Kinh Thánh: Lu-ca 21:1-4, Mác 12:41-44
Trong khi thi hành chức vụ trên đất, mỗi ngày Chúa Giê-xu thường đến đền thờ để giảng dạy cho mọi người (Lu-ca 19:47). Vào một ngày nọ, như thường lệ Chúa vào đền thờ để dạy dân chúng và rao truyền Tin Lành (Lu-ca 20:1). Trong thì giờ dâng hiến, Chúa nhìn xem về cách dâng của mọi người. Có những người giàu dâng nhiều tiền (Mác 12:42); và cũng có một bà góa nghèo dâng chỉ hai đồng tiền (Lu-ca 21:2). Trong cái nhìn của con người thì có lẽ những người giàu dâng nhiều hơn. Tuy nhiên, sau khi nhìn xem thì Chúa Giê-xu kết luận rằng “mụ góa nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn hết mọi người khác” (Lu-ca 21:3). Chúa tỏ ra rất hài lòng về cách dâng của bà góa nghèo nhưng không vui về những người kia. Từ đây, Chúa dạy chúng ta một số nguyên tắc trong việc dâng hiến đẹp lòng Ngài:
1. Không đợi lúc có dư mới dâng cho Chúa
Bà góa này không biết đã bao nhiêu tuổi nhưng hoàn cảnh bà rất đáng thương. Chồng bà qua đời và bà sống trong cảnh nghèo thiếu (Lu-ca 21:4). Tuy nhiên không vì sự nghèo thiếu đó mà bà bỏ qua việc dâng hiến cho Chúa. Bà đã dâng cho Chúa hai đồng tiền (ông Mác qui giá trị của hai đồng tiền này thành tiền La Mã là “một phần tư xu”, khoảng 1/64 đơ-ni-ê. Đơ-ni-ê là công giá hằng ngày cho một công lao động). Đối với những người giàu, số tiền đó không đáng là bao nhưng với bà thì đó là toàn bộ những gì bà có và bà đã dâng hết cho Chúa. Chúa khẳng định rằng “mụ này thiếu thốn mà đã dâng hết của mình có để nuôi mình” (câu 4).
Hành động dâng hiến của bà góa dạy chúng ta nguyên tắc đầu tiên trong sự dâng hiến đó là không đợi lúc có dư mới dâng cho Chúa. Bà góa hoàn toàn không có dư. Bà có rất ít và rất thiếu thốn. Tuy nhiên với tấm lòng yêu mến Chúa bà đã nắm lấy cơ hội còn có thể này để dâng hiến cho Chúa hết tất cả những gì bà có. Bà biết rõ sau khi dâng bà sẽ không còn gì để nuôi mình nữa và sẽ có nguy cơ nhịn đói. Tuy nhiên, vì lòng yêu kính Chúa bà chỉ muốn dâng cho Chúa trước, còn mọi sự tính sau. Và thực tế bà sinh sống như thế nào sau đó thì ông Lu-ca không đề cập; nhưng điều chúng ta chắc chắn là Chúa sẽ có cách để lo liệu chu cấp cho bà. Và hơn nữa Chúa sẽ ban phước dư dật trên tấm lòng tận hiến của bà. Chúng ta từng học qua kinh nghiệm của bà góa ở Sa-rép-ta (I Các Vua 17:8-16). Trong cơn đói kém của xứ, bà chỉ còn một nắm bột và chút dầu cho bà và đứa con để ăn bữa ăn cuối cùng rồi chết (I Các Vua 17:12). Lúc đó tiên tri Ê-li đến và yêu cầu bà làm cho ông cái bánh nhỏ để ăn trước. Một yêu cầu khó cho bà nhưng bà góa này đã làm theo, làm cho tiên tri của Chúa trước và kết quả hoàn toàn bất ngờ cho bà là “bột không hết trong vò, dầu không thiếu trong bình” (I Các Vua 17:16). Người vì Chúa mà dâng hiến thì chắc chắn không bao giờ thiếu nhưng sẽ luôn đủ đầy dư dật. Cho nên, qua đây chúng ta có thể chắc chắn rằng bà góa trong câu chuyện Chúa Giê-xu nói ở đây cũng sẽ không thiếu thốn sau khi dâng hết cho Chúa. Chúa sẽ tiếp trợ cho bà cách này cách khác đúng như Thi Thiên 23:1 nói rằng “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì”.
Vì vậy, xin Chúa cho chúng ta học theo gương của bà góa nghèo này trong tinh thần dâng hiến. Hãy dâng cho Chúa khi còn có thể, đừng đợi đến lúc dư mới nghĩ đến việc dâng hiến. Nếu đợi dư mới dâng thì chắc không bao giờ có được vì con người chúng ta thường không bao giờ biết đủ. Khi chúng ta dâng cho Chúa nhất là những lúc thiếu thốn sẽ là cơ hội để chúng ta kinh nghệm sự lo liệu diệu kỳ của Chúa trên đời sống mình. Vì vậy, đừng đợi dư mới dâng cho Chúa.
