Thư Phi-lê-môn là một bức thư cá nhân của Phao-lô gửi đến cho người bạn yêu dấu Phi-lê-môn khi ông đang ở tù tại La Mã và là một trong những sách ngắn nhất Tân Ước. Dù là một bức thư ngắn trong Kinh Thánh nhưng lại chứa đựng tất cả nguyên lý và giá trị của tình yêu thương, sự tha thứ, ân điển và tình bằng hữu Cơ Đốc. Tuy nhiên, nhân vật Phi-lê-môn là ai mà Phao-lô phải viết một bức thư mang tên ông và chúng ta cần học điều gì qua nhân vật này.
Phi-lê-môn là ai?
Phi-lê-môn là một Cơ Đốc nhân giàu có, ông là một chủ nô vào thế kỷ thứ nhất. Một Cơ Đốc nhân trung tín lại là một người chủ nô lệ là điều dường như rất lạ lẫm đối với chúng ta ngày nay. Tuy nhiên, chúng ta cần biết chế độ nô lệ là một phần được chấp nhận của nền văn hoá La Mã. Và chính những nguyên tắc Cơ Đốc như niềm tin vào sự bình đẳng của con người, tình yêu, ân điển và những nghĩa vụ của Cơ Đốc nhân đối với nhau đã dần dần phá vỡ những quan điểm văn hoá đó, cũng như góp phần chấm dứt chế độ nô lệ trong thế giới La Mã.
Phi-lê-môn đã được sứ đồ Phao-lô dẫn dắt tin nhận Chúa trong một lần ông đến thăm vùng Tiểu Á và đã ở nhà Phi-lê-môn khi ở vùng đó (Phi-lê-môn 1:19). Hơn thế nữa, sau khi tin Chúa, Phi-lê-môn đã tổ chức Hội Thánh nhóm lại tại nhà ông, có thể là ở Cô-lô-se. Chính Phao-lô mở đầu thư tín với lời mở đầu: “…lại cho Hội Thánh nhóm họp trong nhà anh” (Phi-lê-môn 1:2; Cô-lô-se 4:9). Thật cảm ơn Chúa về lòng rộng mở của Phi-lê-môn để nhà ông trở thành nơi các tín hữu có thể đến học lời Chúa và cùng cầu nguyện với nhau.
Ngoài ra, Phi-lê-môn được Phao-lô gọi là “người rất yêu dấu và cùng làm việc với chúng ta” (Phi-lê-môn 1:1). Do đó, Phi-lê-môn có lẽ đã giữ một số chức vụ trong Hội Thánh tại Cô-lô-se và cũng đã tham gia vào công việc truyền giảng Phúc âm khắp nơi.
Mối quan hệ giữa Phao-lô và Phi-lê-môn rõ ràng là rất nồng ấm và đáng trân trọng.
Do đó, Phao-lô, trong thư tín Phi-lê-môn, không ngần ngại kêu gọi bạn mình tha thứ cho Ô-nê-sim, một người nô lệ của Phi-lê-môn đã bỏ trốn sau khi lấy cắp, có lẽ là tiền, của Phi-lê-môn.
Phao-lô cũng đủ thoải mái trong tình bạn để nhẹ nhàng nhắc nhở rằng Phi-lê-môn nợ Phao-lô, “chính bản thân ông”, vì đã giới thiệu ông với Chúa. “Tôi, Phao-lô, chính tay tôi viết điều nầy: sẽ trả cho anh, còn anh mắc nợ tôi về chính mình anh thì không nhắc đến.” (Phi-lê-môn 1:19)
Và điều quan trọng chúng ta cần biết, tên “Phi-lê-môn” có nghĩa là “trìu mến” trong tiếng Hy Lạp. Quả thật, những gì chúng ta biết về Phi-lê-môn, ông đã sống đúng với tên của mình. Cơ Đốc nhân ngày nay có được những bài học vô cùng quý giá qua cuộc đời Phi-lê-môn dù chỉ biết thông tin rất ít về ông qua thư Phi-lê-môn.
Đức tin và Tình yêu thương
Trước hết, đời sống của Phi-lê-môn phản ánh đúng một Cơ Đốc nhân mang ảnh hưởng tốt cho người khác, cụ thể là bày tỏ đức tin và tình yêu thương. Chính Phao-lô dâng lời cảm tạ Chúa về đời sống của Phi-lê-môn, “vì nghe nói anh có lòng yêu thương và đức tin trong Đức Chúa Jêsus và cùng các thánh đồ” (Phi-lê-môn 1:5).
