Kinh Thánh: Ru-tơ 2-4; Ma-thi-ơ 1:5, 6; I Sa-mu-ên 16.
Tìm hiểu đôi nét về Bô-ô:
“…Sanh-môn bởi Ra-háp sanh Bô-ô. Bô-ô bởi Ru-tơ sanh Ô-bết. Ô-bết sanh Gie-sê; Gie-sê sanh vua Đa-vít.” (Ma-thi-ơ 1:5, 6)
“…Sanh-môn sanh Bô-ô, Bô-ô sanh Ô-bết, Ô-bết sanh Y-sai, và Y-sai sanh Đa-vít.” (Ru-tơ 4:21, 22)
“…Ngài bỏ vua đó, lại lập Đa-vít làm vua, mà làm chứng về người rằng: Ta đã tìm thấy Đa-vít con của Gie-sê, là người vừa lòng ta, người sẽ tuân theo mọi ý chỉ ta.”(Công vụ 13:22)
“…Đức Giê-hô-va phán cùng Sa-mu-ên rằng: […] ngươi sẽ đi đến Y-sai, người Bết-lê-hem, vì trong vòng các con trai người, ta đã chọn một người làm vua. […] Sa-mu-ên xức dầu cho người… Từ ngày đó về sau, Thần của Đức Giê-hô-va cảm động Đa-vít…”(I Sa-mu-ên 16:1-13)
Một chút suy nghĩ về tình cảnh gia đình Ê-li-mê-léc và Na-ô-mi: (Ru-tơ 1)
Họ đã quyết định lìa bỏ quê hương Bết-lê-hem đến xứ Mô-áp để tránh nạn đói đang xảy ra, với hi vọng tạm lánh cơn đói rồi sẽ trở về… Nào ngờ đâu chỉ vừa đến định cư tại Mô-áp không lâu thì Ê-li-mê-léc qua đời, thời gian sau hai con trai họ là Ki-li-ôn và Mạc-lôn cưới Ọt-ba và Ru-tơ – người Mô-áp. Mười năm sau Ki-li-ôn và Mạc-lôn cũng chết, để Na-ô-mi ở lại không chồng không con!!!
Phước hạnh hay tai họa? Chúng ta tưởng như là một tai họa quá nặng nề chăng? Nhưng thử hỏi, nếu không xảy ra những biến cố đau thương trong gia đình như vậy, liệu Na-ô-mi có quyết định trở về quê hương không? Nếu mọi việc an lành, hạnh phúc, hanh thông… họ vẫn tiếp tục sống trong Mô-áp, càng lâu ngày, sanh con cháu, xây dựng dòng dõi ở đó… thì sẽ ra sao? Họ sẽ đồng hóa với dân Mô-áp, thờ lạy hình tượng, sống trong gian ác, tội lỗi… xa cách Đức Chúa Trời, chẳng còn đức tin nơi Chúa nữa… là một thảm bại, hư mất đời đời.
Cảm tạ Chúa, câu chuyện gia đình của Na-ô-mi không dừng lại khi bà là một góa phụ già yếu không người ủi an, không nơi nương tựa. Nhưng Đức Chúa Trời đã có kế hoạch đem bà về quê hương và chuẩn bị cho bà một tương lai phước hạnh khi bà nghe nói rằng: Đức Giê-hô-va đã đoái xem dân sự Ngài và ban lương thực cho, bà đứng dậy cùng hai dâu mình đặng từ xứ Mô-áp trở về. Vậy, người lìa bỏ chỗ mình đã ở, cùng hai dâu mình lên đường đặng trở về xứ Giu đa (Ru-tơ 1:6, 7). Sau giờ phút bùi ngùi tạm biệt hai nàng dâu, Ru-tơ quyết không chịu lìa xa mẹ chồng và nói rằng: “Xin chớ nài con phân rẽ mẹ, vì mẹ đi đâu con sẽ đi đó, mẹ ở nơi nào con sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ là dân sự của con, Đức Chúa Trời của mẹ là Đức Chúa Trời của con. Mẹ thác nơi nào con muốn thác và được chôn nơi đó. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân cách con khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho con! Na-ô-mi thấy nàng quyết định theo mình nên không nói nữa.” (Ru-tơ 1:16-18) Và rồi… cuối cùng hai mẹ con về đến Bết-lê-hem nhằm đầu mùa gặt lúa mạch.
Bô-ô: ông chủ đầy lòng nhân ái!
Bô-ô là người bà con rất gần với gia đình bên chồng của bà Na-ô-mi và cũng có quyền chuộc lại sản nghiệp mà gia đình Ê-li-mê-léc đã bán trước khi qua Mô-áp.
Bô-ô là một ông chủ rất giàu có, địa vị, lại có lòng tin kính Chúa, ông mở lời chúc cho các thợ gặt: “Nguyện Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi!” Rồi họ cũng trân trọng đáp lại: “Nguyện Chúa ban phước cho ông!” Ông rất chu đáo quan tâm thăm hỏi mọi người trong cánh đồng của mình và nhận ra ngay sự xuất hiện của một người nữ xa lạ, và được người quản lý giới thiệu Ru-tơ người Mô-áp là con dâu của Na-ô-mi, nàng rất siêng năng và lễ phép, có xin chúng tôi cho nàng được theo sau mót lúa về nuôi mẹ chồng.
