Một ai đó đã từng nói, “lý lịch cá nhân của một người không hề cản trở Đức Chúa Trời hành động trong cuộc đời của người đó.” Giép-thê là một trong những con người như thế. Sinh ra trong một gia đình không bình thường, Giép-thê là đứa con trai ngoại hôn của cha ông là Ga-la-át với một kỹ nữ và bị xua đuổi bởi những người con hợp pháp trong gia đình, nhưng Đức Chúa Trời đã sử dụng ông giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi tay dân Am-môn. Giép-thê đã trở thành vị chỉ huy lớn trong dân Y-sơ-ra-ên.
Là một trong những vị quan xét của dân Y-sơ-ra-ên, Giép-thê được liệt kê trong danh sách những người được khen tặng trong lịch sử Do Thái (xem Hê-bơ-rơ 11). Mặc dù được biết là vị lãnh đạo đã giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi sự áp bức 18 năm của dân Am-môn (Các Quan Xét 11), và kế đến đánh bại mối đe doạ nghiêm trọng từ đội quân Ép-ra-im (Các Quan Xét 12), nhưng ông cũng được nhớ đến là người cha đau khổ vì lời thề nguyện hấp tấp của mình. Giép thê và cuộc đời của ông đã để lại cho Cơ Đốc nhân ngày nay những bài học quý báu nào?
I. Hoàn cảnh gia đình của Giép-thê và sự kêu gọi
1. Hoàn cảnh gia đình
Giép-thê trong tiếng Hy-bá-lai יִפְתָּח, có nghĩa là “Đức Chúa Trời mở (tử cung),” và còn có nghĩa là “người Đức Chúa Trời buông tha”. Tên của Giép-thê nhắc cho chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Trời sử dụng một con người bị xem thường, bị tẩy chay cho kế hoạch của Ngài. Giép-thê là con trai của một kỹ nữ dân ngoại tầm thường với cha của ông là Ga-la-át. Vì vậy, những đứa con hợp pháp của Ga-la-át với vợ ông là những anh em cùng cha khác mẹ của Giép-thê xua đuổi ông ra khỏi nhà vì họ cho rằng Giép-thê có thể hưởng quyền thừa kế.
Giép-thê lớn lên trong một gia đình sinh sống ở xứ Ga-lat-át, toạ lạc phía đông của Sông Giô-đanh. Khi bị các anh em ruồng rẫy, Giép-thê chạy trốn về hướng Bắc đến xứ Tóp gần với Sy-ri-a và sống ở đây (tham chiếu Các Quan Xét 11:2-3). Chẳng bao lâu, ông tụ họp quanh ông “nhóm du đãng” (Các Quan Xét 11:3), là những người đi theo Giép-thê và xem ông là thủ lĩnh của họ. Giống như nhóm người đi theo Đa-vít (I Sa-mu-ên 22:2; 27:8-9;30:1-30), Giép-thê và những người của ông có lẽ đã bảo vệ các làng mạc của người Y-sơ-ra-ên khỏi các bộ tộc chuyên cướp phá, kể cả dân Am-môn. Cũng vậy, hình ảnh của một Giép-thê bị anh em xua đuổi làm chúng ta nhớ lại một Giô-sép bị các anh em mình ghen ghét và ruồng bỏ và sau đó đã trở thành vị cứu tinh của họ (Sáng-thế Ký 37-46).
2. Giép-thê được kêu gọi làm một quan xét
Giép-thê được kêu gọi làm quan xét, người giải cứu dân Y-sơ-ra-ên trong bối cảnh như thế nào? Vì tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời cho phép dân Am-môn hà hiếp dân sự của Ngài. Dân sự kêu khóc với Chúa để xin Ngài giải cứu khỏi kẻ thù (tham chiếu Các Quan Xét 10). Cuối cùng, khi quân Am-môn tuyên chiến với Y-sơ-ra-ên, các trưởng lão Ga-la-át đích thân đến thăm Giép-thê để mời ông lãnh đạo đội quân của họ chống lại kẻ thù (Các Quan Xét 11:5-6). Mặc dù lúc đầu câu trả lời của Giép-thê có phần khó nghe và chua chát, nhưng ông sẵn lòng lãnh đạo dân sự chiến đấu chống dân Am-môn (Các Quan Xét 11:7-8). Thật vậy, bởi đức tin nơi Đức Chúa Trời, Đấng ban chiến thắng cho dân Y-sơ-ra-ên trên dân Am-môn, Giép-thê không chỉ là người giải cứu của dân sự, mà còn là thủ lãnh và vị chỉ huy tài năng của họ (Các Quan Xét 11:9-11& tiếp theo).
