy, Rô-bô-am đã thấy dân sự đã cố tình chống lại vua. Kể từ đó Y-sơ-ra-ên và Giu-đa đã chia thành hai, Y-sơ-ra-ên ở miền Bắc gồm 10 chi phái, còn Giu-đa ở miền Nam chỉ có hai chi phái.
Sau sự việc A-đô-ram bị ném đá chết và vua Rô-bô-am lên xe chạy trốn về Giê-ru-sa-lem thì vua định tập họp dân sự ở miền Nam đặng đi đánh 10 chi phái ở miền Bắc thì Đức Chúa Trời đã can ngăn vua vì đó là anh em mình nên không được giết hại lẫn nhau. Có thể nói vua giận và tức những người Y-sơ-ra-ên nên vua suýt chút nữa là gây ra những hiểm họa trong vòng anh em mình.
Trong II Sử ký 12:14, ký thuật lại Rô-bô-am đã không rắp lòng tìm kiếm Chúa nên ông không biết ý muốn Chúa, sống không đẹp lòng Chúa và vua đã làm điều ác. Tiên tri Sê-ma-gia đã cho Rô-bô am biết nguyên do vì sao nước Giu-đa bị xâm chiếm: “Các ngươi đã bỏ Đức Giê-hô-va, nên Ngài đã bỏ các ngươi vào tay Si-sắc” (II Sử Ký 12:5).
Qua nhân vật Rô-bô-am, chúng ta cần rút ra những bài học cho chính mình, đó là hãy biết tìm kiếm Chúa, chớ bỏ qua lời Ngài thì Ngài sẽ hướng dẫn cuộc đời mình đi trong đường lối Chúa. Nếu bỏ qua Lời Chúa, không nhờ cậy nơi Chúa mà đi nhờ cậy con người, hỏi con người thì sẽ có kết cục không tốt đẹp. Xin Chúa giúp đỡ từng con cái Chúa phải biết sống khôn ngoan giữa đời, đó là nương cậy một mình Đức Chúa Trời chí cao là Đấng hay làm ơn cho những người luôn hết lòng tin cậy Chúa và đi trong đường lối Chúa.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…