La-xa-rơ, sống trong làng Bê-tha-ni, là người bạn của Chúa Jêsus từ thời thơ ấu. Làng Bê-tha-ni cách xa phía đông nam thành Giê-ru-sa-lem khoảng hai dặm đường. Ông có hai người em gái là Ma-ri và Ma-thê, là những người thân thiết và đã giúp đỡ Chúa Jêsus suốt thời gian Chúa thi hành chức vụ. Câu chuyện về La-xa-rơ được ghi lại trong sách Giăng 11:1-44. Trước đó, Chúa Jêsus đã viếng thăm ba anh chị em này và được tiếp đón rất thân thiện. Em của ông, Ma-ri ngồi dưới chân Chúa Jêsus và lắng nghe Lời của Ngài. Ma-thê, chị của Ma-ri đã phàn nàn với Chúa Jêsus về em mình vì đã không giúp bà trong việc phục vụ (Lu-ca 10:38-42).
1/ La-xa-rơ là ai?
Tên của ông được viết tắt từ chữ Ê-lê-a-sa, theo nguyên ngữ có nghĩa là “Đức Chúa Trời cứu giúp.” La-xa-rơ này không có mối liên hệ với một người La-xa-rơ nghèo khổ trong thí dụ ở Lu-ca 16:19-31, khi chết được thiên sứ đem để vào lòng Áp-ra-ham, trong khi người giàu ở nơi âm phủ bị đau đớn và nhờ sai La-xa-rơ đó có thể giúp cho hết khát, cũng như quay trở lại thế giới của người sống để cảnh báo cho các anh em ông ta về số phận đang chờ họ sau khi chết.
Phép lạ nổi tiếng và gây ấn tượng sâu sắc về La-xa-rơ đã chết và được chôn 4 ngày và được kêu sống lại bởi quyền năng của Chúa Jêsus được ký thuật chi tiết trong Giăng 11:1- 44, với những chi tiết thêm vào về La-xa-rơ trong Giăng 12:1-2, 9-10 và 17. Ngoài sự ký thuật từ sứ đồ Giăng, Kinh Thánh cho biết Chúa Jêsus đã viếng thăm nhà họ một vài lần trong Ma-thi-ơ 21:17, 26:6; Mác 11:1, 11-12, 14:3; Lu-ca 19:29, và 24:50.
Trong Giăng 11:5 cho chúng ta biết, “…Đức Chúa Jêsus yêu Ma-thê, em người, và La-xa-rơ”. Từ liệu “yêu” được sử dụng ở đây nói đến tình yêu thương vô điều kiện, không quan tâm đến bản thân mình hơn người khác. Chúa Jêsus yêu mến họ với tình yêu thương sâu sắc. Vì vậy, không ngại để nói La-xa-rơ và hai người em gái của ông là những người bạn yêu dấu của Chúa Jêsus. Đây có thể là một gia đình tin kính Chúa. Trong Giăng 11:2 cho biết La-xa-rơ đương đau, điều đó đã thúc giục Ma-thê và Ma-ri sai người đến gặp và cho Chúa Jêsus biết tin. Từ thông điệp của họ báo cho Chúa “Lạy Chúa, nầy, kẻ Chúa yêu mắc bệnh,” nhưng Chúa phải ở lại hai ngày nữa nơi Ngài đang ở. Dù trước đó dân Giu-đa tìm cách ném đá Chúa, nhưng Chúa phán với các môn đồ trở về xứ Giu-đê. Khi về đến làng Bê-tha-ni, Chúa biết La-xa-rơ đã chết, và được chôn trong mộ bốn ngày rồi, nhưng Chúa có quyền khiến ông sống lại.
2/ Tại sao Chúa Jêsus không chữa lành cho La-xa-rơ ngay lập tức?
Chúa Jêsus trả lời câu hỏi này trong Giăng 11:4, “Đức Chúa Jêsus vừa nghe lời đó, bèn phán rằng: Bệnh nầy không đến chết đâu, nhưng vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời hầu cho Con Đức Chúa Trời bởi đó được sáng danh.” Đây là lời tuyên bố đầy ý nghĩa thần học đáng để suy gẫm từ những điều Chúa phán dạy sau đó.