Hơn thế nữa, Phao-lô còn viết thêm, “Vả, hỡi anh, tôi đã được vui mừng yên ủi lắm bởi lòng yêu thương của anh, vì nhờ anh mà lòng các thánh đồ được yên ủi.” (Phi-lê-môn 1:7).
Lòng yêu thương của Phi-lê-môn đã đem lại cho Phao-lô sự an ủi, vui mừng và đã sưởi ấm tấm lòng của tất cả con dân Chúa. Nếu Phi-lê-môn sống để thỏa mãn lòng tham của mình, hoặc nếu ông không quan tâm đến Hội Thánh, thì Phi-lê-môn có lẽ đã không được nhớ tới, không chỉ bởi Phao-lô, mà bởi bất kỳ thành viên nào trong Hội Thánh.
Thật, chúng ta cần học đòi nơi Phi-lê-môn phẩm tính cao đẹp này. Chúng ta có đang tạo ra một ảnh hưởng tốt bằng đức tin và tình yêu thương của mình, đủ để được Hội Thánh và các anh em trong cùng đức tin nhớ tới hay không?
Tất cả bởi Ân điển
Phao-lô, trong thư tự nhận mình đã già (Phi-lê-môn 1:9), kêu gọi Phi-lê-môn thay vì ra lệnh cho ông nhận Ô-nê-sim không phải như một nô lệ nữa, nhưng hơn hẳn một nô lệ, là một anh em quý mến trong Chúa (Phi-lê-môn 1:16). Tha thứ một tên nộ lệ ăn cắp, bỏ trốn là một điều không thể chấp nhận trong xã hội La Mã, nhưng sứ đồ Phao lô đã dựa trên nền tảng Phúc âm đó là ân điển của Chúa Jesus Christ để thuyết phục.
Ô-nê-sim đã gặp được Phao-lô, đang bị giam tại La Mã, dẫn dắt tin Chúa và huấn luyện trở nên một người hữu dụng. Phao-lô tin chắc Phi-lê-môn sẽ chào đón Ô-nê-sim trở lại (Phi-lê-môn 1:5). Phao-lô nói: “Tôi viết cho anh, đã tin chắc anh hay vâng lời, biết anh sẽ làm quá sự tôi nói đây.” (Phi-lê-môn 1:21)
Qua lời kêu gọi chân thành của Phao-lô, chúng ta biết chắc Phi-lê-môn sẽ làm nhiều hơn những gì Phao-lô yêu cầu trong việc nhận lại Ô-nê-sim với ân điển. Mặc dù Kinh Thánh không ghi lại mọi điều mà Phi-lê-môn đã làm, nhưng chắc chắn ông đã tự nguyện tha thứ cho Ô-nê-sim và không tính cho Phao-lô bất cứ điều gì. Vì cớ Đấng Christ, Phi-lê-môn đã tha thứ cho Ô-nê-sim và chào đón ông như một người anh em trong Chúa Jesus Christ.
Ân điển có thể vươn xa như thế nào trong việc tác động đến những cuộc đời, các mối liên hệ và hành vi. Phi-lê-môn chắc chắn sẽ trả nợ yêu thương bằng cách tiếp nhận Ô-nê-sim. Ân điển không chỉ phục hồi công việc của Ô-nê-sim trong nhà của Phi-lê-môn mà còn đem ông trở về với mối liên hệ, về nơi của tình yêu thương trong gia đình của Phi-lê-môn. Ân điển phá vỡ mọi rào cản, chữa lành mọi cay đắng, và nỗi đau của quá khứ.
Ở trong Chúa sẽ không còn phân biệt “người Gờ-réc hoặc người Giu-đa, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Sy-the, người tôi mọi hoặc người tự chủ; nhưng Đấng Christ là mọi sự và trong mọi sự.” (Cô-lô-se 3:11).
Chúng ta luôn nhắc nhở chính mình đang sống trong ân điển của Chúa. Vì biết ơn Chúa chúng ta sẽ chăm về lợi ích, quan tâm, coi sóc anh em trong cùng thân thể của Đấng Christ. Tinh thần của Phi-lê-môn và mỗi chúng ta đó là cư xử với nhau cách nhân từ và dịu dàng, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ chúng ta trong Đấng Christ. (Ê-phê-sô 4:32)
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…