Giăng Báp-tít làm chứng về Chúa Jêsus
Kinh Thánh: Giăng 5:31-35 “Nếu ta tự mình làm chứng lấy, thì sự làm chứng ấy không đáng tin. Có người khác làm chứng cho ta, và ta biết rằng…
Không đi ra làm chứng có mắc tội không?
Xin cho em hỏi: Trong nếp sống đạo có việc chúng ta phải đi ra làm chứng cho người ngoại, nếu chúng ta không làm chứng thì có bị mắc…
Thẩm quyền gọi kẻ chết sống lại của Chúa Jêsus
Kinh Thánh: Giăng 5:28-30 “Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi; ai đã làm lành…

Na-ô-mi: Mẹ chồng gương mẫu (Phần 2)

Thoạt đầu, mặc dù nhiều độc giả Cơ Đốc tập trung vào việc Na-ô-mi thay đổi tên thành cay đắng sau khi mất chồng và hai con trai, nhưng Na-ô-mi là người nữ sống theo đức tin của mình, cũng như chân thật trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời và người khác. Nếu Na-ô-mi không giữ đức tin nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời, thì không người nào trong hai con dâu của bà muốn trở về Bết-lê-hem với bà, và Ru-tơ cũng không thể biết được Đức Chúa Trời là ai nếu mẹ chồng không sống đúng theo đức tin của bà ấy. Có thể Na-ô-mi không có cuốn Kinh Thánh cho riêng mình, nhưng bà là một nhân vật hỗ trợ trong chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời và sự đến của Vua Jêsus, Đấng Cứu Thế.

2. Na-ô-mi từ mất mát đến còn mãi

Cuộc đời của Na-ô-mi không dừng lại trong đau khổ và cay đắng vì mất chồng và hai con trai, mất nhà cửa khi rời khỏi quê hương, cũng như đau buồn vì những mất mát nầy (tham chiếu phần 1). Dù trong hoạn nạn lớn, Na-ô-mi vẫn còn đức tin nơi Giê-hô va Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng. Điều nầy được chứng minh trong lời thừa nhận của Na-ô-mi. Bà gọi Đức Chúa Trời là “Đấng Toàn Năng” hai lần (Ru-tơ 1:20-21). Đấng Toàn Năng là danh xưng của Đức Chúa Trời, theo tiếng Hê-bơ-rơ là אֵ֣ל שַׁדַּ֔י (El Shaddai) nghĩa là “Đấng nắm hết mọi quyền lực” hoặc “Đấng có đầy đủ mọi khả năng”.

Thật vậy, chính Đấng Toàn Năng mà Na-ô-mi tin cậy đã chuẩn bị những gì cần thiết để thay đổi mọi thứ xung quanh khiến Na-ô-mi từ mất mát đến còn mãi. Ngài đã chuẩn bị mùa gặt lúa mạch tại quê nhà khi Na-ô-mi và Ru-tơ trở về (Ru-tơ 1:20). Chắn chắn đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên vì Bết-lê-hem, nơi Na-ô-mi rời khỏi trước đây là nhà bánh (theo nghĩa đen), lúc nầy những cánh đồng lúa đang chín vàng. Đấng Toàn Năng vẫn tiếp tục hành động trong hoàn cảnh mất mát của Na-ô-mi bằng sự quan tâm chăm sóc người goá bụa và người nghèo thiếu. Ngài là Đấng ban luật mót lúa cho con dân Ngài mà giờ đây Na-ô-mi cần luật nầy được thực hiện đúng thời điểm: “Khi các ngươi gặt lúa trong xứ mình, chớ có gặt đến cuối đầu đồng, và chớ mót lại những bông còn sót; các ngươi chớ cằn mót nho mình, đừng nhặt những trái rớt rồi, hãy để cho mấy người nghèo và kẻ khách: Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi” (Lê vi Ký 19:9-10). Những quy định về gặt lúa và mót lúa nầy dành cho khách lạ, trẻ mồ côi, người nghèo và goá bụa có cơ hội thu nhặt thực phẩm một cách đàng hoàng mà không buộc phải ăn xin để duy trì sự sống (tham chiếu Phục truyền Luật lệ Ký 24:19-22).

Mặc dù Na-ô-mi không cùng ra nhặt lúa với con dâu của mình, nhưng chính bà là người gạt nhu cầu của mình qua một bên để tập trung vào hạnh phúc và tương lai của Ru-tơ, con dâu hiếu thảo của bà. Quả thật, giờ đây chúng ta có thể thấy một Na-ô-mi không tỏ đau buồn vì mất mát, mà tìm thấy hy vọng và phước hạnh từ Đấng Toàn Năng ban cho bà một nàng dâu thảo Ru-tơ (xem Ru-tơ 2:1-2, 19-20).

