Tên Áp-đia trong tiếng Hê-bơ-rơ nghĩa là “tôi tớ của Đức Giê-hô-va”. Chúng ta không biết gì về thân thế của ông ngoài chi tiết ông là một nhà tiên tri được Chúa dùng để rao truyền sứ điệp của Ngài và cũng là trước giả của sách Áp-đia.
Sách Áp-đia được liệt vào sách tiểu tiên tri trong Kinh Thánh. Mở đầu sách, ông Áp-đia đã khẳng định đây là “sự hiện thấy của Áp-đia” (câu 1) chứng minh ông thực sự là người được Chúa sử dụng và mọi điều ông viết đều đến từ sự khải thị đặc biệt của Chúa chứ không bởi ý riêng của ông. Nội dung của sách không có lời khuyên như sách tiên tri Giô-na hay những sách tiểu tiên tri khác. Sách chủ yếu công bố hình phạt của Chúa trên người Ê-đôm, một dân tộc có cùng tổ phụ với người Y-sơ-ra-ên (Sáng thế ký 25:19-26, 30; 35:10). Ông Áp-đia bày tỏ rằng Chúa sẽ dùng chính các nước từng là đồng minh của họ, từng ăn ở hòa thuận với họ dấy lên nghịch cùng họ, đánh và tiêu diệt họ (câu 1, 7). Họ sẽ bị cướp bóc, bị đuổi bắt, bị khinh dể (câu 2, 5), bị hủy diệt (câu 5). Lời tiên tri cho biết rằng tất cả những điều đó là hậu quả từ những gì họ đã sống và làm. Họ phải gặt lấy những gì họ đã gieo, mọi việc họ đã từng làm sẽ đổ lại trên mình họ (câu 13).
Người Ê-đôm đã làm gì để phải hứng chịu hậu quả kinh khiếp như vậy? Chúng ta được sự nhắc nhở gì cho đời sống mình khi học lấy những điều này? Qua lời của nhà tiên tri Áp-đia đề cập, chúng ta nhận biết có hai lý do khiến người Ê-đôm bị Chúa trừng phạt kinh khiếp:
1. Họ quá kiêu ngạo (câu 3)
Ê-đôm là một nước nằm sát phía đông nam của Y-sơ-ra-ên. Thủ đô bấy giờ của họ là Se-la, một thành phố được xem là hùng mạnh, vững chắc vì nằm trên những ghềnh đá cheo leo, có lối vào là một hẻm núi rất hẹp. Họ rất tự hào về điều đó. Bên cạnh đó, người Ê-đôm cũng tích trữ được rất nhiều châu báu (câu 6), có nhiều mối liên hệ quốc tế với các nước lân bang (câu 7), và giữa vòng họ có nhiều người tri thức và lính chiến (câu 8-9). Vì vậy, họ rất tự cao và kiêu ngạo về những gì mình đang có và xem mình trên cả muôn người. Họ cho rằng khó ai có thể xâm lấn và đánh bại được họ. Thậm chí, họ đã ngạo mạn nói rằng “ai sẽ có thể xô ta xuống đất” (câu 3).
Tuy nhiên, sự cao ngạo khiến người Ê-đôm quên một điều đó là họ chỉ “như giọt nước nhỏ trên thùng” hoặc “một mảy bụi rơi trên cân” trước mặt Đức Chúa Trời (Ê-sai 40:15). Dầu có thể không con người nào hay đế chế nào đánh bại được họ nhưng Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo nên họ có thể hủy diệt họ cách dễ dàng vì “Ngài giở các cù lao lên như đồ vật nhỏ”. Họ quên đi những gì họ có là sự ban cho của Chúa. Họ cũng quên luôn sự hiện diện của Đấng Toàn Năng nên cứ kiêu ngạo về bản thân của mình. Vì vậy, Đức Chúa Trời, Đấng “chống cự kẻ kiêu ngạo” phải ra tay trừng phạt họ. Lời Chúa phán với tiên tri Áp-đia về họ rằng: “Hỡi ngươi là kẻ ở trong khe vầng đá, trong nơi cao, ngươi nói trong lòng mình rằng: Ai sẽ có thể xô ta xuống đất? Sự kiêu ngạo của lòng ngươi đã lừa dối ngươi. Dầu ngươi lên cao như chim ưng, dầu ngươi lót ổ giữa các ngôi sao, ta cũng sẽ xô ngươi xuống khỏi đó, Đức Giê-hô-va phán vậy!” (câu 3-4). Tất cả những gì họ cho là kiên cố, vững chãi, an toàn đều sẽ bị Chúa đánh hạ. Của cải họ sẽ không còn, các nước đồng minh sẽ quay lưng đánh phá họ, những kẻ khôn đều sẽ bị diệt và những lính chiến của họ sẽ thất kinh chạy trốn hết cả (câu 5-9). Sự kinh khiếp sẽ giáng trên họ vì cớ sự kiêu ngạo của họ. Tất cả những sự kiêu ngạo đều sẽ bị Chúa đánh hạ vì Ngài gớm ghiếc “con mắt kiêu ngạo” (Châm ngôn 6:16-17).
