Kinh Thánh: Công Vụ các Sứ Đồ 6-7
Khi đọc sách Công Vụ các Sứ đồ, một tài liệu lịch sử của Hội Thánh đầu tiên, chúng ta sẽ gặp một nhân vật đáng chú ý tên là Ê-tiên trong các chương 6-7. Dù chỉ xuất hiện ngắn ngủi trong dòng chảy của lịch sử Hội Thánh, ông nổi bật trong tư cách một người phục vụ có năng quyền, đức tin và lòng can đảm, và là một chứng nhân tận hiến của Chúa trong Hội Thánh đầu tiên. Cuộc đời và sự tuận đạo của ông là minh chứng cho quyền năng biến đổi của Phúc Âm và sự tận hiến trong việc rao truyền Phúc Âm cứu rỗi của Chúa Giê-xu Christ. Trong bài viết ngắn này, chúng ta sẽ cùng nhìn lại con người, sứ điệp và ảnh hưởng của Ê-tiên lên cộng đồng Cơ Đốc qua cuộc đời và sự tuận đạo của mình.
1. Con người
Ông Ê-tiên, hay Stephen (tiếng Hy Lạp là Stephanos, có nghĩa là “mão miện”), là một trong những chấp sự đầu tiên và là người tuận đạo đầu tiên của giáo hội. Chúng ta không có thông tin gì về cuộc sống cá nhân và gia đình của ông, cũng không rõ ông có vợ con hay không. Dù vậy, sử gia Lu-ca ghi chép về ông đủ cho chúng ta thấy những phẩm chất và ảnh hưởng của một con người tận hiến cho Chúa Cứu Thế.
Công Vụ 6 cho thấy Hội Thánh đầu tiên phải đối mặt với một thách thức thực tế trong việc đảm bảo sự hỗ trợ công bằng cho các tín hữu. Cộng đồng “người Do Thái Hy Lạp” (theo văn hóa, tiếng nói Hy Lạp, lập gia dình với người Hy Lạp…) ngày càng gia tăng và nguy cơ chia rẽ nảy sinh trong Hội Thánh đầu tiên khi có lời phàn nàn từ nhóm “người Do Thái Hy Lạp” rằng các góa phụ của họ không nhận được những khoản tương trợ. Để giải quyết vấn đề, các sứ đồ bổ nhiệm bảy người, trong đó có Ê-tiên, giám sát công tác này. Ông Ê-tiên đứng đầu danh sách bảy chấp sự, là một người “đầy đức tin và Thánh Linh” (Công 6:5), “đầy ơn và quyền năng của Đức Chúa Trời” (Công vụ 6:8). Đó là những phẩm chất đã làm cho ông nổi bật và sống cuộc đời phục vụ, chứng nhân đầy ảnh hưởng.
Đầy Thánh Linh
Ngay trong phần giới thiệu, ông được mô tả rõ rằng là người “đầy đức tin và Thánh Linh” (6:5). Đầy Thánh Linh là yêu cầu tất yếu mà các sứ đồ đã đặt ra trong các tiêu chí tuyển chọn chấp sự (6:3). Đầy dẫy Đức Thánh Linh không chỉ về một trải nghiệm đầy cảm xúc, mà là việc bước theo, thuận phục Thánh Linh hàng ngày trong một thời gian đủ dài để sinh ra bông trái của Thánh Linh. Phẩm chất này được thấy trong Ê-tiên khi những người chống đối ông không thể đối phó với sự khôn ngoan và Thánh Linh mà ông đang nhờ cậy để nói ra những gì cần nói (6:10). Sự kiện ông Ê-tiên được đầy dẫy Đức Thánh Linh để bào chữa trước Tòa Công luận cũng được nói rõ (7:55). Như Chúa Giê-xu đã nói trước với các môn đồ của Ngài, khi nào họ bị giải đến trước các hội đường và những nhà cầm quyền, Đức Thánh Linh sẽ dạy họ ngay trong giờ đó những điều họ cần phải nói (Lu-ca 12:12). Vì vậy, sự khôn ngoan và tinh thần của Ê-tiên khi tranh luận với những người chống đối chắc hẳn đã đến từ việc ông được đầy dẫy Đức Thánh Linh.