Bô-ô cảm phục sự hy sinh của nàng dâu trẻ, chịu vất vả để chăm nuôi mẹ chồng già yếu, nên ông căn dặn các thợ gặt đối đãi tử tế để giúp cô mót được nhiều lúa trong ruộng của ông.
Bô-ô thật là gương mẫu của người Cơ Đốc kính Chúa, yêu người. Bô-ô thấy sự hiền lành, yêu thương, hi sinh của Ru-tơ để chấp nhận cuộc sống đầy gian truân, nhọc nhằn đi theo mẹ chồng khi cô khẳng định trao phó và nương náu nơi Đức Chúa Trời. Đó là nét đẹp dịu dàng thầm kín, quí giá cảm động Bô-ô.
Bô-ô với tấm lòng quảng đại, yêu thương, ông không suy tính thiệt hơn gì khi thực hiện quyền chuộc lại sản nghiệp cho gia đình Na-ô-mi, vì điều ông suy nghĩ là làm thế nào để đem lại sự an ủi và một chỗ dựa yên lành cho hai góa phụ đáng được yêu thương và giúp đỡ.
Bô-ô rất nhân từ khi nói cùng Ru-tơ rằng: “Hỡi con gái ta, hãy nghe, chớ đi mót trong ruộng khác và cũng đừng xa khỏi chỗ nầy. Hãy ở cùng các tớ gái ta…”; một lời hứa mang tính bảo đảm an toàn, lâu dài khiến Ru-tơ vô cùng ngạc nhiên và cảm phục nên cúi xuống để thể hiện lòng biết ơn cách sâu xa.
Những bài học qua cuộc đời của Bô-ô:
Là một ông chủ giàu có, quyền thế, địa vị trong xã hội nhưng Bô-ô luôn thể hiện sự tin kính Chúa qua cách cư xử với những người làm công rất yêu thương, gần gũi, thân thiện, ân cần thăm hỏi và luôn chúc nhau lời an bình trong Danh Đức Giê-hô-va. Chúng ta cư xử thế nào với người cộng tác, người lân cận của mình hằng ngày?
Bô-ô không nhận định Ru-tơ dựa trên thành kiến của xã hội, hoàn cảnh gia đình, so sánh về chủng tộc… nhưng trên những việc Ru-tơ đã làm đối với mẹ chồng khi phải xa gia đình, bỏ quê hương, bằng lòng đến một nơi xa lạ, vì bởi đức tin Ru-tơ đã cam kết chọn Đức Chúa Trời là nơi nương náu, dù phải vất vả sớm trưa ngoài đồng mót từng gié lúa đem về nuôi mẹ chồng… nên Bô-ô cầu xin Chúa báo đáp việc nàng đã làm và nàng đã núp dưới bóng cánh của Chúa. Chúng ta thường nhận xét về một ai đó theo tiêu chuẩn nào?
Bô-ô sẵn sàng chuộc lại sản nghiệp của gia đình Na-ô-mi khi người bà con gần hơn có quyền ưu tiên từ chối. Bô-ô thực hiện đúng theo luật pháp Y-sơ-ra-ên (Phục 25:5-10), dù phải chấp nhận sự hi sinh, thua thiệt về mình, miễn là đem ích lợi cho Ru-tơ và Na-ô-mi. Xin chúng ta nhớ lời Chúa: “Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa.” (Phi-líp 2:4)
Từng diễn tiến trong câu chuyện dẫu có thể thấy như là những tai họa, khốn khổ, nhọc nhằn, cô đơn, tuyệt vọng… nhưng thật ra chúng ta vẫn cảm nhận sự quan phòng của Đức Chúa Trời trên từng nhân vật, trong mỗi hoàn cảnh, qua từng thời điểm. Ngài thực hiện theo ý chỉ của Ngài khi đem Na-ô-mi luôn cay đắng trách phiền trong số phận cô đơn trở về quê hương, Ngài tể trị trên hôn nhân của Bô-ô và Ru-tơ, Ngài ban phước cho họ để rồi sau đó Na-ô-mi đón nhận lời chúc mừng của những người nữ thành Bết-lê-hem khi Bô-ô và Ru-tơ đã sanh một con trai, đặt tên là Ô-bết: Thật đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va – Đấng thành tín. Bà sẽ được an ủi vì có một cháu trai để nối danh cho gia đình Ê-li-mê-léc. Họ ca ngợi nàng dâu Ru tơ của bà còn xứng đáng cho bà hơn bảy con trai. (Ru-tơ 4:13-17)
Theo gia phổ của Chúa Jesus thì Ô-bết (con trai của Bô-ô và Ru-tơ) là Nội tổ của vua Đa-vít, và trải nhiều thế hệ sau chính Cứu Chúa Jesus – Đấng Cứu Thế của nhân loại – cũng được sinh ra tại Bêt-lê-hem, từ dòng dõi vua Đa vít.
Sống tin kính Chúa, yêu thương tha nhân, quan tâm chia sẻ, vâng theo luật pháp giới mạng của Chúa, Bô-ô đã được vinh hạnh dự phần trong gia phổ của Chúa Jesus. Phước hạnh muôn đời. Amen!
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…