Cụm từ “bệnh nầy không đến chết đâu”: Chúa Jêsus đã bày tỏ sự toàn tri của Ngài cho các môn đồ vẫn còn đang trong tình trạng nghi ngờ Chúa. Nhưng sau đó, họ chứng kiến quyền năng của Chúa thi thố ngay trên sự chết, đó là khiến kẻ chết sống lại.
Cụm từ “vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” cho thấy trong mọi điều Ngài thực hiện, Chúa tập trung vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Giăng 17:4-5).
Cụm từ “…hầu cho Con Đức Chúa Trời bởi đó được sáng danh” cho thấy rằng khi gọi chính Ngài là Con Đức Chúa Trời, Chúa Jêsus bày tỏ Ngài là Đức Chúa Trời và có cùng bản tánh của Đức Chúa Trời (Cô-lô-se 2:9; Hê-bơ-rơ 1:2-3).
Danh xưng “Con Đức Chúa Trời” cũng có nghĩa Ngài là Con độc sanh yêu dấu của Đức Chúa Cha. Tình yêu thương của Con Đức Chúa Trời (Cô-lô-se 1:13; Ma-thi-ơ 17:5) là điểm quyết định đức tin của Cơ Đốc nhân đi theo Chúa Jêsus – Con Đức Chúa Trời.
Mục đích cuối cùng cho sự đến chậm của Chúa Jêsus, là để bày tỏ Ngài được vinh hiển. Đúng thời điểm thích hợp Chúa bày tỏ lòng thương xót, khích lệ Ma-thê và Ma-ri, và dạy cho các môn đồ của Ngài. Bởi sự toàn tri của Ngài, Chúa Jêsus đã biết tình trạng của La-xa-rơ rồi.
Một khả năng khác cũng thật đáng suy nghĩ, đó là Chúa Jêsus đến chậm hơn là để khẳng định La-xa-rơ thật sự đã chết khi Chúa khiến ông sống lại. Trong Kinh Thánh, có hai trường hợp khác Chúa Jêsus khiến người chết sống lại ngay lập tức sau khi họ đã chết (con trai của người đàn bà góa trong Lu-ca 7:11-16 và con gái của Giai-ru trong Lu-ca 8:40-56). Sự sống lại của La-xa-rơ xảy ra sau khi ông đã chết và nằm trong mộ được 4 ngày.
Hơn nữa trong câu 14 và 15, Chúa Jêsus đã phán với những môn đồ của Ngài: “Đức Chúa Jêsus bèn nói tỏ tường cùng môn đồ rằng: La-xa-rơ chết rồi. Ta vì các ngươi mừng không có ta tại đó, để cho các ngươi tin, nhưng chúng ta hãy đi đến cùng người.” Chúa đã sử dụng sự việc này như một cơ hội kỳ diệu để dạy dỗ các môn đồ biết rằng Ngài là Đấng sống và đã đánh bại sự chết (Khải Huyền 1:18).
Tại mộ của La-xa-rơ, sau khi Chúa Jêsus truyền lăn đi hòn đá chặn cửa mộ (Giăng 11:38-40), Ma-thê xác nhận và thưa với Chúa rằng ở đây đã có mùi bởi vì La-xa-rơ chết 4 ngày rồi. Chúa phán và cho Ma-thê biết trong câu 40: “…Ta há chẳng từng nói với ngươi rằng nếu ngươi tin thì sẽ thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời sao?” Khi hòn đá chặn cửa mộ được lăn đi, Chúa đã nhướng mắt lên trời và cầu nguyện với Đức Chúa Cha trước mặt tất cả những người đang đứng tại đó, “…hầu cho họ tin rằng ấy chính Cha là Đấng đã sai tôi đến.”
3/ Tại sao Chúa Jêsus khóc về La-xa-rơ?
