Trong Kinh Thánh, có một nhân vật nổi tiếng là xấu, nhưng lại xuất hiện nhiều nơi trong Cựu Ước lẫn Tân Ước – đó chính là Ba-la-am. Ông là nhân vật chính của Dân số ký 22-24 và được đề cập thêm trong Dân số ký 31:8, 16. Trong Cựu Ước, Ba-la-am còn được xuất hiện trong Phục truyền 23:4; Giô-suê 13:22; 24:9-10; Nê-hê-mi 13:2 và Mi-chê 6:5. Trong Tân ước, Ba-la-am được nhắc đến trong II Phi-e-rơ 2:15; Giu-đe 11 và Khải Huyền 2:14. Vậy Ba-la-am là ai mà Kinh Thánh phải nhắc đến nhiều như vậy và tại sao chúng ta cần phải biết về nhân vật này?
Ba-la-am là ai?
Ba-la-am là con của Bê-ô, sống tại Phê-thô-rơ, gần sông Ơ-phơ-rát (Dân 22:5; Phục 23:4). Ông là một tiên tri ngoại giáo, đúng hơn là một thầy bói hay là một “thuật sĩ” (Giô-suê 13:22). Có lẽ ông nổi tiếng là người có khả năng bói toán và niệm thần chú hiệu quả, chúc phước cho ai thì người đó sẽ được phước; còn ông rủa sả ai, thì người đó sẽ bị rủa sả. Bằng chứng Ba-lác, vua Mô-áp, cũng tin điều đó (Dân 22:6). Nhưng, điều đáng chú ý về Ba-la-am hơn cả đó là ông luôn sẵn sàng bán công việc phục vụ của mình cho tất cả những ai trả tiền thù lao. Nói chung, Ba-la-am là người tham lam của cải và đầy gian trá.
Chúc phước thay vì rủa sả
Trong hành trình tiến vào đất Hứa, khi dân Y-sơ-ra-ên đi đến đồng bằng Mô-áp, bên kia sông Giô-đanh, thì dân Mô-áp kinh hãi. Họ biết dân Y-sơ-ra-ên vừa đông lại vừa mạnh, đã đánh bại dân A-mô-rít cách dễ dàng (Dân 22:2-4). Vì vậy, vua Ba-lác phải sai sứ giả đem lễ vật đến để nhờ Ba-la-am rủa sả dân Y-sơ-ra-ên hầu cho sau này tiêu diệt được họ trong chiến trận. Nhưng thật ra, vua Ba-lác đã không nhận ra rằng Đức Chúa Trời từng bảo dân Y-sơ-ra-ên không được tấn công Mô-áp bởi vì người Mô-áp là những hậu duệ của Lót, cháu của Áp-ra-ham (Phục 2:9).
Ở vùng Cận Đông cổ đại, người ta tin rằng kẻ thù có thể bị đánh bại bằng lời rủa sả. Nhưng trong trường hợp này, Ba-la-am đã không thể rủa sả dân Y-sơ-ra-ên vì chính Chúa bảo vệ dân sự Ngài. Đức Chúa Trời phán cùng Ba-la-am: “Ngươi chớ đi với chúng nó, chớ rủa sả dân nầy, vì dân nầy được ban phước.” (Dân 22:12)
Ba-la-am nghe được chính tiếng phán của Chúa là điều rất lạ lùng và ông từ chối cơ hội để đi rủa sả dân Y-sơ-ra-ên. Ba-lác lại cử một đoàn tùy tùng đông hơn, uy tín hơn và tặng phẩm hấp dẫn hơn cho Ba-la-am (Dân 22:15-17). Cuối cùng, Ba-la-am chịu đi theo đoàn của Ba-lác theo sự cho phép của Chúa nhưng lại với động cơ hoàn toàn trái nghịch với ý muốn Ngài. Nhưng rồi, thiên sứ của Chúa hiện ra và Chúa dùng con lừa biết nói để ngăn trở Ba-la-am. Và Ba-la-am đã sợ hãi, cúi rạp mình dưới đất khi thấy thiên sứ của Đức Giê-hô-va. Thiên sứ phán với Ba-la-am rằng ông đi với các quan chức của Ba-lác và chỉ nói điều gì Chúa phán dặn ông (Dân 22:35).