Hơn nữa, là mẹ chồng gương mẫu, Na-ô-mi khuyên dạy Ru-tơ bước vào cuộc hôn nhân với Bô-ô theo kế hoạch một cách cẩn thận (xem Ru-tơ 3). Tấm lòng quan tâm của mẹ chồng vì tương lai của con dâu được ghi lại rất rõ: “Na-ô-mi, mẹ chồng của Ru-tơ, nói với nàng: “Con gái của mẹ, mẹ phải lo cho con một chỗ an thân để con được hạnh phúc” (Ru-tơ 3:1-TTHĐ). Khi chúng ta phục vụ chăm sóc người khác thì đó là lúc chính chúng ta tìm thấy niềm vui lớn nhất và sự thỏa lòng nhất. Quả thật, Đức Chúa Trời hành động qua kế hoạch Na-ô-mi vạch ra để cuối cùng chính Na-ô-mi tìm thấy hy vọng còn mãi cho bà và cho nàng dâu của mình. Từ nỗi cay đắng và thất vọng vì sự mất mát, Na-ô-mi được phục hồi trong hy vọng và đức tin về một tương lai tươi sáng, đầy hứa hẹn trong chuyến trở về quê hương. Thật vậy, Đức Chúa Trời ban cho Na-ô-mi đứa cháu tên là Ô-bết qua hôn nhân của Bô-ô và Ru-tơ. Cuối cùng, Na-ô-mi nhận được đứa con trai nầy, và phước hạnh vẫn còn mãi cả tuổi già của bà (xem Ru-tơ 4:13-22). Ô-bết không những đem lại cho Na-ô-mi sự yên ủi, niềm hy vọng, và phước hạnh mà còn là nguồn phước hạnh cho Y-sơ-ra-ên nói riêng và cả thế giới nói chung. Ô-bết được đặc ân làm ông tổ của Đấng Mết-si-a (tham chiếu Ma-thi-ơ 1:1-6).

Chắc chắn, Na-ô-mi được an ủi rất nhiều vì bà biết danh tiếng của gia đình bà sẽ vẫn còn mãi, tên con dâu Ru-tơ và con rể Bô-ô nằm trong gia phả của Đức Chúa Jêsus Christ. Nói tóm lại, Na-ô-mi là mẹ chồng gương mẫu dành cho tất cả những người mẹ chồng Cơ Đốc.

Những bài học suy gẫm

1. Đức tin của Na-ô-mi vẫn mạnh mẽ khi đối diện với điều bất định.

Giữa lúc đau buồn vì sự mất mát quá lớn, Na-ô-mi đã từng quy nỗi cay đắng do Đức Chúa Trời gây nên (Ru-tơ 1:20). Thế nhưng, điều kỳ diệu là một khi Na-ô-mi bắt đầu nói với Đức Chúa Trời, thì bà gọi danh xưng của Ngài là “Đấng Toàn Năng,” không những một lần mà hai lần. Điều nầy chứng tỏ đức tin của Na-ô-mi nơi Chúa thật vững vàng, mạnh mẽ vì bà biết rằng Chúa cho phép những điều khủng khiếp nầy xảy ra trong cuộc đời của bà. Dù hoàn cảnh của Na-ô-mi có thể làm cho bà chao đảo, nhưng bà vẫn giữ vững đức tin nơi Đấng Toàn Năng và chăm xem Ngài. Cho dù Na-ô-mi biết danh Chúa ở mức độ nào, thì Chúa vẫn tuôn đổ sự thương xót đầy ân điển và kế hoạch cứu chuộc của Ngài trên cuộc đời của bà. Cuộc đời của Na-ô-mi thôi thúc Cơ Đốc nhân ngày nay sống đời sống tôn cao danh Chúa. Na-ô-mi không toàn hảo, nhưng có đức tin nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời đến nỗi con dâu Ru-tơ của bà nhận ra và mong muốn đức tin đó cho bản thân. Trong đời sống của chúng ta, Đức Chúa Trời cho phép những lúc gian truân xảy đến không phải để làm chúng ta ngã quỵ, nhưng Ngài cho phép những hoàn cảnh đó khiến chúng ta ngồi xuống, nhìn xem Ngài là Đức Chúa Trời, và kêu cầu Danh Chúa. Tác giả thi thiên khẳng định lẽ thật nầy: “Lạy Đức Giê-hô-va, những người biết danh Ngài sẽ tin cậy Ngài, vì Ngài chẳng từ bỏ người nào tìm kiếm Ngài” (Thi 9:10-TTHĐ).

  1. Đức Chúa Trời luôn sắm sẵn

    Cho dù tình thế hay hoàn cảnh của chúng ta bất khả thi ra sao trong giờ phút đó, thì Đức Chúa Trời vẫn luôn giữ lời hứa. Ngài hứa nuôi nấng con cái Ngài và ban phước cho những ai tìm kiếm Ngài. Đức Chúa Trời luôn thành tín với dân sự Ngài. Lịch sử tuyển dân Y-sơ-ra-ên đã chứng thực cho sự thành tín của Ngài. Lời hứa vĩ đại dành cho Cơ Đốc nhân: “Trước kia tôi còn trẻ, nay đã già, tôi chẳng hề thấy người công chính nào bị bỏ, hay dòng dõi người ấy đi ăn mày” (Thi 37:25-TTHĐ). Na-ô-mi trở về quê hương với hai bàn tay trắng, nhưng Đức Chúa Trời không hề lìa bỏ bà bằng cách sắm sẵn mùa gặt lúa mạch đem lại cho bà và con dâu của bà sự no đủ. Y như Đức Chúa Trời nuôi nấng chim sẻ và mặc áo tốt cho loài hoa ngoài đồng, Ngài sẽ chăm sóc đồ ăn đồ mặc cho con cái Ngài. Ngài sắm sẵn điều tốt nhất khi chúng ta vâng phục Ngài.