Trên đường đến nhà của Ma-thê, Ma-ri và La-xa-rơ, Ma-thê đã ra ngoài chạy đến với Chúa Jêsus trước khi Ngài đến và đau lòng khi nói rằng anh của bà không chết nếu có Chúa Jêsus ở đây. Hơn nữa, bà bày tỏ lòng tin của mình vào quyền năng của Chúa khi nói Đức Chúa Trời ban cho Chúa Jêsus bất cứ điều gì Ngài cầu xin. Chúa Jêsus nói cho Ma-thê biết: La-xa-rơ sẽ sống lại, và Ma-thê đã đáp lại bà vẫn biết La-xa-rơ sẽ sống lại trong sự sống ngày cuối cùng. Chúa Jêsus đáp lại với thông điệp đầy quyền năng: “Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là sự sống lại và sự sống, kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin ta thì không hề chết. Ngươi tin điều đó chăng?” (Giăng 11:25-26). Chúa đã hỏi Ma-thê nếu bà tin điều đó, bà đáp ứng ngay: “Lạy Chúa, phải, tôi tin Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, là Đấng phải đến thế gian.” (Giăng 11:27).
Nghe Chúa Jêsus đang đến gần, Ma-ri cũng đã chạy đến Ngài, đi theo là đám dân đông những người than khóc và những người Giu-đa. Trong câu 33, chúng ta thấy Chúa Jêsus “thấy người khóc, và những người Giu-đa đi với người cũng khóc, bèn đau lòng cảm động mà phán rằng: Các ngươi đã chôn người ở đâu?”
Cụm từ “đau lòng cảm động” nói đến sự tổn thương hoặc cảm xúc phẫn nộ. Chúa Jêsus đã đối diện với dân chúng không có lòng tin nơi Ngài hoặc không tin sự sống lại. Và những người không tin này đã hành động giống như những người không có sự trông cậy. Chúa Jêsus là Đường đi, Chân lý và Sự sống đang đứng trước họ, nhưng họ vẫn thản nhiên đối với Ngài. Trong sự giận vì thế gian sa ngã, Ngài đã đến trong thế gian này, và “Đức Chúa Jêsus khóc” (Giăng 11:35).
Thật vậy, Chúa Jêsus yêu La-xa-rơ (Giăng 11:5), nhưng Chúa biết Ngài sẽ khiến ông sống lại, vì vậy, Chúa không quá đau buồn về cái chết của La-xa-rơ. Ngài động lòng thương xót những con người hư mất là những kẻ Ngài đến để cứu vớt họ, như đã chứng minh trong các phần Kinh Thánh khác được ký thuật trong Ma-thi-ơ 23:37; Mác 6:34.
4/ Những bài học quan trọng từ câu chuyện về La-xa-rơ
(1) Chúa Jêsus là sự Sống lại và sự Sống: Khi những thử thách xảy đến trong đời sống quá nhiều, hãy suy nghĩ về Chúa là Đấng Cứu rỗi đã đem chúng ta trở lại con đường đúng. Đối với một Cơ Đốc nhân, đời sống trên đất này không phải là tất cả, bởi vì một ngày kia Chúa Jêsus đầy vinh hiển sẽ khiến chúng ta sống lại và ban cho chúng ta một thân thể đầy vinh hiển như Ngài đã hứa trong Giăng 11:26. Do đó, mỗi một ngày là ngày tốt lành, vui mừng (Phi-líp 4:4) vì Cơ Đốc nhân thuộc về Ngài và không một ai có thể cướp lấy chúng ta khỏi tay của Ngài (Giăng 10:28). Rô-ma 10:9 và 1 Cô-rinh-tô 12:3 đều tuyên bố lẽ thật này và 2 Ti-mô-thê 1:10 bày tỏ Chúa Jêsus đã tiêu trừ sự chết. Vì vậy, Cơ Đốc nhân cũng là những người thắng hơn, cứ tin cậy Chúa Jêsus.
