Kinh Thánh: Công vụ 8:26-40
Hội Thánh trong những ngày đầu với quyền năng của Đức Thánh Linh đã nhanh chóng đem nhiều người trở lại với Chúa. “Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội Thánh” (Công vụ 2:47; 6:7). Số tín hữu có lúc tăng lên hàng ngàn người qua lời giảng của các sứ đồ (Công vụ 2:41; 4:4). Con dân Chúa càng đông thì nhu cầu công việc nhà Chúa tăng cao. Mười hai sứ đồ không thể chu toàn đầy đủ mọi sự phục vụ. Hội Thánh cần có những người hỗ trợ về việc cấp phát hằng ngày cho con dân Chúa để các sứ đồ chuyên lo về sự cầu nguyện và chức vụ giảng đạo. Vì vậy, toàn thể Hội Thánh đã cầu nguyện và bầu ra bảy vị có danh tốt, đầy dẫy Đức Thánh Linh và trí khôn để phụ giúp công việc bàn tiệc. Và một trong bảy người được chọn đặc biệt chú ý tại đây là chấp sự Phi-líp (Công vụ 6:1-6).
Chúng ta không rõ chấp sự Phi-líp theo Chúa từ lúc nào. Dầu vậy, dựa trên những tiêu chí để cử ra chấp sự mà các sứ đồ đưa ra thì có thể hiểu ông là người kính sợ Chúa và có tâm tình trong công tác phục vụ. Ông đã được Chúa lựa chọn để cùng hầu việc Chúa với các sứ đồ. Ông cũng được Chúa ban ơn cùng năng quyền để làm được nhiều phép lạ hầu giúp đỡ cho những người bị tà ma ám, người bị bại và bị què (Công vụ 8:5-8).
Tâm tình dấn thân của chấp sự Phi-líp càng nổi bật hơn trong thời kỳ Hội Thánh gặp bắt bớ dữ dội và khốc liệt. Ông và con dân Chúa phải chạy tản lạc khắp nơi vì bị bách hại. Nhưng điều mà chúng ta ngạc nhiên đó là con cái Chúa đi đến đâu thì họ đều rao giảng Tin Lành đến đó (Công vụ 8:4). Chấp sự Phi-líp cũng vậy, dầu phải chạy nạn từ Giê-ru-sa-lem đến Sa-ma-ri nhưng tại đây ông vẫn năng nổ rao giảng về đạo Chúa. Vì vậy rất nhiều người đã tin Chúa qua ông (Công vụ 8:12-13).
Tuy nhiên, khi ông đang rất thành công tại Sa-ma-ri thì Chúa có một sứ mệnh cho ông ở một nơi khác. Ông đã có sự đáp ứng rất tích cực, và qua đây để lại cho chúng ta những bài học ý nghĩa thiết thực:
1. Sẵn sàng trong mọi công tác Chúa giao
Như đã nói, chấp sự Phi-líp đang rất kết quả cho công việc nhà Chúa ở tại Sa-ma-ri. Nhiều người “từ trẻ đến già” bởi lời rao giảng của ông mà đặt lòng tin nơi Chúa (Công vụ 8:10-14). Theo lẽ thường, chúng ta dễ nghĩ rằng ông cần phải đi đến nơi nào đông hơn để tiếp tục gặt hái thành quả cho Chúa vì ông quá đầy ơn. Tuy nhiên, ý tưởng chúng ta chẳng phải ý tưởng Chúa. Ý Chúa hoàn toàn khác cho Phi-líp. Bấy giờ, Chúa phán với Phi-líp rằng: “Hãy chờ dậy đi qua phía nam, trên con đường từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Ga-xa. Đường ấy vắng vẻ.” (Công vụ 8:26). Chúa không sai ông đến nơi đông hơn mà ngược lại phải đến nơi “vắng vẻ”. Dầu vậy, Phi-líp không hề thắc mắc, hay nghi ngờ, ông hoàn toàn vâng phục Chúa. Khi nghe “thiên sứ của Chúa phán bảo” thì ông “chờ dậy và đi” (Công vụ 8:27). Chúng ta thấy được ở ông một tinh thần vâng phục tuyệt đối, một sự hăng hái, nhiệt thành cùng tấm lòng sẵn sàng đi theo sự sai phái của Chúa.