Sau đó, Ba-la-am được chính Chúa cảm động, thay vì rủa sả ông làm bài ca tuyệt vời chúc phước cho dân Y-sơ-ra-ên:
“Kẻ mà Đức Chúa Trời không rủa sả, tôi sẽ rủa sả làm sao?
Kẻ mà Đức Chúa Trời không giận mắng tôi sẽ giận mắng làm sao?
Vì từ đỉnh các núi, tôi thấy người,
Từ đầu cao gò đống, tôi nhìn người:
Kìa, là một dân ở riêng ra,
Sẽ không nhập số các nước.
Ai đếm được bụi cát của Gia-cốp,
Ai tu bộ được phần tư của Y-sơ-ra-ên?
Người công chánh thác thể nào, tôi nguyện thác thể ấy;
Cuối cùng người nghĩa làm sao, tôi nguyện cuối cùng tôi làm vậy!” (Dân 23:8-10)
Ba-lác lại bảo Ba-la-am đi đến nơi khác để rủa sả dân Y-sơ-ra-ên. Một lần nữa, Ba-la-am lại không rủa sả mà nói tiên tri với những lời tốt lành cho dân Y-sơ-ra-ên. Ông ca ngợi dân Y-sơ-ra-ên là một dân tộc sẽ đi chinh phục như sư tử mạnh mẽ: “Kìa, một thứ dân hưng lên như sư tử cái, Và vùng lên khác nào sư tử đực; Chỉ khi nào đã xé được mồi mới nằm xuống, Và uống huyết những kẻ bị thương.” (Dân 23:24)
Ba-lác lại dẫn Ba-la-am đến một chỗ khác để rủa sả dân Y-sơ-ra-ên, trên đỉnh núi Phê-ô, đối ngang đồng vắng. Ba-la-am thấy rõ Chúa ban phước cho Y-sơ-ra-ên, thì không dùng đến những lời phù chú như những lần khác. Lần này, ông xây mặt về hướng đồng vắng, nhướng mắt lên thấy dân Y-sơ-ra-ên đóng trại từng chi phái, thần Đức Chúa Trời cảm động khiến ông thốt lên bài ca về Đấng Cứu Thế:
“Tôi thấy Người, nhưng chẳng phải bây giờ;
Tôi xem Người, nhưng chẳng phải ở gần;
Một ngôi sao hiện ra từ Gia-cốp,
Một cây phủ việt trồi lên từ Y-sơ-ra-ên;
Người sẽ đâm lủng Mô-áp từ đầu nầy tới đầu kia,
Hủy diệt dân hay dấy giặc nầy.” (Dân 24:17)
Câu chuyện liên quan giữa Ba-lác và Ba-la-am kết thúc thật lạ lùng với đỉnh điểm là lời tiên tri về Đấng Cứu Thế. Không còn kiên nhẫn nữa, Ba-lác đã nổi giận và đuổi Ba-la-am về xứ. Nhưng sau đó, Ba-la-am đã giúp Ba-lác dụ dỗ dân Y-sơ-ra-ên thông dâm với con gái Mô-áp. Và chính Chúa đã phải trừng phạt dân sự Ngài với sự chết của hai mươi bốn ngàn người (Dân 25:9).
Lòng tham lam của Ba-la-am
Lời Kinh Thánh nhắc đến Ba-la-am và các việc xấu của ông để chúng ta không đi theo con đường sai trật của ông.
Phi-e-rơ nói về Ba-la-am là kẻ “tham lợi tiền công gian ác” (II Phi 2:14-16). Còn Giu-đe nhắc đến Ba-la-am như một gương xấu về sự tham lợi: “Khốn nạn thay cho chúng nó,…lấy lòng tham lợi mà gieo mình vào sự sai lạc của Ba-la-am…” (Giu-đe 1:11)
Dù Ba-la-am đã gặp Chúa, nghe mạng lệnh của Chúa một cách rõ ràng nhưng lòng tham làm ông mù quáng. Tham lam là một tội lỗi đáng sợ vì nó có thể khiến cho một người phá vỡ tất cả những điều răn khác. “Vì sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác” (I Ti-mô-thê 6:10). Hãy nhìn lại chính mình, đừng để tiền tài, danh vọng che mắt chúng ta. Hãy luôn nhắc chính mình, tôi đang phục vụ để đẹp lòng Chúa chứ không phải vì lợi dơ bẩn.