Sự trừng phạt của Chúa trên Ê-đôm là bài học cảnh tỉnh cho những ai đang quá tự hào và kiêu hãnh về những gì mình đang có. Chúng ta cần nhớ, con người chỉ là giới hạn. Dẫu chúng ta có tri thức, có của cải, có địa vị nhưng phải ý thức mọi thứ là do Chúa ban cho để luôn khiêm nhường hạ mình trước sự hiện diện của Chúa. Mọi vinh hiển phải thuộc về Chúa. Chúng ta chỉ là công cụ được Chúa dùng mà thôi. Càng hạ mình càng khiêm cung thì ơn Chúa càng hơn vì “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gia-cơ 4:6). Đức Chúa Trời không nhường sự vinh hiển cho bất cứ ai. Và hễ ai muốn đưa mình lên thì đều bị đánh hạ. Vua Hê-rốt không nhường sự vinh hiển cho Chúa nên bị trùng đục mà chết (Công vụ 12:23). Dân Ê-đôm cũng vậy. Vì vậy, xin Chúa cho mỗi chúng ta luôn mặc lấy sự khiêm nhường hạ mình để mọi vinh quang đều thuộc về Đức Giê-hô-va.
2. Họ quá vô cảm và gian ác trước sự khốn khó của anh em mình là Y-sơ-ra-ên
Người Ê-đôm đã quá thờ ơ và vô cảm trước sự khốn khó của anh em mình là Y-sơ-ra-ên. Xét về mối liên hệ, cả hai dân tộc ra từ hai anh em ruột, có mối liên hệ họ hàng huyết thống thân thuộc là Ê-sau và Gia-cốp. Dẫu vậy, khi người Y-sơ-ra-ên gặp khó khăn, khốn khổ, bị kẻ thù xâm lược thì họ chỉ đứng nhìn và vui mừng về điều đó (câu 10-12). Không những vậy, họ còn chung tay để cướp bóc và giúp đỡ cho những kẻ thù của anh em mình (câu 13-14). Tiên tri A-mốt cũng lên án tội ác của họ đối với người Y-sơ-ra-ên như vầy: “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Bởi cớ tội ác của Ê-đôm đến gấp ba gấp bốn lần, nên ta không xây bỏ án phạt khỏi nó; vì nó đã dùng gươm đuổi theo anh em mình, bỏ cả lòng thương xót, và cơn giận nó cứ cắn xé không thôi, nuôi sự thạnh nộ đời đời” (A-mốt 1:11). Họ không những quá ích kỷ và vô cảm trước nỗi đau của anh em mình mà còn lợi dụng cơ hội để đối xử gian ác với người khốn cùng. Bởi cớ đó, Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt họ cách nặng nề.
Đây là bài học Chúa muốn nhắc nhở chúng ta là con dân Chúa và là anh em của nhau. Chúng ta cùng nhờ dòng huyết của Chúa Jêsus được sanh lại trong đại gia đình của Đức Chúa Trời. Vì vậy, điều Chúa đòi hỏi nơi chúng ta là phải sống yêu thương, quan tâm giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Việc bày tỏ tình yêu bằng những việc lành cụ thể nhất là đối với anh em trong Chúa là không thể thiếu trong đời sống của một Cơ Đốc nhân. Chúa Jêsus đã đưa ra hai số phận trong ngày cuối cùng bởi cách họ đối đãi với “anh em Chúa” trong Ma-thi-ơ 25:31-46. Những ai có lòng yêu thương và quan tâm giúp đỡ anh em mình trong cảnh thiếu thốn, khó khăn thì được vào sự sống đời đời. Ngược lại, những ai thờ ơ, vô cảm trước hoàn cảnh khốn cùng của người khác thì phải chịu lấy hình phạt đời đời. Bởi vì sao? Bởi vì chỉ có người thuộc về Chúa thực sự mới có thể yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ người khác, còn người không có Chúa chỉ biết sống cách ích kỷ cho riêng mình và đôi khi sẵn sàng lợi dụng người khác để thu lợi về cho bản thân mình. Lời Chúa khẳng định rằng: “Ai chẳng yêu thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương”(I Giăng 4:8).
Vì vậy, là con cái Chúa mỗi chúng ta phải sống yêu thương. Tình yêu đó không chỉ bằng lời nói nhưng phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể giống như người Sa-ma-ri nhân lành (Lu-ca 10:25-37). Khi nhìn thấy hoàn cảnh khốn khó của người bị cướp dọc đường, người Sa-ma-ri đã sẵn lòng giúp đỡ và thậm chí phải hi sinh thời gian, công sức, tiền của để đem người bị thương đi chữa trị, dầu vậy ông cũng vui lòng. Ông làm việc đó trước mắt không được gì, chỉ thấy mất. Dẫu vậy, chính tình yêu của Chúa trong ông khiến ông vui lòng mà làm và không tính toán thiệt hơn gì cả.
Xin Chúa cho mỗi chúng ta tránh đi tinh thần của người Ê-đôm mà học lấy tinh thần sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ anh em mình để đẹp lòng Chúa. A-men.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…