    Hơn nữa, Đức Chúa Trời không lìa bỏ Na-ô-mi và đã sắm sẵn cho bà một Ru-tơ. Cũng vậy, Đức Chúa Trời không lìa bỏ chúng ta. Ngay trong những nỗi buồn, và đau đớn sâu lắng nhất, Ngài vẫn ở đó, bồng ẵm chúng ta bằng tình yêu thương thành tín của Ngài qua những con người Ngài đặt để quanh chúng ta.
  2. Đức Chúa Trời cứu chuộc kẻ hư mất

    Mặc cho nỗi cay đắng và những tranh chiến của bà, nhưng trong kế hoạch cứu chuộc vĩ đại của Đức Chúa Trời không những dành cho thế giới mà còn cho cuộc đời và tấm lòng tan vỡ của bà, Na-ô-mi được đem trở về Bết-lê-hem đúng thời điểm để bà tìm thấy Chúa và được phục hồi. Cũng vậy, Na-ô-mi nghĩ rằng dòng dõi gia đình của bà đến hồi kết, nhưng Đức Chúa Trời khiến cho điều đó tiếp tục qua người bà con có quyền chuộc sản nghiệp. Ngay khi chúng ta rơi vào đường cùng và không thể nhìn thấy bất cứ điều tốt đẹp nào từ hoàn cảnh của chúng ta, thì câu chuyện của Na-ô-mi nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Trời đang thực hiện sự cứu chuộc và sự phục hồi. Thật vậy, khi Na-ô-mi cảm nhận Đức Chúa Trời hành động qua Bô-ô, bà vui mừng. Na-ô-mi góp phần mở đường cho Ru-tơ được cứu chuộc, và trong quá trình đó, bà để Đức Chúa Trời cứu chuộc dòng dõi gia đình bà. Khi dường như chúng ta mất tất cả và khi dường như mọi hy vọng đều tan biến, thì hãy nhìn lên. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc, và danh Ngài là Jêsus.

    (Theo sự hỗ trợ từ Nữ Truyền đạo Lê Thị Lệ Thanh)

    Sách tham khảo
    Kinh Thánh tiếng Việt (BTT)
    Arnold, Bill C & Beyer, B.E. (2020). Nghiên Cứu Cựu Ước: Một Tổng Quan Theo Quan Điểm Tin Lành Thuần Tuý. Viện Thánh Kinh Thần Học-Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Nhà xuất bản tôn giáo.
    Henry, Matthew. (1921). Matthew Henry’s Commentary on the whole Bible, Vol 2. Joshua to Esther. New York: Flemming H. Revell Company.
    Keil, C.E & Delitzsch, F. (1982). Commentary on the Old Testament in Ten Volumes: Joshua, Judges, Ruth, I&II Samuel. Vol 2. Grand Rapids, MI: Wm B Eerdmans.
    Marshall, I. Howard et all.,. (2009). Thánh Kinh tân tự điển. 3rd Ed. by Viện Thần Học Việt Nam. Nhà xuất bản Hồng Đức.
    Wiersbe, Warren.W. (2007). The Wiersbe Bible Commentary: Old Testament. David C. Cook U.K., Kingsway Communications.
Thu Hồng

Recent Posts

Giăng Báp-tít làm chứng về Chúa Jêsus

Kinh Thánh: Giăng 5:31-35 “Nếu ta tự mình làm chứng lấy, thì sự làm chứng…

14 giờ ago

Không đi ra làm chứng có mắc tội không?

Xin cho em hỏi: Trong nếp sống đạo có việc chúng ta phải đi ra…

1 ngày ago

Thẩm quyền gọi kẻ chết sống lại của Chúa Jêsus

Kinh Thánh: Giăng 5:28-30 “Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi…

2 ngày ago

Thẩm quyền ban sự sống của Chúa Jêsus

Kinh Thánh: Giăng 5:24-27 "Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe…

2 ngày ago

Mối liên hệ giữa Cha và Con

Kinh Thánh: Giăng 5:19-23 "Vậy, Đức Chúa Jêsus cất tiếng phán cùng họ rằng: Quả…

4 ngày ago

Có phải Đức Chúa Trời đã dừng công việc Ngài?

Kinh Thánh: Giăng 5:16-18 "Nhân đó dân Giu-đa bắt bớ Đức Chúa Jêsus, vì cớ…

5 ngày ago