Sự thật là Đức Chúa Trời buông tha Giép-thê khỏi sự khước từ bằng cách tiếp nhận ông vào gia đình thánh của Ngài. Giép-thê sống đúng với ý nghĩa tên mình – người Đức Chúa Trời buông tha. Sự buông tha hoặc sự giải phóng nầy khiến cho chính dân tộc mình khước từ ông để rồi sau đó lại đi theo ông (tham chiếu Các Quan Xét 11:10-11).
Những bài học suy gẫm
** Giép-thê không rủa sả ngày sinh, và cũng không nói về mẹ của mình là ai. Chắc chắn, đây là hành động không chung thuỷ của cha ông. Cha phạm tội và Giép-thê vào đời là một đứa con bất hợp pháp, và phải chịu hậu quả tội lỗi của cha mình. Hơn nữa, Giép-thê biết rằng sự có mặt của ông trên đất không phải là sự ngẫu nhiên. Cha mẹ ông lầm lỗi, nhưng Đức Chúa Trời không hề lầm lỗi và Ngài không bao giờ làm bất cứ điều gì một cách ngẫu nhiên. Kinh Thánh có chép: “Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi; Số các ngày định cho tôi, đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy. Hỡi Đức Chúa Trời, các tư tưởng Chúa quí báu cho tôi thay! Số các tư tưởng ấy thật lớn thay!” (Thi 139:16-17).
**Là Cơ Đốc nhân, chúng ta phải luôn nhớ lầm lỗi của chúng ta không chỉ ảnh hưởng đến bản thân, mà còn đến những người xung quanh chúng ta. Đó là lý do quan trọng giữ chúng ta không phạm tội. Cũng vậy, có nhiều hoàn cảnh trong cuộc sống mà chúng ta không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, chúng ta có thể kiểm soát cách chúng ta phản ứng với hoàn cảnh đó. Như Giép-thê, ông không để cho quá khứ của mình hoặc tội lỗi của cha ông điều hướng tương lai của mình. Thay vì thương hại bản thân và hổ thẹn thân phận bất hợp pháp của mình, thì Giép-thê cố gắng điều chỉnh bằng cách chấp nhận điểm yếu và xây dựng điểm mạnh. Giép-thê trở thành một chiến sĩ dũng cảm. Thật vậy, hầu hết dân sự nhận ra điểm mạnh của Giép-thê đến nỗi họ xem ông là thủ lĩnh của họ. Tương tự, tất cả chúng ta có thể là Giép-thê trong phương diện nầy. Thay vì than phiền sự đau đớn chúng ta trải qua vì tội lỗi của người khác, chúng ta cần nhận ra rằng luôn có hy vọng. Đức Chúa Trời cho phép mọi điều xảy ra vì Ngài coi trọng việc xây dựng tính cách của chúng ta hơn.
** Đôi khi, Đức Chúa Trời sử dụng một sự khước từ để giải cứu con dân Ngài. Thật vậy, đã từng bị các anh em trong gia đình ruồng rẫy, và bị các trưởng lão Ga-la-át ghen ghét và xua đuổi ra khỏi thành, Giép-thê bây giờ lại ở trong tầm mắt chú ý của các trưởng lão. Có thể chúng ta tự hỏi Giép-thê cảm thấy được Đức Chúa Trời sử dụng như thế nào. Trong ý nghĩa đó, Cơ Đốc nhân tự tra xét lòng mình rằng Đức Chúa Trời cảm thấy như thế nào lúc chúng ta đẩy Ngài ra khỏi cuộc đời khi mọi thứ đang êm đềm và tốt đẹp, và rồi chỉ chạy đến với Ngài khi chúng ta gặp khó khăn. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời sử dụng một sự khước từ để giải cứu dân sự của Ngài để chúng ta có thể thấy mình đã từng khước từ Ngài, đồng thời cũng nhận biết mình rất cần Chúa giải cứu chúng ta là thể nào! Thật vậy, Chúa Jêsus yêu dấu của chúng ta đã bị Y-sơ-ra-ên, tuyển dân của Ngài khước từ, nhưng họ sẽ tiếp nhận Ngài khi Ngài tái lâm. (Còn tiếp)
(Theo sự hỗ trợ từ Nữ Truyền đạo Lê Thị Lệ Thanh)
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…