2. Giá trị của dâng không nằm ở số lượng mà ở tấm lòng
Nếu so về số lượng thì rõ ràng những người giàu dâng nhiều hơn bà góa. Ông Mác nói rằng “có lắm người giàu bỏ nhiều tiền” (Mác 12:42) và “mụ góa nghèo bỏ vào hai đồng tiền”. Tuy nhiên, Chúa nói “mụ góa nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn hết mọi người khác” (Lu-ca 21:3). Như vậy, đối với Chúa, bà góa dâng nhiều hơn vì những người giàu chỉ dâng “của dư”, phần rất nhỏ so với những gì họ còn, trong khi bà góa thì dâng hết tất cả những gì bà có. Chúa không nhìn vào số lượng nhưng Ngài nhìn vào tấm lòng của người dâng. Ngài không quan trọng chúng ta dâng nhiều hay ít theo giá trị của con người. Chúa khẳng định “Bạc là của ta, vàng là của ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy” (A-ghê 2:8) và vua Đa-vít nhận biết rằng “mọi vật đều do nơi Chúa mà đến; và những vật chúng tôi đã dâng cho Chúa chẳng qua là đã thuộc về Chúa” (I Sử ký 29:14). Mọi thứ chúng ta có là do Chúa ban cho nên Chúa không quan tâm chúng ta dâng bao nhiêu. Quan trọng là tấm lòng của chúng ta như thế nào khi dâng hiến cho Chúa. Khi Ca-in và A-bên cùng dâng của lễ cho Chúa thì Kinh Thánh chép rằng “Chúa đoái xem A-bên và nhận lễ vật người nhưng chẳng đoái đến Ca-in và chẳng nhận lễ vật người” (Sáng 4:3-7). Chúa chấp nhận tấm lòng trước rồi Ngài mới nhận của lễ. A-bên đẹp lòng Chúa nên Ngài nhận lễ vật của ông còn Ca-in không xứng hiệp nên Ngài không nhận những gì ông dâng.
Vì vậy, nếu cuộc sống chúng ta không quá dư dả , chỉ có ít để dâng cho Chúa thì đừng ngại. Khả năng Chúa cho chúng ta bao nhiêu thì dâng hiến cho Chúa bấy nhiêu như bà góa. Chúa có thể khiến những phần nhỏ chúng ta dâng cho Ngài trở nên ích lợi cho công việc Ngài. Bé trai dâng cho Chúa chỉ năm cái bánh và hai con cá; nhưng từ đó Chúa hóa bánh và cá ra cho năm ngàn người nam không kể phụ nữ và trẻ em (Giăng 6:9, 10). Ngược lại, nếu Chúa cho chúng ta dư dật, đừng như những người giàu chỉ dâng trong sự tính toán “lấy của dư làm của dâng” nhưng sẽ dâng cách rời rộng cho công việc Chúa giống như dân Y-sơ-ra-ên trong thời kỳ xây dựng đền tạm. Khi nghe biết nhu cầu công việc Chúa, dân sự đã đem đến “dư bội phần”đến nỗi “bị cấm dâng” thêm nữa (Xuất 36:1-7). Một tinh thần rất đáng để chúng ta học hỏi và làm theo.
Tóm lại, việc dâng cho Chúa nhiều hay ít không quan trọng, miễn sao tấm lòng của chúng ta được Chúa chấp nhận mới là của dâng có giá trị. Xin Chúa dùng hình ảnh bà góa để nhắc nhở chúng ta trong tinh thần dâng hiến cho Chúa.
3. Dâng trong sự khiêm hạ
Câu chuyện này được đặt ngay sau lời quở trách của Chúa đối với những thầy thông giáo và người Pha-ri-si (Lu-ca 20:45-47). Những người Pha-ri-si vốn thích phô trương, khoe khoang cho người ta thấy sự tin kính của họ. Họ sống gian ác, luôn muốn đàn áp người khác, nhất là những bà góa. Chúa thấy rõ trong lòng họ như thế nào nên Ngài quở trách và tuyên bố họ sẽ là những người bị đoán phạt rất nặng. Và liền sau lời quở trách này, Chúa chỉ cho môn đồ thấy một hình ảnh hoàn toàn đối lập về người đàn bà góa, nghèo, thiếu nhưng có một sự tận hiến cho Chúa thực sự. Bà dâng trong sự âm thầm, kín đáo, chỉ Chúa biết tấm lòng của bà. Vì vậy, Chúa khen bà trong tinh thần đó và dùng đó như tấm gương dạy các môn đồ và chúng ta ngày nay.
Xin Chúa cho chúng ta cũng luôn tận hiến cho Chúa (tiền bạc, tài năng, sức lực,…) trong tinh thần khiêm nhường, hạ mình như vậy. Được phục vụ Chúa là đặc ân Chúa ban cho chúng ta là con dân của Ngài. Mọi thứ trên đời Chúa chỉ phán một lời là có nhưng Ngài cho chúng ta cơ hội được dự phần trong công tác của Ngài để qua đó Ngài ban thưởng cho chúng ta (Khải huyền 22:12). Vì vậy, nếu có cơ hội dâng hiến hay làm bất kỳ công việc nào trong nhà Chúa hãy luôn phục vụ trong tâm tình khiêm hạ, không phô trương cho người khác thấy vì “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gia-cơ 4:6) và “…ai tự nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên” (Lu-ca 14:11). Đức Chúa Trời là Đấng thấy trong tấm lòng sẽ thưởng cho mỗi chúng ta. A-men!
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…