Bằng chứng của việc được đầy dẫy Thánh Linh là bông trái Thánh Linh: yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ (Ga-la-ti 5:22-23). Những phẩm chất đó không được hình thành chỉ sau một đêm hay một trải nghiệm đầy cảm xúc mà qua nhiều tháng năm bước theo Thánh Linh (Ga-la-ti 5:16). Chúng ta có thể nhìn thấy những phẩm chất đó trong Ê-tiên trong đời sống phục vụ và chứng nhân. Kinh Thánh ghi lại, khi bị chống đối, vu cáo, và phải ra tòa để phải biện hộ, thì “mặt người như mặt thiên sứ vậy” (6:11-15). Chúng ta không rõ điều đó có nghĩa là ánh hào quang rực rỡ như Môi-se sau khi gặp gỡ Chúa, hay sự bình an thanh thản, nhưng có thể nói rằng khuôn mặt ấy “mô tả một người gần gũi với Chúa và phản ánh phần nào vinh quang của Ngài nhờ có sự hiện diện của Ngài (Xuất 34:29ff.)” (theo Howard Marshall). Những phẩm chất của bông trái Thánh Linh cũng được nhìn thấy qua thái độ khoan dung, nhu mì, trung tín và nhất là tình yêu thương, tha thứ của Ê-tiên đối với những người đã bách hại mình.
Đầy đức tin
Thứ hai, Ê-tiên được mô tả trong 6:5 là người đầy đức tin, tức là đức tin của ông nơi Đức Chúa Trời. Bài giảng của Ê-tiên trong chương 7 cho thấy rằng ông tin vào một Đức Chúa Trời tối cao, Đấng đã gọi Áp-ra-ham ra khỏi một xứ ngoại giáo và thông qua các giao ước của Ngài với Áp-ra-ham cùng dòng dõi ông, đã sai Chúa Giê-xu là Đấng Công Chính đến cứu dân Ngài, bất chấp lịch sử nổi loạn của họ. Những cái chết của các sứ giả của Đức Chúa Trời và thập tự giá của Đấng Christ không nằm ngoài quyền tể trị của Đức Chúa Trời! Sự tràn đầy đức tin của Ê-tiên đến từ lòng tin vào một Đức Chúa Trời tối cao, Đấng sử dụng ngay cả những hành động gian ác của con người để hoàn thành mục đích đời đời của Ngài qua Chúa Giê-xu và Hội Thánh. Nhận biết quyền tể trị của Đức Chúa Trời trên những đau khổ và thậm chí cả sự tuận đạo của con dân Ngài trong kế hoạch của Ngài, con dân trung tín của Ngài cũng như Ê-tiên có thể tràn đầy đức tin.
Đầy Khôn Ngoan
Thứ ba, Ê-tiên là người có đầy sự khôn ngoan từ Đức Thánh Linh, là Đấng ông nhờ cậy (c.10). “Khôn ngoan” là yêu cầu thứ hai trong tiêu chí tuyển chọn chấp sự (6:3). Từ “khôn ngoan” trong tiếng Hy Lạp chỉ được dùng bốn lần trong Công vụ, hai lần mô tả Ê-tiên (6:3, 10) và hai lần trong sứ điệp của ông trước Tòa Công luận (7:10, 22). Ê-tiên đã kinh nghiệm Lời Chúa trong Châm ngôn 2:6: “Vì Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan; từ miệng Ngài ra điều tri thức và thông sáng.” Sự khôn ngoan của ông đến từ Chúa, vì “Kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự khôn ngoan, sự nhìn biết Đấng Thánh ấy là sự thông sáng” (Châm 9:10). Kinh Thánh bày tỏ sự khôn ngoan của Chúa, cho nên việc cầu xin sự khôn ngoan luôn đi cùng với sự học biết Kinh Thánh, luật pháp, lời tiên tri, như chúng ta có thể thấy trong bài giảng của ông Ê-tiên (Công vụ 7).