Đây là tinh thần mà mỗi chúng ta cần lắm phải có trong công tác nhà Chúa. Trong đời sống thuộc linh, Chúa muốn chúng ta phải tăng trưởng mỗi ngày để trở nên “bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:13). Tuy nhiên, trong sự phục vụ thì khác. Có lúc Chúa sẽ đặt chúng ta làm rất nhiều công việc, nhưng đôi khi Chúa chỉ giao cho chúng ta ít việc. Có lúc tiến và có lúc dường như phải lùi. Chúa muốn chúng ta luôn sẵn sàng trong mọi việc như lời bài Thánh ca 375: “Sẵn tiến sẵn thoái theo ơn Cha sai, sẵn tròn phận tôi tớ Ngài”. Tiến thì dễ mà thoái thì khó. Tuy nhiên, trong sự toàn tri của Chúa, đôi lúc Ngài muốn chúng ta phải thoái, không có nghĩa là chúng ta trở nên vô dụng, nhưng là dời về vị trí khác mà dường như trong cái nhìn của con người không bằng vị trí hiện tại để rồi chính điều đó mang lại kết quả cho công việc Chúa mà chúng ta không thể ngờ trước. Phi-líp không bao giờ biết rằng sẽ gặp hoạn quan Ê-thi-ô-bi. Tuy nhiên, bởi hành động vâng phục Chúa của ông đã giúp đạo Chúa đến với vị hoạn quan của nước Ê-thi-ô-pi.
Vì vậy, xin Chúa cho chúng ta luôn vâng phục trong sự đặt để của Chúa dầu là ở vị trí nào. Trước mặt Chúa, làm nhiều hay làm ít không quan trọng, quan trọng là chúng ta có trung tín trong việc được giao hay không. Chúa chỉ xét mỗi người ở tiêu chí “ngay lành và trung tín” với việc Ngài giao mà thôi (Ma-thi-ơ 25:21, 23, 26).
2. Vượt qua mọi trở lực để hoàn thành nhiệm vụ
Chấp sự Phi-líp đã vâng lời Chúa và đi đến Ga-xa, một đoạn đường không ngắn. Khi đến đó, Chúa tiếp tục có lời phán bảo ông rằng “Hãy lại gần và theo kịp xe đó” (câu 29). Chúa muốn Phi-líp phải theo kịp chiếc xe đang chạy. Chúng ta biết đây là việc không dễ vì Phi-líp đang đi bộ, phải chạy theo kịp chiếc xe ngựa. Chắc chắn ông phải cố gắng dùng hết sức lực của mình. Chưa hết, khi đã theo kịp xe rồi thì ông phải vừa chạy vừa lắng nghe hoạn quan đọc phân đoạn trong sách tiên tri Ê-sai, rồi vừa chạy, vừa hỏi thăm hoạn quan “có hiểu không” và sau khi hoạn quan trả lời xong rồi mới mời Phi-líp lên xe. Chắc chắn rất mệt nhưng khi lên xe thì Phi-líp rất từ tốn để giải thích Lời Chúa cho hoạn quan hiểu. Chúng ta thấy, Phi-líp đã không chùn bước trước trở ngại về phương tiện, ông đã hoàn thành xuất sắc điều Chúa giao. Và kết quả thật phước hạnh khi vị hoạn quan, một người mộ đạo với tôn giáo của Chúa, vượt đường xa đến Giê-ru-sa-lem thờ phượng Đức Chúa Trời, đã hiểu rõ về ơn cứu chuộc của Chúa và tin nhận Ngài.