Mưu mô dụ dỗ của Ba-la-am
Ba-la-am không những tham lam mà còn là con người mưu mô xảo quyệt. Không thể rủa sả dân Y-sơ-ra-ên được nên Ba-la-am dạy vua Ba-lác làm hư dân sự Chúa thông qua việc thông dâm cùng các con gái Mô-áp (Dân 31:16). Qua việc làm kinh khủng này, Ba-la-am đã làm ô uế sự biệt riêng ra thánh của dân sự Chúa và xoay bỏ đường lối Ngài.
Và chính Chúa Giê-xu đã trách Hội Thánh Bẹt-găm vì đi theo con đường của Ba-la-am: “Nhưng ta có điều quở trách ngươi: Vì tại đó, ngươi có kẻ theo đạo Ba-la-am, người ấy dạy Ba-lác đặt hòn đá ngăn trở trước mặt con cái Y-sơ-ra-ên, đặng dỗ chúng nó ăn thịt cúng thần tượng và rủ ren làm điều dâm loạn.” (Khải 2:14 )
Không thể chối cãi, Ba-la-am trở nên đặc trưng cho một tôn giáo dụ dỗ. Đây cũng là một chiến thuật không thay đổi của Sa-tan. Nếu không thể trực tiếp rủa sả hãm hại con dân Chúa, hắn sẽ dùng nhiều cách cám dỗ khác nhau để chúng ta sa vào phạm tội như là thờ hình tượng và tham muốn tình dục. Do đó, chúng ta phải sống trong tinh thần luôn luôn tỉnh thức vì kẻ thù như sư tử rống ngày đêm rình mò để nuốt chúng ta.
Kết cục cuộc đời của Ba-la-am
Ba-la-am đã kết thúc lời tiên tri của mình bằng sự tuyên bố rằng: “Người công chánh thác thể nào, tôi nguyện thác thể ấy…” (Dân 23:10). Tuy nhiên, Ba-la-am đã chết với cái chết của kẻ ác. Khi dân Y-sơ-ra-ên đánh bại dân Ma-đi-an (Dân 31:8), cuộc đời Ba-la-am kết thúc bởi gươm giết và sự đoán phạt đời đời đang chờ đợi ông. Ba-la-am đã không chết với cái chết của người công chánh bởi ông để lòng tham điều khiển mình. Ba-la-am có cơ hội biết Chúa, đi theo Chúa, tiếc thay ông là người bị bỏ.
Suy Ngẫm
Y-sơ-ra-ên là một dân tộc được Chúa chọn để ban phước. Chương trình của Chúa đã bày tỏ qua lời hứa Ngài dành cho Áp-ra-ham, tổ phụ dân Y-sơ-ra-ên, “Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.” (Sáng 12:3) Như vậy, phước hạnh hay rủa sả đến từ nơi Đức Giê-hô-va chứ không phải do Ba-lác ra lệnh hoặc một người nào đó muốn là được.
Tại đây chúng ta thấy Ba-la-am, một tiên tri ngoại giáo, miễn cưỡng quy phục Đức Chúa Trời. Ba-la-am không còn cách nào hơn ngoài việc phải vâng theo uy quyền của Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn Chúa. Huống hồ gì chúng ta là con cái của Chúa thì càng vâng phục theo ý muốn Ngài càng hơn.
Ngoài ra, qua việc Chúa dùng con lừa để chỉ ra lỗi của Ba-la-am và quở trách ông, chúng ta được nhắc nhở phải nhạy bén trước sự hiện diện của Chúa. Mắt Chúa đang dõi theo để chỉ ra những sai trật mà chúng ta cần thay đổi. Chúa đã mở miệng một con vật vốn không biết nói để thức tỉnh tấm lòng Ba-la-am và thay đổi kế hoạch của ông. Xin Chúa giúp chúng ta nhận biết rõ “con lừa” mà Chúa có thể sai đến là gì để không đi trật khỏi đường lối Ngài.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con tránh khỏi gương xấu của Ba-la-am: đầy sự tham lam và gây vấp phạm cho người khác. Thay vào đó, xin cho chúng con biết mình là người được chọn và được phước. Chúng con sống để tôn cao và làm sáng Danh Ngài mãi mãi!
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…