Chữ “khôn ngoan” xuất phát từ một từ tiếng Do Thái có nghĩa là “kỹ năng”, vốn được dùng cho những người thợ thủ công có tài làm đền tạm và vật dụng trong đó (Xuất 36:1, 2). Vì vậy, nó mang sắc thái của kỹ năng sống một cuộc đời tốt đẹp. Nó đề cập đến hành vi đúng đắn trong việc vâng theo ý muốn của Đức Chúa Trời, chứ không chỉ thông thạo kiến thức. Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong Chúa Cứu Thế và thập giá. Đối với những người hư mất, thập tự giá là sự điên rồ, nhưng đối với những người được Đức Chúa Trời kêu gọi, Đấng Christ vừa là “quyền năng của Đức Chúa Trời, vừa là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 1:18, 24). Ê-tiên là người đầy khôn ngoan trong sự hiểu biết về thập giá của Đấng Christ, và tôn cao sự khôn ngoan của Chúa Cứu Thế và thập giá bằng cả đời sống và cái chết của mình.
Đầy ơn (ân điển)
Thứ tư, ông Ê-tiên được Kinh Thánh mô tả là “đầy ơn (ân điển)” (Công 6:8). Cụm từ này hàm ý rằng cá nhân ông có sự hiểu biết và kinh nghiệm ân điển của Đức Chúa Trời bày tỏ qua thập tự giá của Đấng Christ. Ông biết rằng sự cứu rỗi không đến từ việc làm hay sự công bình của con người, mà là bởi ân điển Đức Chúa Trời ban cho chúng ta từ khi chúng ta còn là tội nhân. Những người chống đối Ê-tiên khoe khoang về việc họ tuân thủ luật pháp, nhưng họ mù quáng không nhận ra hành vi phạm pháp của chính mình. Còn Ê-tiên thì chỉ khoe mình về ân điển của Đức Chúa Trời ban cho những tội nhân không xứng đáng.
Người kinh nghiệm và sống với ân điển của Chúa cũng trở thành người bày tỏ ân điển cho người khác. Kinh nghiệm ân điển bên trong sẽ tuôn chảy ra ngoài trong tinh thần khoan dung, nhân từ đối với người khác. Việc Ê-tiên đầy ân điển có nghĩa ông là một người có ân điển. Ông không nguyền rủa những kẻ bắt bớ khi họ ném đá mình, mà chúc phước cho họ bằng cách cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin đừng đổ tội này cho họ!” (7:60). Chúa Giê-xu đã làm điều đó trên thập tự giá, và những nhân chứng hữu hiệu nhất về Phúc Âm ân điển của Đức Chúa Trời là những người có lòng nhân từ đối với người khác, ngay cả với những người thô lỗ, xúc phạm hoặc làm hại mình.
Đầy quyền năng
Thứ năm, Ê-tiên được “đầy … quyền, làm dấu kỳ phép lạ rất lớn trong dân.” (6:8) Chức vụ của Ê-tiên không chỉ giới hạn ở việc giúp đỡ người nghèo. Đức Chúa Trời đã ban cho Ê-tiên khả năng thực hiện “những dấu kỳ và dấu lạ lớn lao” khi có cần để gây dựng Hội Thánh Ngài. Ngoại trừ 12 sứ đồ, chỉ có Ê-tiên, Phi-líp (8:6-7) và Ba-na-ba (15:12) trong Hội Thánh đầu tiên đã thực hiện phép lạ. Thì của động từ “làm” (6:8) cho thấy rằng Ê-tiên thường xuyên làm những việc kỳ diệu này. Đức Chúa Trời có thể làm phép lạ bằng bất cứ cách nào qua bất cứ người nào Ngài muốn, trong thời điểm của Ngài. Dù vậy, quyền năng vĩ đại của Chúa được thể hiện trong cuộc sống của chúng ta khi cứu chúng ta khỏi sự hư mất, quyền lực của tội lỗi, và đời sống vô nghĩa, bất an, thiếu niềm vui. Những người không tin Chúa thấy chúng ta trải qua cuộc đời đầy thử thách này với niềm vui và sự tạ ơn sẽ nhận thấy quyền năng mạnh mẽ của Chúa trong đời sống chúng ta.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…