Tóm tắt đôi nét về thân thế và chức vụ của Ê-xê-chi-ên:
Ê-xê-chi-ên là con của Bu-xi, là Thầy tế lễ, người Giu-đa, ở Giê-ru-sa-lem. (Ê-xê-chi-ên 1:3). Tên Ê-xê-chi-ên có nghĩa là: Đức Chúa Trời làm cho mạnh mẽ.
Ông đã được huấn luyện làm Thầy tế lễ tại Giê-ru-sa-lem… nhưng rồi bị bắt lưu đày qua Ba-by-lôn cùng với 10.000 người, trong đó có cả những người lãnh đạo, quân đội, người giàu có, khôn ngoan…, lúc đó Ê-xê-chi-ên là một thanh niên trẻ (khoảng 25 tuổi) chấm dứt ước mơ phục vụ trong đền thờ Giê-ru-sa -lem.
Sau hơn 4 năm bị lưu đày (vào năm thứ năm) thì Ê-xê-chi-ên được xem sự hiện thấy của Đức Chúa Trời, tại đó “tay của Đức Giê-hô-va đặt trên người” kêu gọi để người trở nên một nhà tiên tri.
Ông sống cùng đồng bào mình trong các trại tập trung tại Ba-by-lôn trên bờ sông Kê-ba. Dân Giu-đa bị dân ngoại sỉ nhục, họ rất khốn khổ, họ khóc lóc kêu than trong tinh thần tuyệt vọng không biết ngày mai sẽ thể nào! Tình trạng dân Giu-đa buồn thảm như Thi thiên 137, họ không có đền thờ, họ không có sứ điệp, họ không có bài ca ngợi Đức Giê-hô-va… chỉ có nước mắt và thở than… Trong tình cảnh ấy, Đức Chúa Trời kêu gọi Ê-xê-chi-ên – một thanh niên (khoảng 30 tuổi) đến với họ, trung tín nỗ lực rao giảng lời Chúa, chăm sóc tâm linh họ.
Ê-xê-chi-ên đã làm trọn chức vụ của một tiên tri suốt thời gian 22 năm, ông yêu thương, kiên nhẫn, khuyên bảo, cảnh cáo… luôn hướng đến những người cùng bị lưu đày với ông tại Ba-by-lôn. Ông kêu gọi họ hãy nhìn nhận tội lỗi và ăn năn, chấp nhận sự lưu đày như là sự xét đoán của Đức Chúa Trời và tận dụng hoàn cảnh nầy cách tốt nhất.
Sứ điệp cho Dân Giu-đa trong chốn phu tù:
Mục đích của Sứ điệp: Đức Chúa Trời mong muốn rằng mọi dân tộc sẽ nhận biết Ngài, qua sự đoán xét của Ngài trên Giê-ru-sa-lem, trên muôn dân, muôn nước “để họ sẽ biết rằng Ta là Đức Giê-hô-va”.
Chúa bảo ông mang sứ điệp đến cho dân Giu-đa – “là một dân cứng lòng cứng cổ, họ sẽ không nghe ngươi cũng như họ không chịu nghe Ta” (Ê-xê-chi-ên 2, 3). Họ mệt mỏi, nao lòng, mất niềm tin nơi Chúa Giê-hô-va.
Dầu vậy, Ê-xê-chi-ên luôn trung tín rao giảng lời Chúa, nhắc họ nhớ rằng họ là dân của Giao ước Ngài, Ngài sẽ ban phước cho họ nếu họ giữ lấy mạng lịnh trong giao ước đó (Lê-vi ký 26:3-13), nhưng nếu họ không tuân theo thì họ sẽ chịu sự đoán phạt (Lê-vi ký 26:14-39).
Bởi tình yêu và sự thành tín của Đức Chúa Trời quá lớn đến nỗi Ngài hứa sẽ đem những kẻ phu tù được trở về quê hương và phục hồi đất nước của họ. (Ê-xê-chi-ên 33-48)
Ê-xê-chi-ên là một sách đầy khải tượng mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ rất lạ lùng, mỗi chi tiết đều mang ý nghĩa riêng nhằm để dạy dỗ, khuyên răn, cảnh cáo, đoán phạt.
“Tay của Đức Giê-hô-va ở trên ta”. Chúa phán dạy, Chúa hiện diện, Chúa dùng ông… dầu chức vụ của Ê-xê-chi-ên phải đối diện biết bao thách thức, gian nan… nhưng ông luôn vâng phục trung thành làm trọn công tác Chúa giao.