Ngày nay, trên bước đường theo Chúa nói chung và sự hầu việc Chúa nói riêng, chúng ta cũng sẽ đối diện không ít những trở ngại, khó khăn. Phi-líp đối diện khó khăn riêng, mỗi chúng ta đối diện với những khó khăn và trở ngại riêng mà đó có thể cản bước chúng ta thực hiện điều Chúa muốn. Trở ngại có thể đến từ bệnh tật, vấn đề mưu sinh, mối liên hệ gia đình, sự bận rộn của cuộc sống, điều kiện tài chính,… Tuy nhiên, dầu là khó khăn gì đi nữa, xin Chúa nhắc chúng ta nhờ ơn và sức Chúa như Phi-líp để không chùn bước mà cố gắng hết sức để vượt qua và làm trọn điều Chúa muốn. Có ý chí sẽ có phương pháp, quan trọng lòng có muốn hay không. Nếu Phi-líp nhìn vào trở lực, thấy khó và nản khi mình đi bộ phải chạy theo chiếc xe thì chắc ông đã đánh mất cơ hội. Nhưng không, ông nhìn vào mục tiêu Chúa muốn, và chính điều đó thêm lên sức mạnh, và trở lực không còn là vấn đề đối với ông nữa. Cũng giống như Phi-líp, bốn người bạn khiêng người bại cũng đã mạnh mẽ vượt qua mọi trở lực để giúp bạn mình đến được với Chúa để được Chúa chữa lành (Mác 2:3-5; Lu-ca 5:18-20). Khi khiêng bạn mình đến với Chúa, họ đối diện trở lực đầu tiên từ đám đông. Nhưng họ không để trở lực đó làm ảnh hưởng, họ “kiếm cách để đem người bại đến với Chúa”. Họ chỉ hướng đến việc là làm sao để người bại được Chúa chữa lành, và họ đã nghĩ ra cách là trèo lên mái nhà với trở lực khác là sức nặng của người bại rồi phải dở ngói ra và giòng người bại xuống với Chúa. Họ đã hoàn thành mục tiêu. Chúa khen ngợi đức tin của họ và chữa lành cho người bại. Cho nên, nếu nhìn vào trở lực chúng ta sẽ dễ nản và bỏ cuộc. Nhưng khó khăn, trở lực không còn là vấn đề nếu chúng ta nhắm đến điểm phước hạnh phía sau đó. Nguyện Chúa thêm sức và ý chí để chúng ta luôn vượt qua mọi trở lực trên bước đường theo Chúa.
3. Trang bị Lời Chúa
Khi chạy theo kịp xe của hoạn quan, Phi-líp nghe ông đọc Lời Chúa trong Ê-sai 53:7-8 rằng “Người đã bị kéo đi như con chiên đến hàng làm thịt, lại như chiên con câm trước mặt kẻ hớt lông, Người chẳng mở miệng. Trong khi Người hèn hạ thì sự đoán xét Người đã bị cất đi. Còn ai sẽ kể đời của Người? Vì sự sống Người đã bị rút khỏi đất rồi”. Lúc đó, Phi-líp hỏi hoạn quan có hiểu không thì ông nói rằng “nếu chẳng ai dạy cho tôi, thể nào tôi hiểu được” (câu 31). Và Phi-líp bắt đầu từ chỗ đó mà giải thích cho hoạn quan một cách tường tận về Đức Chúa Giê-xu. Nhờ đó hoạn quan hiểu rõ và bằng lòng tiếp nhận Chúa cùng chịu phép báp-têm.
Chúng ta thử nghĩ nếu Phi-líp không biết rõ lời dạy về Chúa, không trang bị Lời Chúa cho mình thì ông có thể giải tỏa được thắc mắc cho vị hoạn quan không? Chắc chắn là không, và dĩ nhiên cơ hội cũng sẽ qua đi vì hoạn quan sẽ đi mất. Tuy nhiên, chúng ta thấy Phi-líp đã có sự am hiểu Lời Chúa rõ ràng và chính xác để giúp đỡ cho hoạn quan một cách kịp thời.
Xin Chúa cho chúng ta cũng có tinh thần ham học hỏi để trang bị Lời Chúa cho sự phục vụ Chúa, nói chung, và trong công tác rao giảng Tin Lành, nói riêng. Đôi lúc trong những mối liên hệ và giao tiếp hằng ngày, người không biết về Chúa có thể hỏi hoặc thắc mắc bất cứ điều gì về niềm tin của chúng ta và về Chúa. Nếu chúng ta không có sự trang bị kỹ về Lời Chúa thì khó mà trả lời thuyết phục, và người ta khó mà tiếp nhận Chúa. Ông Phi-e-rơ khuyên chúng ta: “Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em” (I Phi-e-rơ 3:15). Để có thể sẵn sàng trả lời thì điều tất yếu là chúng ta phải có thời gian trang bị Lời Chúa cho mình. Lời Chúa thì rất nhiều, học cả đời cũng không hết. Tuy nhiên, mỗi ngày một chút thì nhiều ngày sẽ thêm lên (II Phi-e-rơ 1:5). Có thể khi đọc và học chúng ta không thể nhớ hết nhưng khi đã học qua thì đúng sự việc Chúa sẽ nhắc chúng ta nhớ và biết phải đối đáp như thế nào. Vì vậy, chúng ta đừng để thì giờ trôi qua chỉ bởi những việc của đời này nhưng hãy tận dụng thì giờ để thâu góp Lời Chúa cho linh hồn mình và sẵn sàng để chia sẻ cho những người chưa biết về Chúa. A-men.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…