(2) Chúa Jêsus động lòng thương xót và gọi tên mỗi một người – “Hỡi La-xa-rơ, hãy ra!” – không chỉ cho La-xa-rơ nhưng để làm chứng một sự kiện gây ấn tượng sâu sắc bởi Đấng có quyền thế cao cả trên sự chết. Nếu Chúa Jêsus không gọi tên La-xa-rơ, và đơn giản nói: “Hãy ra!” mọi linh hồn đã chết sống lại chăng? Kinh Thánh nói Ngài yêu chúng ta. Giăng, môn đồ Chúa yêu (Giăng 21:20), sâu nhiệm về tình yêu thương của Chúa Jêsus và đã ghi lại rằng Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước (1 Giăng 4:19).
(3) Chúa Jêsus làm mọi điều vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Rô-ma 14:23 cho biết làm bất cứ điều gì không bởi đức tin là tội lỗi. Thật vậy, để làm vinh hiển Đức Chúa Trời, trước tiên chúng ta phải có đức tin nơi Ngài. Cơ Đốc nhân có lòng tin cậy những việc Ngài đã, đang và sẽ làm cho chúng ta. Đó là đặc ân để dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 6:9). Hãy học làm thế nào để làm vinh hiển Đức Chúa Trời!
(4) Sự khôn ngoan và sự thông sáng của Chúa Jêsus không phụ thuộc con người. Dường như những người xung quanh Chúa Jêsus hỏi về quyết định của Ngài chậm đến viếng thăm người bạn đau bệnh. Thời điểm của Đức Chúa Trời luôn luôn là hoàn hảo, vì Ngài là Đấng Toàn Tri. Hãy tin cậy vào chân lý của Kinh Thánh, đó là sứ điệp của Đức Chúa Trời cho mỗi một chúng ta.
(5) Chúa Jêsus đã đến phục hồi mối liên hệ với mọi người, không chỉ là những người Giu-đa (1 Giăng 2:2). Không giống như những lãnh đạo Do Thái, Chúa Jêsus đã giao tiếp với tất cả mọi người. Bởi vì Chúa Jêsus và tình yêu thương mà Ngài truyền tải cho chúng ta, Cơ Đốc nhân có thể chia sẻ tin tức tốt lành với mọi người. Chúng ta được truyền lệnh gặp gỡ thường xuyên với các anh chị em cùng đức tin (Hê-bơ-rơ 10:24-25) và đi vào trong thế gian (Ma-thi-ơ 28:19-20). Chúa Jêsus đã phán: “…người nào sống và tin ở trong Ngài sẽ không bao giờ chết mất.”
(6) Cơ Đốc nhân có thể trải qua sự đau buồn với niềm hy vọng. 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:13 nhắc nhở Cơ Đốc nhân không giống như những người không có hy vọng. Hy vọng của chúng ta ở nơi Đấng Đời Đời, đó là một ngày kia, Đấng ấy khiến chúng ta sống lại bước vào sự sống đời đời với Ngài (Giăng 11:25; Rô-ma 6:5; 1 Cô-rinh-tô 15:42). Chúng ta có thể làm điều này mỗi ngày khi đọc và suy gẫm Lời Chúa, đức tin của chúng ta lớn lên, trưởng thành.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)
Kinh Thánh: Giăng 6:16-21 "Đến chiều, môn đồ xuống nơi bờ biển, và vào trong…
Kinh Thánh: Giăng 6:14-15 "Những người đó thấy phép lạ Đức Chúa Jêsus đã làm,…
Kinh Thánh: Giăng 6:12-13 "Khi chúng đã ăn được no nê, Ngài phán với môn…
Kinh Thánh: Giăng 6:8-11 "Một môn đồ, là Anh-rê, em của Si-môn Phi-e-rơ, thưa rằng:…
Em muốn hỏi chút, em và bạn gái có lỡ quan hệ, hiện tại em…
Kinh Thánh: Giăng 6:1-7 “Rồi đó, Đức Chúa Jêsus qua bờ bên kia biển Ga-li-lê,…