Bài học cho chúng ta:
Sách Ê-xê-chi-ên có rất nhiều bài học thuộc linh cho chúng ta ngày nay… xin cùng suy gẫm một đôi điều:
Ê-xê-chi-ên 3:16-27 “Hỡi con người, ta đã lập ngươi lên đặng canh giữ nhà Y-sơ-ra-ên, khá nghe lời ta và thay ta răn bảo chúng nó…”.Ê-xê-chi-ên có trách nhiệm nhận mạng lịnh từ Chúa rồi truyền lại cho dân sự, như người canh giữ cổng thành phải cảnh báo cho mọi người khi có nguy hiểm xảy đến, việc nầy rất quan trọng đối với tính mạng vì là sự an nguy của người dân. Nếu không làm trọn trách nhiệm, để thiệt haị cho ai đó, thì người canh phải chịu trách nhiệm cho sự thiệt hại đó như lời Chúa: “ta sẽ đòi máu nó nơi tay ngươi”.
Ý nghĩa điều nầy thật quan trọng cho chúng ta là con dân Chúa ngày nay. Mỗi Cơ Đốc nhân đều được kêu gọi để làm ‘người canh giữ’ theo phương diện thuộc linh. Còn biết bao người thân yêu, bạn bè chúng ta chưa nghe đến Tin Lành, chưa biết con đường cứu rỗi… chúng ta có trách nhiệm cảnh báo mối nguy hiểm cho ai không tin Chúa Giê-xu và chỉ cho họ con đường dẫn đến Sự sống đời đời mà lời Chúa đã phán: “Ai tin Chúa Giê xu thì được sự sống đời đời, ai không tin thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó” (Giăng 3:36). Chúa luôn mong đợi mỗi con dân Chúa đều trở thành những “người canh giữ” trung tín, thực hiện thật tốt trách nhiệm của mình để Chúa không đòi máu oan của linh hồn đồng bào nơi tay chúng ta. (Ê-xê-chi-ên 18:1-32)
Trách nhiệm nầy thuộc về ai? Nhiều người xưa đến nay vẫn thường nghĩ rằng: cuộc đời của con cái được quyết định bởi cha mẹ, họ cho rằng cha mẹ không tốt thì đứa con cũng không tốt, hoặc cha mẹ tốt thì con cái đương nhiên sẽ tốt. Thật ra thì cha mẹ vẫn có ảnh hưởng trên con cái mình nhưng không thể quyết định cuộc đời nó. Mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm cho hành vi của chính mình, mỗi cá nhân có sự tự do để chọn lựa điều tốt hay xấu…
Dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày, họ muốn oán trách cha mẹ vì những nan đề mà họ đang gặp, họ nghĩ rằng mình là những nạn nhân vô tội, không có trách nhiệm gì trong hoàn cảnh hiện tại, họ dùng câu tục ngữ của đất Y-sơ-ra-ên rằng: “Cha ăn trái nho chua, mà con ghê răng”. Họ đỗ lỗi cho cha mẹ, tại cha mẹ! “Chúa Giê-hô-va đã phán: Thật như ta hằng sống, các ngươi sẽ không cần dùng câu tục ngữ ấy trong Y-sơ-ra-ên nữa. Nầy, mọi linh hồn đều thuộc về ta, linh hồn của cha cũng như linh hồn của con, đều thuộc về ta, linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết”.
Sa-tan kẻ cám dỗ chúng ta, tìm kiếm mọi điều để kiện cáo chúng ta trước Chúa… nhưng chúng ta có quyền quyết định phạm tội hay không chứ! Chúng ta không thể nói tại Sa-tan cám dỗ, tôi mới phạm tội như vậy, cũng không thể cho là tại hoàn cảnh… tại người đó… tại môi trường xã hội… khiến tôi phải làm vậy… Chúng ta luôn là người chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, chúng ta thường bị tác động bởi điều xấu, bị ma quỉ cám dỗ, nhưng Đức Chúa Trời luôn ban cho phương tiện để chúng ta thắng hơn bởi lời Chúa hứa (I Cô-rinh-tô 10:13).
Chúng ta phạm tội là do sự lựa chọn của chính mình, hãy thừa nhận trách nhiệm mình khi phạm tội cũng là lúc chúng ta đang sẵn lòng để Đức Chúa Trời tha thứ, thanh tẩy đời sống và phục hồi mối thông công giữa chúng ta với Ngài (I Giăng 1:9). Vì vậy, đức tin nơi Chúa Giê-xu là quyết định của mỗi người, cha mẹ không thể tin Chúa thế cho con, vợ chồng cũng không thể tin Chúa thay cho nhau được. Bởi đó, xin Chúa giúp từng thành viên trong gia đình hãy đến với Chúa và tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa cách cá nhân, để đến ngày về với Chúa trên thiên đàng sẽ không thiếu một ai trong gia đình chúng ta. Xin Chúa dẫn dắt chúng ta trong tình yêu và ân điển của Ngài.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…